'Dọn ổ đón đại bàng'
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP Group) vừa ký kết biên bản hợp tác với 9 tỉnh, thành phố để phát triển các khu công nghiệp (KCN) thông minh. Việc nhân rộng các KCN kiểu mẫu này cho thấy, dù khó khăn, nhiều địa phương vẫn nỗ lực thu hút vốn ngoại, 'dọn ổ đón đại bàng'.
Nhân rộng khu công nghiệp kiểu mẫu
Bình Dương là địa phương có KCN với tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước. Các nhà đầu tư lớn vẫn lựa chọn Bình Dương để đặt nhà máy xây dựng, mà một trong những điển hình là tập đoàn Lego chọn KCN VSIP III tỉnh Bình Dương để xây dựng nhà máy mới trị giá 1 tỷ USD.
Ông Niels B. Christiansen - Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO cho biết, LEGO đã tìm kiếm nhiều địa điểm và quyết định chọn Bình Dương vì đây là địa phương có hạ tầng rất tốt, có thể phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời phục vụ cho nhà máy.
Trước đó, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) cũng đầu tư 100 triệu USD để xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại KCN Việt Nam - Singapore 3 (VSIP 3). Ông Jeerasage Puranasamriddhi - Giám đốc Cung ứng Tập đoàn Pandora, cũng đã khẳng định, Bình Dương và VSIP có cơ sở hạ tầng, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như đội ngũ VSIP rất tuyệt vời.
VSIP Group là liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC (Việt Nam) và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp Development LTD (Singapore) dẫn đầu. Riêng địa bàn tỉnh Bình Dương, tổng cộng có 3 dự án VSIP (VSIP 1, VSIP 2, VSIP 3) thu hút gần 600 nhà đầu tư đến từ hơn 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 8,6 tỷ USD, tạo ra 150.000 việc làm cho người lao động. VSIP được đánh giá là mô hình KCN điển hình, thông minh chú trọng phát triển xanh và bền vững, thân thiện môi trường. Riêng với VSIP 3 áp dụng các công nghệ quản lý mới cũng như đẩy mạnh việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời từ tấm pin áp mái hoặc cánh đồng pin mặt trời.
Ông Kelvin Teo - Giám đốc điều hành Tập đoàn SembCorp Development (Singapore), đồng Chủ tịch VSIP Group khẳng định, KCN VSIP 3 đánh dấu sự thay đổi lớn về chiến lược phát triển bền vững, sẽ góp phần thu hút dòng vốn FDI cho tỉnh Bình Dương và giúp KCN VSIP trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững tại Việt Nam.
Từ Bình Dương, mô hình KCN VSIP đến nay đã lan rộng ra nhiều địa phương (Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định), VSIP trở thành kiểu mẫu về phát triển KCN tập trung cả ở trong và ngoài nước. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của Bình Dương trong việc phát triển KCN xanh, hiện đại, bền vững, ngày 24/3 vừa qua, KCN Việt Nam - Singapore (VSIP Group) tiếp tục ký kết biên bản hợp tác với 9 tỉnh, thành phố để phát triển các KCN thông minh.
Theo thỏa thuận được ký kết, VSIP và 9 tỉnh, thành phố gồm Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định sẽ tiến hành nghiên cứu tính khả thi cho các KCN, trung tâm đô thị và dịch vụ.
Sự hợp tác giữa VSIP và 9 tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh này thông qua hoạt động sản xuất sản phẩm giá trị cao, tạo việc làm và phát triển các khu đô thị mới. Các dự án khả thi sẽ được ký kết thỏa thuận hợp tác và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, đồng Chủ tịch Công ty liên doanh KCN Việt Nam - Singapore cho biết, để phát triển các KCN thành công thì cần hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp (DN), chính quyền. Kinh nghiệm hơn 25 năm phát triển của Bình Dương cho thấy khi phát triển KCN cần sự uyển chuyển, hiểu thấu đáo và đặc biệt cần sự quyết tâm, đồng hành giữa chính quyền và các nhà đầu tư.
TS. Phan Hữu Thắng – Nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phân tích, các nhà đầu tư nước ngoài luôn lựa chọn địa bàn, địa điểm đầu tư phù hợp, có thị trường, thuận lợi cho việc sản xuất, xuất nhập khẩu của các DN công nghiệp sản xuất trong KCN.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú trọng xây dựng hạ tầng cơ sở KCN có chất lượng cao. Kèm theo đó là các dịch vụ tiện ích cần thiết khác phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh của các DN công nghiệp sản xuất trong KCN bao gồm cả các dịch vụ tiện ích xã hội liên quan. Đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có chương trình xúc tiến đầu tư bài bản và quản trị tốt quá trình vận hành KCN nên có nhiều cơ hội lớn trong việc giành được cảm tình của các nhà đầu tư.
Chú trọng các mô hình mới
Sự nhân rộng VSIP cũng là một bước đi để tiến tới dần thay thế các KCN truyền thống - thông thường chỉ có nhà máy đơn thuần, không có nhà ở. Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng phát triển của KCN hiện đại, thậm chí kết hợp khu đô thị, nhà ở, phòng khám, nhà trường để có thể phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên cần sớm phổ quát để tăng sức cạnh tranh cho các địa phương.
Theo TS. Sử Ngọc Khương - chuyên gia bất động sản, các địa phương, DN cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có trình độ. Bởi, ưu tiên hàng đầu hiện nay tại các KCN là các lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm lĩnh vực thâm dụng lao động. Đáng chú ý, xu hướng xanh và bền vững tại các KCN là định hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Không chỉ đem lại lợi ích về môi trường, xu hướng này chính là một lợi thế cạnh tranh của các KCN tại Việt Nam với các “đại bàng” trong khu vực và toàn cầu.
Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcharm) nhấn mạnh, Việt Nam nên phát triển KCN mô hình mới, không chỉ xây dựng riêng nhà máy mà cần phát triển các dịch vụ để công nhân sinh sống và làm việc tại chỗ.
Ông Hong Sun phân tích, đất đai cũng là nguồn lực hạn chế, không phải là tài nguyên mãi mãi. Các nước trên thế giới đã cho xây dựng nhiều nhà máy đa tầng, nhà máy chung cư 5 tầng, thậm chí 10 tầng để tận dụng, hiệu quả, tiết kiệm đất làm ra nhiều cơ sở sản xuất. Đối với một số lĩnh vực có thể thực hiện 1, 2 tầng thôi nhưng cũng có lĩnh vực áp dụng được đa tầng. Ở Hàn Quốc thậm chí một kho vận, nhà kho không xây một tầng mà 4-5 tầng trở lên để sử dụng tối đa hiệu suất. Ban quản lý đầu tư các dự án, chính quyền các địa phương cũng như KCN nên điều chỉnh lại vấn đề này để áp dụng theo mô hình mà các nước đã làm.
Giới chuyên gia cho rằng, nhiều tỉnh thành đang chạy đua lập KCN để hút mạnh nguồn vốn ngoại. Tuy nhiên, để kịp thời “dọn ổ đón đại bàng”, hút hàng tỷ USD vốn ngoại, các địa phương, DN và cả cơ quan quản lý cần có sự điều chỉnh, thích ứng kịp thời, nhanh chóng tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, pháp lý. Liên quan đến quy hoạch, thì nguồn lực quyết định sự thành công của KCN. Theo đó, không quy hoạch độc lập từng thực thể mà phải quy hoạch cả khu, ít nhất là cả thành phố để có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Muốn “đại bàng hạ cánh” thì các địa phương phải phát triển được một hệ sinh thái, không chỉ KCN mà xung quanh đó là những cụm công nghiệp liên hoàn để hỗ trợ nhau.
Để tăng tính hấp dẫn, bền vững trong thu hút đầu tư vào các KCN, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, cần có chính sách thu hút các dự án động lực, có quy mô lớn vào các KCN. Điều này nhằm hình thành các cụm sản xuất quy mô lớn và chuyên môn hóa, có tính liên kết cao giữa các DN trong KCN, khu kinh tế, giữa các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, chú trọng phát triển các mô hình KCN mới như: KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ, KCN hỗ trợ, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chất lượng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điều kiện thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng...
Lũy kế 35 năm qua, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI. Trong số này, có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Các dự án đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
“Việc phát triển KCN, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong KCN, khu kinh tế còn hạn chế. Do vậy, việc phát triển KCN, khu kinh tế cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/don-o-don-dai-bang-5713307.html