Đón liệt sĩ trở về
Bức ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lự, ở huyện Đô Lương (Nghệ An) òa khóc khi ôm hài cốt của con được tìm thấy sau 51 năm hy sinh được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong cuộc làm việc với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ (HCLS), gây xúc động mạnh.
Hơn nửa thế kỷ, mẹ Lự đã mòn mỏi ngóng trông hai người con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bức ảnh đó được chụp năm 2020 sau khi gia đình mẹ Lự tìm được hài cốt của người con cả-liệt sĩ Nguyễn Tất Tân với sự trợ giúp của cơ quan chức năng và cộng đồng. Nhưng phần mộ của người con thứ hai-liệt sĩ Nguyễn Tất Văn vẫn chưa tìm thấy. Tháng 6 vừa qua, mẹ Lự qua đời ở tuổi 112, mang theo sự mòn mỏi đợi chờ!
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện cả nước còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hơn 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Như thế nghĩa là còn hàng trăm nghìn gia đình liệt sĩ vẫn đang chờ đón các anh về!
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Ngay từ khi đất nước vẫn chưa dứt tiếng súng, khi còn bao gian khó, việc tìm kiếm, quy tập HCLS đã được thực hiện. Nhờ đó, nhiều liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, được trở về với gia đình. Trong việc xác định danh tính liệt sĩ, từ năm 2011 đến 2021, các đơn vị đã nhận được hơn 41.000 mẫu ADN; xác định danh tính gần 1.400 hài cốt, báo tin cho thân nhân và chỉnh sửa thông tin ghi trên bia mộ liệt sĩ.
Thế nhưng ở một đất nước trải qua chiến tranh suốt hàng chục năm thì những đau thương, mất mát là rất to lớn và sẽ còn phải nhiều năm nữa mới có thể khắc phục được. Vì thế, các thế hệ đang hưởng cuộc sống hòa bình hiện nay vẫn mang nợ ân tình đối với các anh, gia đình các anh-những người đã hy sinh mạng sống của mình cho Tổ quốc. Chưa thể tìm thấy phần mộ, chưa thể đưa được các anh về là nỗi khắc khoải không chỉ đối với gia đình liệt sĩ mà là với mỗi chúng ta.
Việc thiếu thông tin, hoặc thông tin không rõ ràng đang là trở ngại không nhỏ đối với các gia đình liệt sĩ trong quá trình tìm kiếm. Có rất nhiều trường hợp liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang nhưng gia đình không biết ở đâu để tìm tới. Có những trường hợp gia đình liệt sĩ không giải mã được ký hiệu mật danh của đơn vị tại chiến trường, đồng đội cũ thì đã hy sinh hoặc đã mất sau chiến tranh... Do đó, rất cần phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, trong đó có danh sách đầy đủ tất cả liệt sĩ tại các nghĩa trang trên cả nước, với thông tin dễ tiếp cận, dễ hiểu; rất cần tăng cường nhân lực, phương tiện cho các cơ quan chuyên trách về công tác thương binh, liệt sĩ.
Hiện nay, việc giám định ADN HCLS được thực hiện miễn phí thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở đủ năng lực và có chức năng giám định ADN HCLS còn quá ít trong khi nhu cầu giám định rất lớn. Đây là một trở ngại không nhỏ, khiến việc chờ đợi của gia đình liệt sĩ càng kéo dài. Nên chăng cần khuyến khích, huy động thêm các cơ sở có đủ năng lực xét nghiệm ADN vào cuộc để tăng tốc độ giám định.
Chúng ta có tất cả 23 đội tìm kiếm, quy tập HCLS. Với tinh thần trách nhiệm, tình cảm với những đồng đội thuộc thế hệ đi trước, thành viên của các đội quy tập đã vượt nắng mưa nơi rừng núi heo hút, rồi những hiểm họa của bom đạn còn sót lại nơi chiến trường xưa để tìm được, đón được rất nhiều liệt sĩ trong những năm qua. Thế nhưng sức người có hạn. Vì thế, cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trên cả nước ta, gần như dòng họ nào cũng có liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Đón liệt sĩ trở về là trách nhiệm, là tình cảm, thể hiện đạo lý, nhân cách của những người thuộc thế hệ hôm nay. Do đó, mỗi chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm trực tiếp cần phải làm nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, trách nhiệm cao hơn nữa để các gia đình liệt sĩ, nhất là những bà mẹ già đang mòn mỏi chờ liệt sĩ trở về kịp hoàn thành tâm nguyện của mình.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/don-liet-si-tro-ve-701005