Dồn sức thực hiện mục tiêu nông thôn mới

Theo đăng ký của các địa phương, đến cuối năm 2024, cả nước dự kiến có từ 79 - 79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 38% đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Mô hình trồng dưa vàng trong nhà lưới tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: H.T.

Mô hình trồng dưa vàng trong nhà lưới tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: H.T.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, Ban chỉ đạo NTM các cấp cần vượt ra khỏi vai trò "chấm điểm, đánh giá" để trở thành những nhà tư vấn, hỗ trợ các làng, xã phát triển kinh tế đa mục tiêu.

Trên 77% xã đạt nông thôn mới

Theo Bộ NNPTNT, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Tính đến ngày 20/10/2024, cả nước đã có 6.320/8.162 xã (chiếm 77,4%) được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn NTM; 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM (chiếm 46%); 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có 79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; khoảng 305 đơn vị cấp huyện (47%) được công nhận đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có thêm từ 1 - 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đáng chú ý, về việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 7.846 chủ thể OCOP.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song theo ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối NTM trung ương, chương trình xây dựng NTM vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định. Một số bộ, ngành và địa phương vẫn chưa hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình. Ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương còn chậm, đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp ở mức thấp. Đến hết tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 45%, trong khi vốn sự nghiệp chỉ đạt 16,2% tổng dự toán.

Cần cơ chế đặc thù

Theo phản ánh của các địa phương, nguyên nhân dẫn đến triển khai Chương trình NTM chậm là do một số quy định trong bộ tiêu chí NTM còn bất cập; bên cạnh đó, tác động của cơn bão số 3 cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM tại các địa phương. Ngoài ra còn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nên việc huy động nguồn lực để thực hiện các Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chủ yếu vẫn dùng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc đạt các tiêu chí NTM kiểu mẫu, đặc biệt là ở các xã miền núi. Bên cạnh đó, các xã chưa đạt chuẩn NTM chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Do đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương đề xuất Chính phủ, đặc biệt là đối với các xã miền núi cần có những cơ chế đặc thù để tạo động lực cho các xã nghèo, khó khăn đạt các tiêu chí về giáo dục và giảm nghèo.

Đại diện tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, hiện toàn tỉnh đã có 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; có 147/175 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 84,0% tổng số xã; có 51/147 xã NTM nâng cao, chiếm 34,69%; toàn tỉnh bình quân đạt 17,8 tiêu chí/xã. Năm 2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên tiến độ đầu tư xây dựng NTM tại các địa phương trong tỉnh còn chậm.

Để hoàn thành các nhiệm vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Bắc Giang đề nghị Trung ương xem xét quan tâm ưu tiên kinh phí hỗ trợ tăng thêm cho tỉnh để có nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Xem xét cho người dân ở các xã vùng III khi về đích NTM vẫn được hưởng một số chính sách phúc lợi xã hội như: Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, các chính sách thu hút đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức… Đồng thời, cho chuyển nguồn vốn của Trung ương khi chưa giải ngân hết của năm 2024 sang năm 2025.

Từ những chia sẻ, phản ánh của địa phương, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, chương trình NTM không chỉ đơn thuần là việc đạt chuẩn các tiêu chí mà còn mang lại sức sống mới cho vùng nông thôn Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương nỗ lực, không để xảy ra tình trạng các xã bị "trắng" NTM - tức không đạt được bất kỳ tiêu chí NTM nào.

Do đó, yêu cầu ngành NNPTNT, văn phòng điều phối và các địa phương tập trung quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở tất cả các cấp, các ngành để hoàn thành các mục tiêu về xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, thị xã/thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, ban hành đầy đủ quy định cụ thể các tiêu chí, chỉ tiêu NTM, NTM nâng cao…

Về việc thực hiện các tiêu chí, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành các danh mục cũ để đảm bảo tiến độ, cùng với đó các địa phương cần phát huy nội lực nông thôn. “Ban chỉ đạo NTM các cấp cần vượt ra khỏi vai trò "chấm điểm, đánh giá" để trở thành những nhà tư vấn, hỗ trợ các làng, xã phát triển kinh tế đa mục tiêu. Đưa những mô hình hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng NTM như du lịch nông thôn, thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/don-suc-thuc-hien-muc-tieu-nong-thon-moi-10293108.html