Đòn giáng mạnh vào Mỹ trong nỗ lực xây dựng liên minh chống Trung Quốc
Hồi tháng 6, châu Âu vui mừng đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sang thăm, nơi nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden nói đùa bằng tiếng Pháp ở Paris, chụp ảnh 'tự sướng' với thanh niên Pháp và nói chuyện rất dài về việc hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison trong lễ công bố trực tuyến thành lập liên minh an ninh AUKUS ngày 15/9. (Ảnh: Reuters)
Chuyến thăm đó mang lại không khí khác hẳn sau 4 năm chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump giương cao ngọn cờ “Mỹ là trên hết”, khiến quan hệ với châu Âu đi hết từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.
Nhưng chưa đầy 3 tháng sau chuyến thăm hàn gắn của ông Blinken, Mỹ lại rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy với Pháp vì thỏa thuận 3 bên nhằm trang bị cho Úc các tàu ngầm hạt nhân, dẫn đến việc Pháp mất thỏa thuận 40 tỷ USD.
Pháp phản ứng đầy giận dữ, nói rằng thỏa thuận của Mỹ với Úc là cú đâm sau lưng và dùng những ngôn từ nặng nề gần như không bao giờ xuất hiện công khai trong các tuyên bố giữa các đồng minh.
Tiếp sau đó, Pháp triệu đại sứ tại Mỹ và Úc về nước, đồng thời chỉ trích chính quyền Biden hành xử như người tiền nhiệm Donald Trump khi gạt Pháp ra rìa.
Các nhà ngoại giao Pháp nói rằng họ chỉ biết về thỏa thuận khi báo chí Úc đưa tin vài giờ trước lễ công bố chính thức hôm 15/9, dù Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định đã nói rõ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp hồi tháng 6 về khả năng hủy bỏ thỏa thuận với Pháp.
Các nhà phân tích nói rằng cuộc khủng hoảng này không chỉ là vấn đề thương mại, mà còn là lòng tin. Giới chức Mỹ hy vọng có thể xử lý nhanh chóng, nhưng nó có thể gây tổn hại lâu dài cho quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Pháp và châu Âu, gây hoài nghi với mặt trận thống nhất mà Washington đang cố gắng tạo ra để cạnh tranh với sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc.
Dù thế nào đi nữa, từ quan điểm của Pháp, bước đi của Mỹ đã đi ngược lại điều mà chính quyền Biden cam kết sau khi kỷ nguyên Trump kết thúc. Đó là sẽ trở lại với chủ nghĩa đa phương và hợp tác gần gũi với các đồng minh và đối tác, trong đó châu Âu đóng vai trò quan trọng.
“Điều này khiến người châu Âu nhận ra rằng có thể một số chính sách của Trump, vượt lên những bê bối và dòng tweet, không chỉ là việc đi sai đường mà báo hiệu sự chuyển hướng sâu sắc khỏi châu Âu”, Benjamin Haddad, giám đốc Trung tâm châu Âu thuộc Hội đồng Atlantic, đánh giá.
“Vào thời điểm chính quyền Biden muốn tập hợp châu Âu vào một mặt trận xuyên Đại Tây Dương để chống lại sự quyết liệt của Trung Quốc, vì sao họ không đưa nhân tố chính của EU vào khu vực?” ông Haddad chất vấn.
Một số người coi đây là bước đi vụng về nữa của chính quyền Biden sau cuộc rút quân trong hỗn loạn khỏi Afghanistan, một sự kiện mà các nước châu Âu phàn nàn là họ đã không được tham vấn đầy đủ.
“Cũng giống như Afghanistan, cách làm ‘Mỹ là trên hết’ này được lên kế hoạch kém và thực hiện còn kém hơn”, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao Pháp.
Ông Blinken đang cố gắng xoa dịu cơn giận dữ của Pháp, gọi Pháp là một đồng minh quan trọng và lâu dài ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và rộng hơn nữa. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ nhanh chóng ra tuyên bố xoa dịu sau khi Paris triệu đại sứ về nước.
“Trung Quốc có thể đang cười. Họ có triển vọng sẽ loại bỏ được khả năng châu Âu hiện diện cạnh Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương” - Frnacois Heisbourg, cố vấn cấp cao về châu Âu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington hy vọng sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này ở cấp cao trong những ngày tới, bao gồm kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tuần sau.
Dù các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể thể tìm ra cách để vượt qua cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong lịch sử của họ, nhưng các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng này có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho chiến lược đối phó với Trung Quốc của ông Biden.