Dồn sức trên từng dự án, nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công
Tính đến ngày 20/8, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 3.311 tỷ đồng, bằng 41,4% kế hoạch vốn được giao năm 2022. Hiện, Hà Tĩnh đang dồn sức trên từng dự án để tăng khối lượng thực hiện, đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.
Giải ngân đạt hơn 3.311 tỷ đồng
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, 8 tháng đầu năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao trên toàn tỉnh là hơn 8.000 tỷ đồng, bằng 83,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, vốn địa phương quản lý là 7.557 tỷ đồng, vốn Trung ương đầu tư trên địa bàn là hơn 444 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/8, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 3.311 tỷ đồng, bằng 41,4% kế hoạch vốn được giao năm 2022.
Ông Nguyễn Hồng Lam – Trưởng phòng Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cho biết: “Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn quốc đạt 34,75%, trong khi Hà Tĩnh đạt 41,4% thì vẫn cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ và so với kế hoạch được giao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang đạt thấp. Nếu các địa phương, đơn vị không quyết liệt vào những tháng cuối năm thì tỉnh rất khó để đạt mục tiêu giải ngân hết vốn đầu tư công trong năm 2022”.
Có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tình hình thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều trong các tháng đầu năm; giá cả một số vật tư, nhiên, vật liệu liên tục tăng cao… đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình trên địa bàn.
Bên cạnh đó, năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (kế hoạch đầu tư công trung hạn của quốc gia và địa phương mới được giao vào cuối năm 2021-PV). Theo đó, các dự án đầu tư mới của giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu triển khai từ năm nay. Các tháng đầu năm, sau khi được giao vốn, các dự án mới bắt đầu triển khai được công tác phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công, dự toán... nên 8 tháng đầu năm chưa có khối lượng thanh toán, dẫn đến tiến độ giải ngân còn chậm.
Đối với các dự án chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 thì chủ yếu là các dự án lớn, có giá trị gói thầu trên 20 tỷ đồng và được áp dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Theo đó, việc chờ cập nhật, điều chỉnh giá hợp đồng do biến động giá nhiên, vật liệu trong 8 tháng đầu năm cũng ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Nỗ lực những tháng cuối năm
Trước thực trạng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra, giám sát để đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.
Mới đây nhất, ngày 8/8, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ký ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU “về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường quyết toán dự án đầu tư trên địa bàn”. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xem giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để phục hồi và phát triển kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hiện nay, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đang tập trung nỗ lực triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công. Có mặt tại công trường thi công nhà học 3 tầng của Trường Tiểu học Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), trong thời tiết nắng nóng, hàng chục nhân công vẫn nỗ lực làm việc để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc nhằm giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch được giao.
Với sự chủ động, quyết liệt, chỉ trong vòng 3 tháng, nhà thầu - liên danh Công ty CP xây dựng và kinh doanh thương mại tổng hợp Khánh Linh và Công ty CP xây dựng và thương mại Anh Tú (Cẩm Xuyên) đã thi công đạt hơn 60% tiến độ. Dự kiến đến tháng 2/2023, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước 3 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Ông Lê Xuân Lực – chỉ huy công trình cho biết: “Nhà học 3 tầng Trường Tiểu học Cẩm Nhượng có tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách huyện.
Công trình có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo điều kiện dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương nên ngay khi trúng thầu, chúng tôi đã tập trung tối đa nhân lực và máy móc để triển khai thi công. Mặc dù giá cả vật liệu xây dựng biến động tăng nhưng công ty đã tìm mọi giải pháp khắc phục để đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn của công trình”.
Ngoài đơn vị thi công, hiện nay, các địa phương trên toàn tỉnh cũng đang quyết liệt triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn. Tại huyện Thạch Hà, thời điểm này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đang nỗ lực giải phóng mặt bằng để nhà thầu kịp “bắt tay” khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường nối quốc lộ 1 tại ngã ba Thạch Long đi đường tỉnh 549.
Ông Nguyễn Xuân Hiếu – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà cho biết: “Thực tế cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư chưa tốt là nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ và không giải ngân được theo kế hoạch. Bởi vậy, chúng tôi đang tập trung giải phóng mặt bằng ở những dự án chuẩn bị khởi công. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, huyện Thạch Hà cũng chủ động thành lập các tổ, nhóm để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại mỗi công trình nhằm có hướng điều chỉnh, giải quyết kịp thời”.
Ngoài chủ đầu tư, đơn vị thi công, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công, đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến… nhằm tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, ban quản lý tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất, góp phần hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.