Dồn sức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ tổ chức sớm hơn so với các năm trước. Chính vì vậy, bên cạnh đảm bảo các kiến thức theo chương trình hiện hành, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực ôn tập cho học sinh lớp 12, trong đó chú ý quan tâm, giúp đỡ học sinh có học lực yếu kém.NẮM CHẮC PHƯƠNG PHÁP
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Chính vì thế, dựa vào đặc trưng của từng môn học, các trường đưa ra chiến lược ôn tập cho phù hợp, trong đó chú trọng bám sát tài liệu sách giáo khoa. Với các môn Khoa học xã hội phương pháp ôn tập chủ đạo là tái hiện, nắm chắc kiến thức căn bản, vận dụng, liên hệ thực tiễn để giải quyết các vấn đề đặt ra trong bài thi. Với các môn Khoa học tự nhiên cho học sinh nắm lý thuyết, vận dụng công thức giải các bài tập.
Theo thầy Chung Phước Trực, giáo viên dạy môn Lịch sử của Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo) với đặc trưng của môn Lịch sử khi ôn tập, giáo viên và học sinh sẽ cùng nhau hệ thống lại các lý thuyết căn bản bằng sơ đồ tư duy cũng như các bảng biểu ở từng chương, từng bài học, nội dung trọng tâm chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 hiện hành.
Thầy Trực cho biết: “Một trong những phương pháp ôn tập hiệu quả của môn Lịch sử là ôn tập trọng tâm, trọng điểm ở mỗi bài học. Từ những kiến thức ôn tập, học sinh sẽ vận dụng làm các bài tập trắc nghiệm từ dạng cơ bản tới nâng cao. Bên cạnh bài tập từng bài học, từng chương, học sinh sẽ được luyện với các dạng đề tổng hợp, từ đó giúp các em thêm tự tin, nắm được các dạng câu hỏi trong đề, rèn kỹ năng làm bài, phân bố thời gian hợp lý khi bước vào kỳ thi chính thức”.
Còn với môn Tiếng Anh, theo cô Trần Thủy Tiên, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) cho biết, bài thi Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là môn trắc nghiệm kiến thức ngôn ngữ. Học Tiếng Anh được xem là quá trình tích lũy kiến thức lâu dài, chính vì vậy bài thi Tiếng Anh sẽ kiểm tra các kiến thức Tiếng Anh của thí sinh đã học qua và bám sát với đề thi minh họa đã công bố trước đó.
Trong giai đoạn còn lại của học kỳ II, để có thể ôn thi một cách hiệu quả, học sinh cần ôn tập các kiến thức lý thuyết về ngữ pháp, từ vựng, các mẫu câu… và điều quan trọng nhất là luyện giải các đề thi của giáo viên đưa ra. Từ việc giải đề, học sinh sẽ tích lũy kinh nghiệm, biết mình còn thiếu, hổng kiến thức chỗ nào để bù đắp kịp thời.
Em Nguyễn Thị Thanh Tuyền, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Em chọn khối xét tuyển đại học là D1, chính vì vậy em sẽ chú trọng vào các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Ở trên lớp, vào buổi sáng thầy cô đều tận tình dạy kiến thức mới và hướng dẫn ôn tập vào một số buổi chiều nên đã giúp em củng cố kiến thức vững hơn để bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”.
Tiến sĩ Lê Thị Loan, Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện nay, giáo viên các trường THPT đang nỗ lực vừa hoàn thành chương trình, vừa ôn thi tốt nghiệp THPT theo hướng hệ thống hóa kiến thức theo phân môn, chuyên đề, dạng bài tập, dạng câu hỏi kiểm tra; hướng dẫn học sinh tự ôn tập và rèn luyện kỹ năng làm bài thi hình thức trắc nghiệm và hình thức tự luận. Trên cơ sở kết quả thi giữa học kỳ II, giáo viên bộ môn rút kinh nghiệm, tiếp tục hướng dẫn học sinh tự ôn tập, tự giải các đề thi THPT các năm học trước và bộ đề thi tổng hợp trong ngân hàng câu hỏi, đề thi; dành thời gian hỗ trợ học sinh yếu, sửa lỗi bài làm…
HỖ TRỢ HỌC SINH YẾU KÉM
Ngay sau khi kiểm tra giữa học kỳ II, căn cứ vào số điểm, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bước đầu lọc ra những học sinh hổng kiến thức, tiếp thu chậm... để theo sát và tăng cường ôn tập cho các em.
Khác với phần lớn các trường THPT công lập, Trường THPT Tư thục Ấp Bắc (TP. Mỹ Tho) dành nhiều thời gian hơn cho học sinh ở trên lớp sau buổi học chính khóa. Theo đó, trường đã triển khai kế hoạch ôn thi giai đoạn 1, cho học sinh tăng tiết vào các buổi chiều. Nhà trường xếp thời khóa biểu môn Toán 10 tiết/tuần; Ngữ văn, Tiếng Anh mỗi môn 6 tiết/tuần; các môn còn lại 3 tiết/tuần.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, Sở và các cơ sở giáo dục phổ thông đang linh hoạt, nỗ lực hết mình, quyết tâm nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đặc biệt, các trường cần chú ý quan tâm, có kế hoạch giúp đỡ học sinh lớp 12 có học lực yếu kém để các em có thể đủ kiến thức, tự tin tham gia kỳ thi quan trọng này với kết quả tốt nhất.
Thầy Lê Hoàng Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Tư thục Ấp Bắc cho biết, không phải đợi đến học kỳ II nhà trường mới tăng tốc ôn tập cho học sinh mà việc này được tiến hành ngay đầu năm học. Toàn trường có 122 học sinh lớp 12, trong đó dự báo số học sinh đậu tốt nghiệp khoảng từ 50% đến 70%, số còn lại phải đặc biệt quan tâm chăm lo, giúp đỡ bồi dưỡng kiến thức cho các em. Nhà trường đã bố trí đội ngũ giáo viên cốt cán ở các bộ môn để ôn tập cho học sinh, tập trung truy bài, tăng cường kết hợp các biện pháp giữa nhà trường và gia đình hướng đến mục tiêu giúp các em có kết quả tốt tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Còn theo cô Cao Châu Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đoàn Trần Nghiệp (huyện Gò Công Tây), nhà trường có 114 học sinh lớp 12. Qua khảo sát bước đầu có khoảng 4% học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT. “Với học sinh có học lực trung bình, yếu kém, khi dạy học và ôn tập cho các em, giáo viên đặc biệt quan tâm những em hỏng kiến thức chỗ nào, hoặc chưa làm được bài, từ đó dành thời gian để giảng lại kiến thức, hướng dẫn các em làm bài tập phù hợp năng lực, để có thể đạt được mức trung bình và thi đậu tốt nghiệp THPT”, cô Thủy cho biết.
Phát huy những kết quả của những Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực ôn tập cho học sinh lớp 12, tất cả với mục tiêu nâng cao chất lượng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202304/don-suc-on-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2023-975380/