Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025
Chiều 21/11, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, triển khai kế hoạch, giải pháp sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025 và đối thoại với doanh nghiệp.
Vụ Đông Xuân 2023-2024, thời điểm đầu vụ chịu ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày, lượng mưa thấp, số ngày nắng ít, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo tập trung của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của người dân trong tỉnh, sản xuất vụ Đông Xuân vẫn giành thắng lợi.
Toàn tỉnh gieo trồng được trên 46.600 ha cây hàng năm, tăng hơn 1.400 ha so với kế hoạch. Trong đó, cây lúa là gần 39.550 ha, năng suất lúa bình quân đạt 66,9 tạ/ha (tăng 0,1 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2022-2023).
Điều đáng chú ý là diện tích lúa cấy trong vụ đạt gần 44%, diện tích cấy máy là 1.868 ha; tỷ lệ lúa thuần chất lượng cao chiếm trên 80%; diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và theo chương trình giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới đạt trên 1.279 ha. Nhiều giống lúa mang thương hiệu Ninh Bình như: Hương Bình, Nếp Hương,… được mở rộng gắn với chuỗi giá trị liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp cung ứng vật tư, doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo và HTX nông nghiệp.
Về cây màu, toàn tỉnh gieo trồng được 7.053 ha, trong đó chủ lực là cây ngô, lạc, đậu, khoai lang, rau các loại. Nhìn chung do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất, sản lượng phần lớn các cây này đều thấp hơn so với vụ Đông Xuân năm ngoái.
Bước sang vụ Đông Xuân 2024-2025, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa. Tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là các giống cây trồng mới, cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất. Duy trì diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp, lúa đặc sản đạt 80%, phấn đấu diện tích lúa cấy đạt trên 50%.
Tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất cây lúa, cây rau theo hướng hữu cơ theo chuỗi giá trị. Rà soát, đánh giá vùng sản xuất lúa hiệu quả thấp để xây dựng, đề xuất kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định. Mục tiêu đối với một số cây trồng chính: Lúa trên 39.000 ha, ngô trên 1.500 ha, lạc trên 1.750 ha, rau các loại trên 2.350 ha.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số tồn tại, hạn chế trong sản xuất hiện nay như: Tỷ lệ cày ải thấp, tỷ lệ gieo sạ tăng, công tác diệt chuột chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ… Đồng thời tập trung phân tích nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, trên cơ sở nhận định, đánh giá xu hướng thời tiết, khí hậu của vụ Đông Xuân 2024-2025, đại biểu đóng góp xây dựng phương án về thời vụ, lấy nước, chống rét, chống hạn, diệt chuột… để đảm bảo sản xuất thắng lợi.
Hội nghị cũng dành thời gian nghe và giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhằm tăng cường liên kết, đảm bảo về quy mô, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.