Dồn lực thông tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào cuối năm 2025

Nhà đầu tư cùng các nhà thầu đang triển khai nhiều giải pháp với sự đồng hành của cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để hoàn thành mục tiêu thông tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào cuối năm nay.

Chủ động đặt hàng đào tạo, bổ sung nhân lực

Thông tin tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư) cho biết, hiện tại, các nhà thầu đang huy động hơn 2.100 nhân sự và 863 thiết bị, tổ chức 89 mũi thi công đào đắp, xây cống thoát nước và cầu dọc toàn tuyến.

Thời gian qua, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nhận được sự đồng hành lớn của lãnh đạo địa phương. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu kiểm tra tiến độ thi công dự án ngày 7/5.

Thời gian qua, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nhận được sự đồng hành lớn của lãnh đạo địa phương. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu kiểm tra tiến độ thi công dự án ngày 7/5.

Địa phương đã hoàn thành bàn giao mặt bằng theo ranh bước nghiên cứu khả thi và dự kiến hoàn thành bàn giao mặt bằng bổ sung theo thiết kế kỹ thuật trong tháng 5/2025.

"Theo tiến độ trong hợp đồng dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, đến khoảng tháng 6/2026 công tác thảm nhựa mới bắt đầu triển khai, song, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các nhà thầu đang gấp rút tăng tốc các hạng mục để thông tuyến trên lớp bê tông nhựa ngay cuối năm 2025", ông Đông nói.

Giải quyết khối lượng công việc rất lớn trong gần 8 tháng còn lại, theo ông Đông, các nhà thầu đã xác lập và bám sát các mốc tiến độ chi tiết, tăng chi phí bổ sung nhân sự và đầu tư máy móc, thiết bị để tăng ca, tăng kíp, đặc biệt, nghiên cứu thay đổi biện pháp thi công nhằm rút ngắn thời gian triển khai.

Liên danh nhà đầu tư cũng đã làm việc với Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 1 và Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 4 để đặt hang đào tạo, bổ sung nhân lực lái xe, vận hành máy.

"Các nhà thầu trên toàn dự án hiện đều đang đảm bảo tiến độ. Mặc dù vậy, kết quả thi công dự án sẽ khả thi hơn nữa nếu có sự tham gia hỗ trợ cán bộ kỹ thuật, công nhân lái máy của lựa lượng quân đội.

Nếu có sự tham gia hỗ trợ của lực lượng quân đội, chúng tôi sẽ đảm bảo đầy đủ điều kiện làm việc, sinh hoạt, chế độ và an toàn lao động theo đúng định mức hiện hành", ông Đông chia sẻ.

Tìm hiểu của PV, thời gian qua, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng đã nhận được sự quan tâm lớn của Thủ tướng Chính phủ, các bộ chuyên ngành.

Ngày 28/4, HĐND tỉnh Lạng Sơn ban hành Nghị quyết số 18 về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ của dự án là gần 11.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án được nâng lên 8.200 tỷ đồng (tương ứng gần 69% tổng mức đầu tư). Số vốn nhà đầu tư huy động là 3.699 tỷ đồng (hơn 31%).

"Cần phải nói rằng, thời điểm ban đầu, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án chỉ 50%. Khi tỉnh Lạng Sơn mời thầu, chỉ duy nhất có liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu tham gia.

Việc điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước là rất quan trọng, giúp dự án rút ngắn thời gian thu phí, ngân hàng thu hồi vốn sớm hơn, thị trường đầu tư PPP hạ tầng giao thông sẽ có sức hút hơn", lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả nhận định.

Các mũi thi công duy trì thi công xuyên ngày đêm, bảo đảm thông tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng sớm vào cuối năm nay.

Các mũi thi công duy trì thi công xuyên ngày đêm, bảo đảm thông tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng sớm vào cuối năm nay.

Trước 30/5 hoàn thành bàn giao mặt bằng

Đánh giá dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương, mới đây (7/5), Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cũng đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra tiến độ thi công dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm các vị trí mặt bằng bãi thải, di dời hệ thống đường điện, thông tin trước ngày 20/5 và bàn giao mặt bằng còn lại trước 30/5 cho các nhà thầu.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Quân khu 1 rà soát khả năng của các đơn vị, đăng ký với UBND tỉnh và nhà đầu tư để nếu đủ điều kiện cùng tham gia hỗ trợ dự án.

Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Văn Lịch, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân khu 1 cho biết hiện, các lực lượng của quân khu hiện cũng đang dồn lực thi công nhiều công trình quốc phòng. Tuy vậy, trên cơ sở đề nghị của lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư, Quân khu 1 sẽ xem xét, rà soát các đơn vị, lực lượng chưa sử dụng đến để hỗ trợ dự án.

Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài 60km, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, đi qua địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn.

Dự án do UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan có thẩm quyền, Liên danh Công ty Xây dựng Đèo Cả - Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Xây dựng công trình 568 - Công ty Lizen làm nhà đầu tư thực hiện.

N.Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/don-luc-thong-tuyen-cao-toc-huu-nghi-chi-lang-vao-cuoi-nam-2025-192250509140336479.htm