Dồn sức sản xuất vụ đông

Sau khi thu hoạch lúa mùa, nông dân các địa phương trong tỉnh đã dồn sức, tập trung sản xuất vụ đông để đảm bảo khung thời vụ và bù đắp phần nào những thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp do hoàn lưu bão số 3 gây ra.

Trên cánh đồng xã Võ Lao, huyện Văn Bàn thời điểm này, những ruộng lúa vụ mùa đã được thay thế bằng ngô và khoai vụ đông. Phần lớn diện tích ngô vụ đông ở cánh đồng xã Võ Lao được nông dân xuống giống cách thời điểm hiện tại khoảng 15 - 20 ngày, ngô đang vào giai đoạn bén rễ, sinh trưởng mạnh (4 - 8 lá thật), bà con nông dân đang tập trung làm cỏ, bón thúc đợt 1.

Năm nào cũng vậy, cứ hết vụ lúa mùa là gia đình tôi bắt tay trồng vụ đông. Vụ đông năm nay, gia đình tôi chỉ trồng ngô tẻ, một phần để chăn nuôi, còn lại sẽ bán cho thương lái. Năm nay, tôi trồng 7 kg ngô giống vụ đông, cây sinh trưởng tốt.

Bà Lương Thị Nhất, thôn Chiềng 3, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn.

Do khu ruộng bị ngập sâu trong đợt mưa lũ gần đây nên đến thời điểm này, gia đình bà Hoàng Thị Lặng, thôn Bất 2, xã Võ Lao mới làm đất và xuống giống ngô vụ đông. Bà Lặng lựa chọn trồng 3,5 kg giống ngô nếp và 2 kg giống ngô tẻ trong vụ này.

Ngô tẻ năng suất nhưng giá trị thấp nên tôi trồng 2 kg để phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Còn lại, tôi trồng nhiều ngô nếp vì bán được giá cao hơn

Bà Hoàng Thị Lặng, thôn Bất 2, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn.

Không riêng xã Võ Lao, nông dân các xã trên địa bàn huyện Văn Bàn cũng đang tích cực triển khai sản xuất vụ đông. Năm nay, toàn huyện Văn Bàn sẽ triển khai sản xuất khoảng 1.380 ha cây vụ đông, trong đó có 650 ha ngô, 651 ha rau đậu các loại, 66 ha khoai tây, 13,2 ha khoai lang và một số diện tích hoa, cây dược liệu các loại.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Việc triển khai sản xuất vụ đông của Văn Bàn đang được tiến hành khẩn trương. Đến thời điểm hiện tại, nông dân đã xuống giống được hơn 500 ha cây vụ đông các loại (ngô, khoai lang, rau…). Vụ đông này, ngoài 1.380 ha theo kế hoạch được giao, huyện Văn Bàn phấn đấu sản xuất thêm khoảng 150 ha cây vụ đông các loại để bù đắp thiệt hại về nông nghiệp do hoàn lưu bão số 3 gây ra.

Ngay từ đầu tháng 10, huyện Bảo Yên đồng loạt ra quân tổ chức hoạt động dân vận “Cùng nhau về thôn” hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Trong đó, địa phương này đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ người dân cải tạo đất, gieo trồng các loại cây vụ đông; đồng thời, tìm kiếm, giới thiệu các đơn vị liên kết sản xuất, triển khai thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện. Đến thời điểm này, huyện Bảo Yên đã gieo trồng được khoảng 140/755 ha cây vụ đông.

Ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Đối với vụ đông năm nay, huyện Bảo Yên sẽ tập trung vào nông nghiệp an sinh, đó là sản xuất các loại cây ngắn ngày, như ngô, rau đậu các loại. Về lâu dài, huyện sẽ vận động Nhân dân tập trung vào các cây trồng chủ lực của huyện (dâu tằm, chuối...) để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.

Tại huyện Bảo Thắng, nông dân các xã đã tập trung sản xuất vụ đông ngay sau khi trận lũ lịch sử đi qua. Đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ đã bắt đầu thu hoạch diện tích rau vụ đông sớm dọc các bờ bãi ven sông Hồng. Ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng chia sẻ: Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết hộ dân ở xã Thái Niên đều chủ động, bắt tay ngay vào việc khôi phục sản xuất sau khi thiên tai đi qua. Hiện, chúng tôi đang sản xuất vụ đông theo hình thức rải vụ, gối vụ để nâng cao giá trị cây trồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang làm đất để xuống giống hoa lay ơn phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp tết nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.

Hiện, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai sản xuất vụ đông với khoảng 4.480 ha (theo Kế hoạch số 359/KH-UBND ngày 16/8/2024 của UBND tỉnh) và triển khai sản xuất thêm 600 ha ngô, 600 ha rau màu vụ thu đông để bù đắp thiệt hại mà hoàn lưu bão số 3 gây ra đối với sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh.

Để sản xuất vụ đông hiệu quả, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân gieo trồng đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường kết nối, mời gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/don-suc-san-xuat-vu-dong-post392133.html