Dồn lực cung ứng hàng hóa cho vùng lũ
Nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân sau cơn bão số 3, nhiều doanh nghiệp TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam đã liên kết chặt chẽ với hệ thống phân phối, bán lẻ miền Bắc để kịp thời cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hạn chế tình trạng đứt gãy nguồn cung hàng, đặc biệt với các tỉnh, thành đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau mưa bão.
Đảm bảo nguồn hàng cung ứng
Ngay khi nhận được thông tin bão Yagi (bão số 3) gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) trực tiếp làm việc với các đơn vị sản xuất chủ lực. Quan điểm của các doanh nghiệp (DN) thực phẩm là chủ động bố trí tăng ca, tăng người làm để đảm bảo nguồn cung ứng tối đa nhu cầu tại phía Bắc.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA nói: “Chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp đủ các loại thực phẩm khô, bánh các loại và thực phẩm chế biến cho các tỉnh miền Bắc để ổn định thị trường”. Bà Chi cho biết, hiện tại FFA đang cùng với các DN hội viên thống kê năng lực sản xuất và lượng hàng có sẵn trong kho của các DN lương thực thực phẩm.
Trong đó, ưu tiên các DN có cơ sở sản xuất, kho hàng gần vùng bão để cung ứng kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, FFA nhận được sự hưởng ứng đóng góp từ rất nhiều DN và cá nhân như ViFon, Acecook, Bidrico, Bibica, Ba Huân, Vissan, ABC, Công ty Bột Quốc tế… Hàng hóa bao gồm mì gói, bánh tươi, nước, cháo tươi, trứng, đồ hộp… cùng các hàng hóa thiết yếu khác.
Ở góc độ nhà phân phối, Saigon Co.op nhanh chóng tăng lượng hàng dự trữ dành cho khu vực miền Bắc gấp 3 lần so với ngày thường. Trung tâm Phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (tại Bắc Ninh) được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất. Đại diện Saigon Co.op cho biết, rau ăn lá, trái cây là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, mặt hàng này được tăng cường từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Theo kế hoạch, hơn 200 tấn bao gồm rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua, bầu, bí, bưởi, chuối, cam… từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc. Đối với thực phẩm tươi sống, sẽ hướng dẫn nhà cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm giao sản phẩm trực tiếp đến siêu thị. Như vậy, sản phẩm sẽ giữ được độ tươi mát, đồng thời khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của 2 bên.
Tương tự, nhằm cung ứng đầy đủ hàng hóa cho các tỉnh, thành miền Bắc, những ngày qua, Central Retail Việt Nam tăng cường nguồn hàng. Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Central Retail Việt Nam cho hay, đã chuẩn bị những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc. Trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt giao cho miền Trung và miền Bắc là 40 tấn/chuyến, nay tăng lên 75 - 80 tấn/chuyến.
Nhờ đó, các siêu thị của hệ thống tăng lên 100% sản lượng hàng rau củ so với ngày thường. “Riêng thực phẩm tươi sống có phần khó khăn hơn. Do một số nhà cung cấp nằm ở tâm bão, khu nuôi cũng như nhà máy bị hư hỏng, mất nước, mất điện ảnh hưởng tới việc sản xuất... Hiện tại các nhà cung cấp đang cố gắng khắc phục sau lũ và tăng cường sản xuất để đáp ứng hàng hóa cho siêu thị. Lượng hàng vẫn đang đảm bảo giao từ 90% nhu cầu của khách hàng” - bà Vân cho biết.
Mặt bằng giá ổn định
MM Mega Market Việt Nam ghi nhận, nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng lũ tăng mạnh đối với mì gói, bánh mì, đồ hộp, rau củ quả, nước suối,... Sức mua các mặt hàng này tại các hệ thống ở khu vực miền Bắc tăng trên 50%, có lúc lên đến 80%.
Sức mua tăng cao, vì vậy nhà phân phối này tăng cường nhân sự cho các kho miền Bắc để ổn định việc cung ứng vận chuyển hàng, đảm bảo quầy bánh tươi luôn đủ cho khách mua trữ hoặc ăn liền không cần chế biến. Riêng mặt hàng rau củ quả, tăng lên 2 chuyến xe vận chuyển từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội mỗi ngày, tương đương 16 tấn rau củ quả.
“Đơn vị đã tập trung mạnh vào việc xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và được củng cố mạnh mẽ bởi các 5 trạm thu mua – cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 Kho giao hàng B2B (Depot), cho nên trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến 1 tháng cho miền Bắc” - đại diện siêu thị này chia sẻ.
Không chỉ nỗ lực cung ứng đủ nguồn hàng, kể cả nhà sản xuất và nhà phân phối đều khẳng định không có tình trạng biến động về giá hay giá cả “té nước theo mưa”. Bên cạnh việc không tăng giá hàng hóa, MM Mega Market sẵn sàng chung tay với các đơn vị cứu hộ cứu nạn hoặc các đơn vị thiện nguyện cần một lượng hàng lớn cứu trợ với mức chiết khấu tốt nhất theo từng đơn hàng. Phía Saigon Co.op cũng nhấn mạnh, đảm bảo giá cả hàng hóa bình ổn, đơn vị tiếp tục thực hiện khuyến mãi các mặt hàng thiết yếu nhằm giảm giá sâu hơn nữa.
Cụ thể, các mặt hàng khuyến mãi như: su su, bắp cải thảo, xà lách lolo xanh, cần tây, dưa leo, cải Caron, cà chua, ớt chuông,... đồng loạt giảm giá 20%. Thịt heo, bò, gia cầm, giò sống,… giảm giá từ 15% đến 20%. Đối với mặt hàng thực phẩm khô, giảm từ 15% đến 35% cho phở bò/gà, nui ống lớn/sao, miến đậu xanh...
Ông Vũ Anh Khoa - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op yêu cầu: “Toàn hệ thống nhanh chóng tăng cường nguồn hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả, hàng tiêu dùng với giá bình ổn tốt nhất có thể, thậm chí dưới giá vốn. Không để tăng giá, không hụt hàng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho các siêu thị, điểm bán khu vực phía Bắc”.
Liên quan đến giá cả hàng hóa cung ứng cho vùng lũ phía Bắc, bà Lý Kim Chi khẳng định, các DN của FFA cam kết không tăng giá bán trong suốt giai đoạn khắc phục hậu quả bão lũ. Với tinh thần trách nhiệm xã hội, FFA không chỉ tập trung vào công việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa mà còn ngay lập tức phát động phong trào đóng góp, vận động tài chính và sản phẩm từ các DN, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Ưu tiên tặng quà Trung thu cho trẻ em bị ảnh hưởng bão lũ
Trước tình hình nhiều tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đang tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, ngày 12/9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có công văn đề nghị các địa phương ưu tiên tặng quà Tết Trung thu đến trẻ em nghèo; trẻ em vùng sâu, vùng xa; trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ.
Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương quan tâm, chăm lo tổ chức các hoạt động Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu một cách phù hợp, trên cơ sở bảo đảm an toàn, tiết kiệm, thực chất, không phô trương, hình thức, đặc biệt ở những nơi bị ảnh hưởng của bão số 3 và lũ lụt, thiên tai sau bão.
Tuyệt đối không tổ chức sự kiện tập trung đông trẻ em và đông người, không an toàn tại nơi tổ chức sự kiện, và trên đường di chuyển do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Thay vào đó, có thể tổ chức trực tuyến, trên truyền hình, và gửi quà đến các cháu nếu có điều kiện.
Lan Hương
Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa
Theo báo cáo của Sở Công thương các địa phương, đối với các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, Sở Công thương và các DN đang phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh trưng, nước uống đóng chai đến cho người dân.
Đối với các khu vực chưa bị ngập lụt, chia cắt, tình hình cung ứng hàng hóa vẫn được bảo đảm, giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng nguồn cung được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo để phục vụ người dân. Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường do phương tiện vận chuyển được điều chuyển đến các tỉnh ảnh hưởng nặng nề của bão. Các mặt hàng rau, củ, quả có tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển.
Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân sau bão và hoàn lưu bão số 3, Sở Công thương Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ, DN xăng dầu trên địa bàn sớm xử lý các sự cố xung quanh khu vực bán hàng, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn, kịp thời. Bên cạnh đó, thực hiện cứu trợ theo phương án đã xây dựng để bảo đảm đời sống nhân dân, đặc biệt là khu vực bị chia cắt, cô lập do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3.
Đại diện sở Công thương Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng (nhất là mặt hàng rau xanh) từ các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng của bão số 3 để hoạt động cung ứng của đơn vị không bị gián đoạn.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đã ban hành Công điện chỉ đạo các Sở Công thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không đứt gãy nguồn cung trong bất cứ tình huống nào.
Bộ Công thương yêu cầu các Sở Công thương chỉ đạo các DN cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phướng án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
Ông Vũ Anh Khoa - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết, Trung tâm Phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (tại Bắc Ninh) được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, tăng ca làm việc, hoạt động 24/24 với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa. Số lượng xe được Saigon Co.op khẩn trương điều hướng từ các trung tâm khác đến phục vụ riêng cho thị trường miền Bắc. Ngoài xe chuyên dụng, xe bảo ôn, Trung tâm Phân phối Saigon Co.op linh động sử dụng xe tải gọn nhẹ nhằm có thể di chuyển nhanh chóng trên những tuyến đường đang bị ngập úng.
Bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam chia sẻ, việc di chuyển xe hàng từ Nam ra Bắc, từ các kho miền Bắc đến các khách hàng của siêu thị vẫn được đảm bảo, đồng thời tăng cường số lượng gấp 3 lần. Tuy nhiên, không tránh khỏi sẽ có chậm trễ do điều kiện giao thông đang chịu ảnh hưởng của lũ và mưa ở khu vực Trung Bắc bộ. Đơn vị còn bố trí hệ thống xe tải nhỏ giao hàng tại các kho hàng hóa có khả năng vận chuyển hàng hóa đến các khu vực lân cận. Ngoài ra, một số nhà cung cấp hiện cũng đang gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, hàng hóa hư hỏng do mưa lũ, vì vậy hệ thống thu mua tối đa theo khả năng cung ứng của nhà cung cấp. Ưu tiên cho các nhà cung cấp có khả năng tập trung hàng hóa tại kho trữ hàng tại Bình Dương.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/don-luc-cung-ung-hang-hoa-cho-vung-lu-10290180.html