Dồn sức cho giai đoạn nước rút thực hiện mục tiêu kinh tế Hà Tĩnh
Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2022, trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra. Trên chặng đường 'nước rút' để về đích, cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực, hành động quyết liệt của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 do Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD với quy mô 2 tổ máy, tổng công suất 1.330MW. Đây là dự án trọng điểm đang được triển khai xây dựng, tiến độ thực hiện có sức ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Hiện nay, dự án đang được các nhà thầu tập trung đẩy nhanh thực hiện các phần việc để đảm bảo theo tiến độ. Tính đến nay, giá trị khối lượng thực hiện công trình đạt khoảng 16.622 tỷ đồng (đạt 25% kế hoạch); trong đó, chỉ riêng 9 tháng năm 2022, dự án giải ngân hơn 6.200 tỷ đồng.
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ... cũng đang tập trung các giải pháp cho giai đoạn “nước rút”, thực hiện hoàn thành đạt và vượt mục tiêu đã đặt ra trong năm 2022, góp phần vào phát triển kinh tế tỉnh.
“Từ đầu năm tới nay, doanh thu của công ty tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Hiện công ty đang dồn sức cho hoạt động sản xuất tại nhà máy và phát triển mạng lưới thị trường để đạt doanh thu tối đa. Dự kiến năm nay, công ty sẽ vượt kế hoạch doanh thu 450 tỷ đồng như đã đề ra” - Ông Lê Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh chia sẻ.
2022 là năm phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Hơn 3/4 chặng đường đã đi qua với biết bao khó khăn, thế nhưng với sự chủ động, linh hoạt, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo của các cấp, các ngành, kinh tế Hà Tĩnh đã đạt một số kết quả tích cực.
Số liệu trong 10 tháng thể hiện rõ nhiều ngành nghề, lĩnh vực như du lịch, thương mại, dịch vụ… đã được vực dậy. Có thể viện dẫn một vài con số chứng minh sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước như: doanh thu bán lẻ tăng 24,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng 65,7%, vận tải kho bãi tăng 23,8%... Các dự án công nghiệp lớn được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, tạo nền tảng động lực mới cho tăng trưởng những năm tiếp theo.
Đặc biệt, thu ngân sách đến ngày 23/10 đạt hơn 15.000 tỷ đồng, đạt 92% dự toán. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với khoảng 1.200 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thách thức lớn đối với tỉnh nhà là thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8,5-9% như đã đề ra, trong khi đến hết quý III, con số này chỉ mới đạt 0,85%.
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Trần Thanh Bình cho biết: Sở dĩ một số lĩnh vực có sự tăng trưởng đáng kể nhưng GRDP vẫn đạt thấp do sản lượng điện và thép – sản phẩm chủ lực của tỉnh giảm kéo chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do sự cố tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 chưa được khắc phục; giá thép trên thị trường giảm nên Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã điều chỉnh giảm giá và sản lượng thép.
Theo tính toán, nếu sản lượng điện và thép tương đương cùng kỳ năm trước thì tăng trưởng chung của tỉnh trong 3 quý đầu năm sẽ đạt 6,85%.
Tình hình các tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo nhận định của Cục Thống kê tỉnh, tốc độ tăng trưởng sẽ tăng cao hơn con số đến quý III, tuy nhiên sẽ khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu cả năm.
Về triển vọng tăng trưởng những tháng cuối năm, ông Trần Thanh Bình – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh nhận định: “Động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn cuối năm đến từ khu vực thương mại dịch vụ khi nhu cầu mua sắm tăng; sức tăng của ngành xây dựng với các dự án lớn đang triển khai, đặc biệt là Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; nhân tố mới của ngành công nghiệp vừa đi vào hoạt động là Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh. Ở ngành nông nghiệp, kỳ vọng trong lĩnh vực chăn nuôi, các loại cây ăn quả”.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động theo dõi, dự báo sát tình hình thực tiễn, đánh giá toàn diện việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu các tháng cuối năm và cả năm 2022 để đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Để đạt cao nhất các chỉ tiêu đề ra, những giải pháp trọng tâm được tỉnh tập trung là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm; tạo điều kiện để sớm khắc phục sự cố, đảm bảo hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện quyết liệt các giải pháp thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; chủ động ứng phó diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh…