'Dọn rác' phim trên không gian mạng
Quản lý phim phổ biến trên không gian mạng vẫn là một vấn đề nan giải trong bối cảnh Internet và mạng xã hội phát triển như vũ bão hiện nay. Bên cạnh sự nỗ lực, mạnh tay của cơ quan chức năng thì cần sự góp sức của nhiều tổ chức tham gia vào quá trình sản xuất, phổ biến phim và bản thân cá nhân sử dụng mạng xã hội.
Nhiều kiểu vi phạm
Việc quản lý phim chiếu mạng một lần nữa lại được "hâm nóng" tại cuộc họp báo Quý I/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) khi ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận được câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề này. Trước đó không lâu, cử tri TP Hà Nội cũng có ý kiến đề nghị Bộ VHTT&DL nâng cao trách nhiệm, kiểm duyệt kỹ lưỡng trong việc tổ chức thẩm định và cấp phép phim nước ngoài chiếu trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội.
Hiện nay có 2 quy định dành cho việc phổ biến phim. Với phim chiếu rạp, áp dụng tiến hành tiền kiểm. Tức là phải thông qua Hội đồng thẩm định, kiểm duyệt mới được ra rạp nên hạn chế được tối đa vi phạm. Còn phim phổ biến trên không gian mạng được áp dụng chế độ hậu kiểm. Các nhà phát hành phim trên không gian mạng chịu trách nhiệm phân loại phim theo độ tuổi và hiển thị cảnh báo với người xem. Tuy nhiên, thời gian vừa qua vẫn xuất hiện những bộ phim vi phạm pháp luật Việt Nam, nhiều sản phẩm phản cảm, tục tĩu một cách đáng lo ngại. Bộ VHTT&DL cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan công bố danh sách và xử lý các phim vi phạm pháp luật. Đây là các sản phẩm có nội dung, hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, chủ quyền quốc gia Việt Nam.
Có thể kể tới những bộ phim như "MH370: Chiếc máy bay mất tích" (3 tập), "Hướng gió mà đi" (39 tập). Trong đó, tháng 7/2023, Netflix và FPT Play chính thức gỡ bỏ "Hướng gió mà đi" ra khỏi nền tảng. Phim "Barbie" cũng bị cấm chiếu ở Việt Nam vì lý do này… Các chi tiết vi phạm được chủ thể cài cắm tinh vi. Ví dụ, trong phim "Hướng gió mà đi", hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện ở phút thứ 2 của tập 30, trong bối cảnh nhân vật quan sát bản đồ trên màn hình ghế máy bay trong chuyến bay từ Quảng Châu (Trung Quốc) đến Singapore.
Gần đây nhất, đầu năm 2024, Cục Điện ảnh đã yêu cầu Vieon gỡ bỏ bộ phim Trung Quốc "199 Love" (tựa Việt: "Tình yêu 199 - Muốn mãi mãi yêu") vì nghi vấn "đường lưỡi bò". Phim dài 36 tập, được chiếu từ ngày 20/1. Vì hình ảnh nội dung liên quan "đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện trong tập 9 nên phim đã dừng phổ biến ngay sau đó.
Có thể nói, cơ quan quản lý đã xử lý nghiêm túc và ngay lập tức với những phim được phổ biến bởi những doanh nghiệp đã đăng ký. Tuy nhiên, một vấn nạn nổi lên hiện nay là sự xuất hiện của hằng hà sa số những phim ngắn với nội dung gây sốc hoặc độc hại với khán giả. Phim ngắn dễ làm, dễ phổ biến. Hầu như ai cũng có thể thực hiện mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức, vì vậy đang phổ biến tràn lan trên mạng.
Không thể phủ nhận một số phim ngắn có nội dung tích cực, hướng người xem đến những giá trị nhân văn tốt đẹp. Nhưng vì "câu view, câu like" để mang về lợi ích từ quảng cáo, những bộ phim phản cảm, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục dễ gây ảnh hưởng đến khán giả trẻ lại chiếm số lượng lớn. Tham gia vào bất kỳ một nền tảng mạng xã hội nào cũng dễ dàng bắt gặp những phim ngắn dạng này. Đến mức tình trạng này đã được nêu ra tại Hội nghị giao ban giữa Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương quý 1.
Nội dung phim ngắn thường khai thác những đề tài như mẹ chồng nàng dâu, "tiểu tam", tranh vợ cướp chồng, bạc đãi người thân, tình dục, mại dâm… Cách làm phim khá sống sượng, phản cảm với những lời thoại thô thiển. Các chuyên gia tâm lý cho rằng với bản tính tò mò lại chưa đủ kiến thức, kỹ năng, trẻ em rất dễ bị những nội dung như vậy thu hút, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe tinh thần, dẫn đến lệch lạc trong suy nghĩ, hành động.
12 doanh nghiệp, tổ chức được phổ biến phim trên mạng
Hiện nay, ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu xem phim trên Internet ngày càng trở nên quen thuộc và gần gũi với công chúng. Theo Tiến sĩ Đỗ Quốc Việt, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh: "Nhu cầu xem phim trên Internet ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể, số lượng nền tảng ứng dụng xem phim trực tuyến, ngoại tuyến, website phổ biến phim trên Internet làm bùng nổ thị trường phổ biến phim trực tuyến.
Nhiều người xem phim trực tuyến trong nước biết đến các nhà cung cấp phim nội địa như Vie Channel, FPT Play, Galaxy Play, VTV Go, MyTV, ViettelTV… và ngoài nước như Netflix, iQiYi, WeTV, Amazon Prime Video, AppleTV, MangoTV… Kho phim của các nhà cung cấp phim trên nền tảng trực tuyến khá đa dạng, nhiều kho thường xuyên được bổ sung mới, có thể có tới hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn bộ phim tương ứng với hàng triệu giờ xem có thể đáp ứng nhu cầu phong phú của khách hàng, chưa kể tới phim trên các website bất hợp pháp".
Sự phát triển thần tốc của Internet và các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, web drama chiếu mạng xuất hiện ngày càng nhiều. Với lợi thế có thể tiếp cận lượng lớn khán giả ở bất cứ đâu, khả năng kiếm tiền tốt từ nguồn quảng cáo mà không phải qua sự kiểm duyệt nội dung gắt gao nên loại hình này ngày càng lan tràn như "nấm mọc sau mưa". Mặc dù pháp luật quy định cá nhân không được phổ biến phim trên không gian mạng nhưng với các nền tảng xã hội như TikTok, Facebook… nhiều cá nhân vẫn phớt lờ quy định này.
Cách đây 1 năm, tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đã được Bộ VHTT&DL thành lập với 10 người, trong đó đích thân Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành làm tổ trưởng. Tổ công tác đã và đang tích cực triển khai các hoạt động liên quan tới công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 11 doanh nghiệp trong nước và 1 tổ chức xuyên biên giới được công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.
Theo báo cáo của tổ công tác, hầu hết các doanh nghiệp lớn phổ biến phim trong nước đã được công nhận đủ điều kiện phổ biến phim trên không gian mạng. Cùng với đó là sự thay đổi về mặt tư duy, ý thức chấp hành quy định của pháp luật. Các đơn vị này đã chủ động phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nhằm đảm bảo không vi phạm các quy định cấm của Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan đến nền tảng của mình. Các tổ chức phổ biến phim xuyên biên giới như Netflix, AppleTV, Amazon prime… mặc dù có sự khác biệt về văn hóa, chính trị nhưng đều đang tích cực làm việc với Cục Điện ảnh để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật khi phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Vi Kiến Thành tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ VHTT&DL thì tổ công tác gặp nhiều khó khăn vì nhân lực mỏng, chỉ có 10 cán bộ kiêm nhiệm việc kiểm tra, chia thành hai ca mỗi ngày, xem khoảng 5 bộ phim trong 1 ca, thường xuyên bị quá tải: "Tổ công tác vẫn phải đảm bảo công việc chuyên môn, không riêng việc xem và phát hiện phim vi phạm. Trong khi đó số lượng phim chiếu mạng rất nhiều, cán bộ ở Cục Điện ảnh khó có thể xem hết". Ông Vi Kiến Thành cũng cho biết, trước đây, để huy động sự giám sát từ khán giả, Cục Điện ảnh đã xây dựng quy chế, đề xuất thưởng 200.000 đồng kèm giấy chứng nhận cho người phát hiện phim sai phạm, nhất là phim có cài cắm hình ảnh "đường lưỡi bò" nhưng không được thông qua.
Như vậy có thể nói, để việc quản lý phim phổ biến trên không gian mạng đạt hiệu quả cao nhất chắc chắn không chỉ trông chờ ở cơ quan quản lý, trong điều kiện còn nhiều khó khăn khách quan, chủ quan. Ngoài ra, Luật An ninh mạng ra đời từ lâu, có những điểm chưa theo kịp với sự phát triển của mạng xã hội. Vì thế, bản thân mỗi khán giả khi sử dụng mạng xã hội cũng cần tự nâng cao cảnh giác, không để những bộ phim nhảm nhí độc hại, phản cảm có cơ hội lan tràn. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cần nâng cao ý thức để mang đến những sản phẩm có nội dung lành mạnh, nhân văn, hữu ích với đời sống xã hội. Đặc biệt, rất cần một "bức tường lửa" hữu hiệu cả về mặt công nghệ và luật pháp để có thể phát hiện sớm và ngăn chặn những sản phẩm phim ảnh độc hại với con người.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/don-rac-phim-tren-khong-gian-mang-i728691/