Dồn lực vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu xoay xở rasao khi cầu yếu?
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ lao đao, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt đang ngấm đòn vì 'bỏ trứng vào một giỏ', quá phụ thuộc vào một thị trường chủ lực.
Nhu cầu tại Mỹ trầm lắng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt "ngậm trái đắng"
Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong quý I/2023, tăng trưởng GDP Mỹ chỉ đạt 1,1%. Con số này thấp hơn 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,6% của quý IV/2022. Trong khi đó, hôm 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, nâng mặt bằng lãi suất tham chiếu lên 5 - 5,25%, mức cao nhất trong hơn 15 năm qua. Hàng loạt yếu tố từ kinh tế giảm tốc, lạm phát cao, lãi suất cao và cuộc khủng hoảng ngân hàng thời gian qua được cho là đã khiến tâm lý người dân Mỹ thận trọng hơn trong việc đầu tư, thắt chặt chi tiêu. Điều này được ví như áp lực “kép” cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính chung quý I/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 79 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 20,57 tỷ USD, giảm 21,6% và chiếm 26% tổng kim ngạch. Đây cũng là lần đầu xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ tăng trưởng âm trong hơn 10 năm qua.
Với ngành xuất khẩu, thị trường Mỹ đóng vai trò như thị trường chủ lực, số liệu từ VASEP cho thấy trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước chỉ đạt 1,83 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu giảm sút ở hầu hết thị trường, đặc biệt là Mỹ với mức giảm tới 50,7%, xuống chỉ còn 283 triệu USD. Mức giảm kim ngạch đáng kể đã đưa Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các quốc gia nhập khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng đầu năm, sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thời điểm hiện tại, giá xăng dầu và giá điện tại Mỹ đã hạ, nhưng giá thực phẩm vẫn cao. Người dân Mỹ, nhất là tầng lớp thu nhập thấp đã phải thay đổi khẩu phần ăn và các kênh mua thực phẩm. Đã xuất hiện xu hướng nhiều người tiêu dùng cân nhắc chọn thịt gà, thịt bò hoặc thịt lợn để thay cho thủy sản...
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP nhận định: “Xu hướng giảm tại các thị trường chính đang thể hiện rất rõ ràng và tín hiệu giảm sẽ kéo dài đến ít nhất qua hết hè năm nay”.
Là doanh nghiệp mà 95% doanh thu đến từ xuất khẩu và Mỹ là một trong ba thị trường xuất khẩu chủ lực, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) ghi nhận doanh thu từ thị trường Mỹ giảm mạnh từ mức 221 triệu USD năm 2021 (tương đương 34% trong doanh thu toàn tập đoàn) xuống 103 triệu USD năm 2022 (tương đương 16,72% doanh thu) và vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm trong các tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, MPC ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 2.123 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức doanh thu thấp nhất kể từ đầu năm 2020 tới nay. Cùng với đó là lỗ ròng 98 tỷ đồng, quý đầu tiên lỗ ròng sau gần 7 năm liền có lãi. Theo MPC, sự sụt giảm nhu cầu tại hàng loạt thị trường lớn trong đó có Mỹ là một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp đi lùi.
Còn tại Vĩnh Hoàn (VHC), doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hàng đầu Việt Nam với giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ chiếm 68% tổng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2022, đồng thời nắm giữ 46% thị phần cá tra tại Mỹ, kết quả kinh doanh quý đầu năm đã phản ánh rõ nét sự sụt giảm nhu cầu tại thị trường chính. Cụ thể, trong quý I/2023, VHC ghi nhận doanh thu 2.222 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và là quý thứ 3 liên tiếp doanh thu "đi lùi". Trong đó, doanh thu từ thị trường Mỹ giảm 56%. Sau thuế, doanh nghiệp thu về 226 tỷ lợi nhuận, giảm tới gần 60%.
Không riêng thủy sản, với ngành gỗ, nhu cầu giảm tại thị trường Mỹ cũng kéo theo sự tác động đáng kể đến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho thấy trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ 2 tháng đầu năm 2023, đạt 3,3 tỷ USD, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 37% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ, nhưng vẫn giảm đáng kể so với cùng kỳ. Ngoài gỗ nội thất, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ, khung gương... sang Mỹ cũng giảm mạnh.
Trong bối cảnh nhu cầu từ thị trường Mỹ sụt giảm, CTCP Phú Tài (Mã: PTB), doanh nghiệp gỗ mà doanh thu chủ yếu đến từ các thị trường châu Âu, Mỹ, Australia, đã ghi nhận doanh thu thuần quý I giảm 18% xuống 1.409 tỷ đồng và lãi sau thuế 62 tỷ đồng, giảm 57%. “Dự kiến phải cuối năm 2023, bức tranh xuất khẩu ngành gỗ sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên, trở về kim ngạch ban đầu đối với hàng xuất đi Mỹ thì cũng không được. Bởi lẽ, xuất khẩu đi Mỹ, thời kỳ bán hàng tốt nhất lại là thời kỳ đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Sỹ Hòe - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Tài chia sẻ với báo chí.
Tại CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (Mã: SAV), Mỹ luôn nằm trong top 3 thị trường xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, trong xu hướng nhu cầu giảm tại các thị trường chính, quý I/2023, Savimex báo doanh thu giảm 33% so với cùng kỳ, xuống còn 183 tỷ đồng; trong đó doanh thu xuất khẩu giảm 40%, xuống còn 155 tỷ đồng. Lợi nhuận sau Các thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2022 Nguồn: Hiệp hội Dệt may Việt Nam. thuế chỉ đạt 6,1 tỷ đồng, giảm tới 52% so với cùng kỳ. Ông Văn Anh Tuấn, Phụ trách quản trị SAV thông tin tại cuộc họp ĐHĐCĐ: “Từ đầu năm đến hết tháng 3, đơn hàng giảm khoảng 30% so với thời kỳ cao điểm. Dự kiến từ tháng 7 đơn hàng mới quay trở lại”.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với ngành dệt may, khi tính toán sơ bộ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam quý I/2023 ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ giảm tới 30,2%. Hàng loạt doanh nghiệp dệt may mà Mỹ là thị trường chủ lực theo đó cũng “lao đao”. Chẳng hạn, tại CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK), doanh nghiệp mà Mỹ chiếm khoảng 70% cơ cấu doanh thu theo thị trường năm 2022; doanh thu thuần quý I/2023 đã ghi nhận giảm 55% xuống còn 288 tỷ đồng và lãi ròng giảm tới 98%.
Hay tại CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH), doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2022 đạt 17,4 tỷ USD, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu, đã chứng kiến mức sụt giảm doanh thu quý I gần một nửa so với cùng kỳ, xuống 637 tỷ đồng, lãi sau thuế quý đi lùi 67%, xuống 27 tỷ đồng.
Chờ bão tan là lời giải ngắn hạn?
Không ai có thể khẳng định rằng bao giờ kinh tế thế giới nói chung và nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ nói riêng sẽ phục hồi. Với quốc gia mà nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, những “cú sốc” từ các thị trường lớn chắc chắn sẽ mang đến tác động, nhất là với doanh nghiệp xuất khẩu. Trong bối cảnh này, một số doanh nghiệp chọn cách nhìn lại mình, giải quyết bài toán chi phí, chủ động cắt giảm chi tiêu, cơ cấu lại các ngành hàng. Một số chọn cách đa dạng hóa thị trường, thậm chí là quay lại chính thị trường nội địa; hay đa dạng hóa sản phẩm, “nhặt nhạnh” từng đơn hàng để tồn tại qua thời kỳ khó khăn.
Điển hình như tại “vua tôm” Minh Phú, doanh nghiệp hiện đang nỗ lực giảm thiểu tác động của sự sụt giảm nhu cầu ở Mỹ qua mức độ đa dạng thị trường xuất khẩu và danh mục sản phẩm phân loại cao. Cụ thể, “vua tôm” kỳ vọng chuyển dịch sang khu vực châu Á với hai thị trường khách hàng tiêu thụ lớn sau Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, tập trung sản xuất các sản phẩm chế biến sâu với giá trị gia tăng cao - thế mạnh của Minh Phú. Thời điểm cuối năm 2022, doanh thu xuất khẩu cả năm của Minh Phú sang Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lần được chiếm 16,7%, 24% và 5,7% trong cơ cấu doanh thu, có sự chuyển dịch rõ rệt khi so sánh với tỷ trọng tương ứng 34%, 19% và 4,6% năm 2021. Mặt khác, Minh Phú còn chuyển đổi sang thị trường lân cận Mỹ như Canada, thị trường Australia và châu Đại Dương.
Với hướng đi khác, Vĩnh Hoàn quyết định đa dạng hóa danh mục sản phẩm thủy sản để tối đa hóa lợi nhuận. Đơn vị quyết định tiếp tục phát triển sản phẩm mới như surimi và thanh cua làm từ cá tra. Những sản phẩm này sử dụng phụ phẩm từ chế biến cá tra fillet và giúp đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Những sản phẩm giá trị gia tăng này thường có giá bán ổn định hơn so với cá tra fillet nên sẽ hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận nói chung.
Lựa chọn chờ “bão” qua, Phó Tổng Giám đốc CTCP Phú Tài Nguyễn Sỹ Hòe kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội, bởi chúng ta nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhân công dễ xoay chuyển; và khi thị trường Mỹ bình thường trở lại thị họ vẫn ưu tiên cho các doanh nghiệp 100% vốn từ Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đánh giá: “Việc xuất khẩu sang Mỹ giảm trong quý I là điều tất nhiên. Nhưng đây là bối cảnh chung, chúng ta không thể thay đổi được. Trong năm nay, triển vọng tăng trưởng mạnh của các ngành xuất khẩu khó có thể lạc quan”.
Đề xuất các giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phú “hiến kế”: “Trước mắt, các doanh nghiệp phải làm ăn tử tế, tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu, quan trọng là việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nguồn gốc sản phẩm từ phía đối tác.
Về lâu dài, các đơn vị phải liên doanh, liên kết với nhau trên cơ sở tạo thành chuỗi cung ứng. Ngoài ra, việc tiết kiệm chi phí, nhất là logistic sẽ phần nào nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp. Năm 2022 con số cho chi phí này tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% doanh thu, trong khi đó trung bình thế giới khoảng 10%. Bên cạnh đó, chúng ta phải xây dựng được hàng “made in Viet Nam”, được sản xuất từ đầu đến cuối chứ không phải chỉ là gia công. Cuối cùng, việc đa dạng hóa thị trường cũng là giải pháp hữu hiệu, dù cho việc này sẽ rất khó khăn do quy định, yêu cầu, cách thanh toán từng khu vực khác nhau. Tuy nhiên, việc này sẽ tránh cho việc bị phụ thuộc vào một thị trường”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: ba mũi nhọn của đất nước là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Nhưng dường như các doanh nghiệp xuất khẩu đang “bỏ quên” thị trường trong nước, hay khối ASEAN với hơn 686 triệu dân. Đây cũng là khu vực được đánh giá đầy tiềm năng, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.