Dồn sức huy động hơn 85.000 tỷ đồng tập trung cho 'siêu' dự án đường Vành đai 4- vùng Thủ đô
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký gửi Quốc hội Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- vùng Thủ đô.
Tiến độ lùi 1 năm, cam kết bố trí đủ vốn
Tại tờ trình lần này, Chính phủ đã cập nhật, tiếp thu đầy đủ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 11 ngày 13/5/2022, cũng như ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, xây dựng giao thông về chủ trương đầu tư dự án hạ tầng giao thông có tác động lớn tới kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, tờ trình này Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4- vùng Thủ đô. Cụ thể, tuyến đường thuộc phạm vi dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn qua địa phận TP Hà Nội dài 58,2 km; Hưng Yên dài 19,3 km; Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km.
Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư PPP, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng. Dự án được chia làm 7 dự án thành phần độc lập với nhau, trong đó dự án thành phần 3 - đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT do UBND TP Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đáng nói, tại tờ trình lần này, mốc thời gian hoàn thành dự án Vành đai 4- vùng Thủ đô được lùi thêm 1 năm so với các tờ trình gửi Quốc hội trước đó.
Cụ thể, để đảm bảo tính khả thi và khả năng cân đối, bố trí vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách khác, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian thực hiện dự án Vành đai 4 này được xác định là cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2027.
Chính phủ cũng khẳng định, đã cân đối, xây dựng tiến độ giải ngân theo từng năm tương ứng với nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn BOT theo tiến độ triển khai dự án, bảo đảm sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực.
Ngoài khoản kinh phí trị giá 14.250 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đang được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép điều chuyển từ Bộ GTVT để phân bổ cho TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, cho đến thời điểm này, HĐND 3 địa phương có tuyến đường đi qua đều đã có Nghị quyết về việc cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương cho dự án.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội cam kết bố trí 23.524 tỷ đồng, HĐND tỉnh Hưng Yên cam kết bố trí 1.509 tỷ đồng, HĐND tỉnh Bắc Ninh cam kết bố trí 3.100 tỷ đồng.
Đáp ứng được số lượng nhà thầu thi công
Theo Chính phủ, xét về tổng thể, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên, để phù hợp với tính chất của dự án tổng thể cùng với các dự án thành phần vận hành độc lập, Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư dự án là “đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP”. Trong đó các dự án thành phần được áp dụng theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư PPP.
Về năng lực của các đơn vị tham gia thi công dự án, Chính phủ cho biết, cả nước hiện có khoảng 344 nhà thầu có chứng chỉ năng lực thi công công trình giao thông hạng I, đây là những nhà thầu đáp ứng năng lực thi công các dự án cao tốc.
Do đó, với phạm vi, quy mô dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8 km được triển khai thi công tập trung chủ yếu trong khoảng thời gian từ năm 2024-2026, thì hoàn toàn đáp ứng được số lượng các nhà thầu tham gia xây dựng, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu.
Sơ bộ nhu cầu khối lượng vật liệu chính phục vụ dự án khoảng 5,56 triệu m3 vật liệu đắp; 4,36 triệu m3 đá xây dựng các loại; 3,5 triệu m3 cát xây dựng. Kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, trữ lượng các mỏ đất trong khu vực dự án khoảng 25,1 triệu m3; vật liệu đá khoảng 118,3 triệu m3; vật liệu cát các loại khoảng 14,7 triệu m3, cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng của dự án.
Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm thực tiễn các dự án đã triển khai, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện công tác quản lý chặt chẽ, phù hợp với quy định của pháp luật ngay từ khi triển khai dự án.
Tai tờ trình lần này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82, Luật Đầu tư PPP và sớm hình thành gói tín dụng ưu đãi nhằm gia tăng sức hút các nhà đầu tư tư nhân.
UBND TP Hà Nội khẳng định, dự án có tính khả thi cao khi đến thời điểm này, đã có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng chính thức quan tâm đến dự án như Vingroup, T&T, Him Lam, DIC Corp, Phương Thành, Geleximco…