Đón siêu dự án, cổ phiếu đại gia dầu khí tăng cao nhất lịch sử
Một số mã cổ phiếu dầu khí tăng mạnh, lên đỉnh lịch sử. Triển vọng ngành dầu khí tươi sáng nhờ giá dầu thô tăng và tiến triển trong tiến độ siêu dự án Lô B - Ô Môn.
Cổ phiếu tăng vọt
Trong phiên giao dịch ngày 16/10, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) tăng thêm hơn 2%, lên đỉnh cao lịch sử mới 40.700 đồng/cp. Vốn hóa PTSC tăng thêm khoảng 30% trong 2 tháng gần đây và tăng gần gấp đôi trong 1 năm qua, lên sát 20.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này trúng thầu nhiều dự án lớn, trong đó có hợp đồng cung cấp trạm biến áp (ngoài khơi) cho dự án điện gió ngoài khơi Fengmiao của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners.
PTSC được biết đến là một trong số ít các doanh nghiệp trong mảng xây lắp M&C năng lượng tái tạo trong khu vực. PTSC đã có các hợp đồng với khối lượng công việc đủ cho 3-4 năm tới, với các dự án như Hải Long 2&3, Greater Changhua và Baltica 2…
Trong nước, PTSC cũng đã trúng gói thầu EPCI 1 trị giá 1,08 tỷ USD, thuộc siêu dự án Lô B - Ô Môn.
Cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) cũng tăng thêm hơn 1,9% lên 29.000 đồng/cp (phiên 16/10), mức đỉnh trong gần 10 năm qua.
Trong một dự báo, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính lợi nhuận quý III/2023 của PV Drilling có thể tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ lỗ 34 tỷ đồng) nhờ tiếp tục ghi nhận phần còn lại của khoản đền bù hợp đồng của Valeura, tương ứng 70 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận đạt 160 tỷ đồng, ngang với quý II/2023.
VDSC dự báo, PV Drilling có thể duy trì giá cho thuê giàn ở mức cao cho đến năm 2024 và số ngày hoạt động của giàn cũng cao hơn.
Cổ phiếu PVT của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí tăng ấn tượng phiên thứ 4 liên tiếp, lên mức giá cao lịch sử 30.100 đồng/cp (giá điều chỉnh).
Nhiều mã cổ phiếu dầu khí khác tăng như GAS, BSR, PVB, OIL, PLX, PVC…
Nhóm cổ phiếu dầu khí và liên quan dầu khí liên tục leo dốc và đều ở quanh đỉnh một năm hay đỉnh lịch sử trong bối cảnh giá dầu thô leo thang và đang ở quanh cao nhất một năm.
Theo Mirae Asset, Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 tạo ra những bước ngoặt lớn cho ngành dầu khí, giúp tháo gỡ nút thắt ở hoạt động thượng nguồn, khi trữ lượng khai thác tự nhiên đang giảm dần theo thời gian.
Trong khi đó, siêu dự án Lô B - Ô Môn mang đến những thông tin hỗ trợ tích cực. Đây là dự án kết hợp các mỏ khí thượng nguồn, đường ống vận chuyển trung nguồn và các nhà máy điện hạ nguồn, có tổng đầu tư hàng chục tỷ USD.
Chứng khoán SSI thì nhận định, các doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ siêu dự án này gồm: PVS (xây dựng giàn xử lý trung tâm, khu sinh hoạt, kho nổi), PVB (cung cấp sơn phủ cho dự án), PVD (giếng khoan dầu), GAS (mua hàng tỷ m3 khí từ dự án, tham gia vào hệ thống đường ống)…
Còn VNDirect đánh giá, dự án Lô B - Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho ngành dầu khí trong thời gian tới.
Cú hích từ giá dầu thô thế giới và siêu dự án Lô B - Ô Môn
Theo Chứng khoán MBS, các cổ phiếu ngành dầu khí sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm 2024 nhờ sự hỗ trợ của đà tăng giá dầu Brent và các thông tin về tiến triển trong tiến độ siêu dự án Lô B - Ô Môn.
Giá dầu được kỳ vọng neo cao trước bối cảnh nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu hồi phục. Trong quý III/2023, giá dầu Brent đã tăng thêm 10,5% so với quý trước lên mức trung bình 85,9 USD/thùng do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu dần hồi phục. Gần đây, giá dầu lại tăng trước những thông tin về xung đột Israel - nhóm Hamas.
Giá dầu thô thế giới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành dầu khí. Mặc dù vậy, giá dầu thô thế giới có thể không tăng quá mạnh.
Theo MBS, nhu cầu dầu thế giới phục hồi khá tốt nhưng trên thực tế nhưng chưa cao như kỳ vọng. Theo dữ liệu từ Bloomberg, trong 9 tháng đầu năm 2023, nhu cầu sử dụng dầu thô và nhiên liệu trên thế giới đạt trung bình 100,7 triệu thùng/ngày, tăng 1,7% so với mức nền tương đối thấp của cùng kỳ năm 2022.
Bloomberg dự phóng nhu cầu trung bình toàn thế giới năm 2023-2024 lần lượt đạt 101 triệu thùng/ngày và 102,34 triệu thùng/ngày.
Tăng trưởng nhu cầu dầu thô tại Trung Quốc sẽ là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn tới nhu cầu dầu thô toàn thế giới trong giai đoạn 2023-2024. Việc quốc gia này dần mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 là động lực tăng công suất tại một số nhà máy lọc dầu như Shenghong hay PetroChina Jieyang, từ đó thúc đẩy tăng cầu dầu thô của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 9/2023, những quan ngại về nhu cầu dầu thô tại Trung Quốc lại nổi lên khi tình hình khủng hoảng tài chính của Tập đoàn bất động sản Evergrande trở nên trầm trọng hơn, kéo theo lo ngại về sự hồi phục của ngành bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung tại quốc gia này.
Nhìn chung, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng nhu cầu dầu thô trong quý cuối năm 2023 và năm 2024, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong năm 2024 có thể chậm hơn do ảnh hưởng từ tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Chuyên gia MBS kỳ vọng giá dầu thô Brent trên thế giới sẽ đạt mức trung bình 93 USD/thùng trong quý IV/2023 và đạt 92 USD/thùng trong năm 2024.
Lịch sử cho thấy, giá của các cổ phiếu thuộc ngành dầu khí trong nước hầu hết có biến động cùng pha và khá tương quan với biến động giá dầu thô thế giới.
Dựa trên quan điểm tích cực về giá dầu trong thời gian tới, giá cổ phiếu ngành dầu khí được đánh giá cũng sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm 2024.