Dồn sức sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải
Đại diện chính quyền Cần Thơ mong muốn Đại sứ Hoa Kỳ và các Tổng lãnh sự, các tổ chức quốc tế trong thời gian tới ủng hộ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam.
Chiều 21/11, Đoàn công tác Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam do Đại sứ Marc E. Knapper làm Trưởng đoàn đã đến tham quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm, công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rơm và mô hình trồng nấm rơm tại Hợp tác xã Tiến Thuận, (huyện Vĩnh Thạnh), thành phố Cần Thơ.
Hợp tác xã Tiến Thuận là hợp tác xã thực hiện mô hình thí điểm triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp) với diện tích thí điểm khoảng 50ha, được thực hiện từ vụ lúa Hè Thu 2024 đến nay. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp Cần Thơ và Viện Nghiên cứu lúa, gạo quốc tế (IRRI), Hợp tác xã Tiến Thuận đã thu gom rơm rạ từ đồng ruộng để trồng nấm rơm, sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ.
Thông tin với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố - Nguyễn Ngọc Hè cho biết, tuy diện tích đất nông nghiệp của thành phố Cần Thơ nhỏ hơn các tỉnh trong khu vực nhưng thành phố có tiềm năng lớn về sản xuất giống, lúa chất lượng cao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, 5 năm trước đây, Cần Thơ được sự hỗ trợ nhiệt tình của IRRI và các tổ chức quốc tế, nên địa phương thay đổi phương thức sản xuất lúa tiên tiến, hiện đại. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, với sự giúp đỡ của IRRI và Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế, thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bước sang giai đoạn mới - sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh mà thế giới đang quan tâm.
"Chúng tôi sẽ dồn sức để sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh để góp phần cùng thế giới bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn", Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh.
Đại diện chính quyền Cần Thơ mong muốn Đại sứ Hoa Kỳ và các Tổng lãnh sự, các tổ chức quốc tế trong thời gian tới ủng hộ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam; đồng thời, hỗ trợ giới thiệu đến các nước trên thế giới về gạo phát thải thấp của Việt Nam.
Đánh giá cao nỗ lực của người dân, chính quyền, các tổ chức đã thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam, Đại sứ Marc E. Knapper cho rằng, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là hướng phát triển mà thế giới hướng đến trong tương lai: rơm được thu hoạch trong quá trình sản xuất lúa để trồng nấm; rơm rạ sau khi được sử dụng trồng nấm có thể sản xuất phân hữu cơ.
"Tôi rất mong chờ sự hợp tác từ chính quyền địa phương, Chính phủ Việt Nam, các tổ chức trong việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 của Việt Nam", Đại sứ Marc E. Knapper kỳ vọng.
Sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam do Đại sứ Marc E. Knapper làm Trưởng đoàn. Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Cần Thơ mong muốn tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, địa phương của Hoa Kỳ trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế và phát triển môi trường bền vững.