Đón Tết Chol Chnam Thmay trong đại dịch
Nếu như những năm trước, dịp Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer ở Hậu Giang rất rộn ràng với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Các cấp ủy, chính quyền tổ chức đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà; đồng bào sum họp, chung vui tại nhà và chùa… Nhưng năm nay, không khí đón Tết của bà con trầm lắng hơn, đơn giản hơn, vì ngay cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
NDĐT - Nếu như những năm trước, dịp Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer ở Hậu Giang rất rộn ràng với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Các cấp ủy, chính quyền tổ chức đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà; đồng bào sum họp, chung vui tại nhà và chùa… Nhưng năm nay, không khí đón Tết của bà con trầm lắng hơn, đơn giản hơn, vì ngay cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tết Chol Chnam Thmay năm nay diễn ra từ ngày 14 đến 16-4. Đây là Tết cổ truyền mừng năm mới của đồng bào dân tộc Khmer. Thông thường, vào dịp này, không khí chuẩn bị đón Tết của bà con rất nhộn nhịp. Gần đến Tết là tiếng nhạc ngũ âm vang lên, nhiều phật tử đến chùa quét dọn, chuẩn bị gói bánh… nhưng năm nay các hoạt động trên hạn chế tối đa.
Hôm gặp chúng tôi, ông Lâm Sơn ở ấp 5, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, đang quét dọn nhà cửa, lau chùi vệ sinh bàn thờ tổ tiên. Ông bảo: “Chỉ còn hai ngày nữa là đến Tết rồi, trang hoàng chút ít cho có không khí Tết. Năm nay gia đình tôi đón Tết đơn giảm thôi, vì qua thông tin báo đài thấy dịch bệnh bùng phát ghê quá”. Theo ông Lâm Sơn, không chỉ gia đình ông mà nhiều bà con ở xóm này không tổ chức gói bánh tét như mọi năm, mà chỉ mua ít bánh trái cúng bàn thờ ông bà tổ tiên. Hạn chế tối đa việc tiếp khách cũng như đi đến nhà bà con chúc Tết.
Để hạn chế tập trung đông người trong mùa dịch, theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ông Lâm Sơn cho rằng, những nghi lễ theo phong tục ngày Tết có thể tổ chức tại nhà, không nhất thiết phải đến chùa, vì đây là Tết cổ truyền của dân tộc. Chẳng hạn như lễ Tắm Phật, nếu nhà nào có thờ tượng phật thì vẫn có thể tổ chức lễ tam bảo tại nhà. Còn nhà không có thờ tượng phật thì tổ chức mời cha mẹ tắm rửa tay chân, chúc phúc cho cha mẹ và cha mẹ chúc lại con cháu, cũng bảo đảm ý nghĩa, vui tươi, ấm áp không khí gia đình, vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc…
Còn ông Quách Mít, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ cũng nói Tết này nhà ông tổ chức khá đơn giản.Vợ chồng ông có năm người con (hai người đang làm việc tại TP Vị Thanh, ba người đang làm tại TP Cần Thơ), do tình hình dịch bệnh nên ông yêu cầu các con không nên về nhà và hạn chế đi lại. “Việc kính trọng, tưởng nhớ ông bà không nhất thiết phải về đến nhà thắp hương, cúng bái mà xuất phát từ cái tâm”, ông Mít cho biết.
Xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với khoảng 5.700 khẩu, có hai chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Ông Hồ Văn Khâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, cho biết: Thực hiện Công văn số 604 của UBND tỉnh về các hoạt động dịp Tết Chol Chnam Thmay, UBND xã Xà Phiên cũng đã cử cán bộ đến vận động, tuyên truyền sư sãi, ban quản trị các chùa không tổ chức tụ tập đông người, đồng thời yêu cầu các sư sãi khi tụng kinh, niệm phật nên giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Trong quá trình tụng kinh, các sư sãi phóng loa lớn để bà con phật tử có nhà gần chùa nghe, có thể tụng, niệm tại nhà.
Theo đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội yêu cầu trụ trì và ban quản trị 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nội dung theo định hướng. Như các hoạt động lễ rước đại lịch, lễ cầu siêu không tập trung đông người và rút ngắn thời gian; tổ chức dâng cơm cần diễn ra nhanh, gọn; không cho phép kinh doanh, buôn bán trong khuôn viên chùa…
Ghé thăm Chùa Khmera Pa Phe ở ấp 5, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, trụ trì chùa này là sư Thạch Bal nói với chúng tôi rằng: Năm nay không có phật tử nào đến chùa quét dọn, treo đèn hoa sân lễ như mọi năm, chỉ có các sư làm vệ sinh đơn giản như mọi hôm thôi. Đồng thời, không tổ chức văn nghệ, các trò chơi dân gian. Riêng ngày 16-4, lễ tắm Phật, cầu an, cầu siêu, chùa yêu cầu mỗi gia đình chỉ đến một người, chùa có trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn để rửa tay. Các phật tử khi đến chùa cũng sẽ được phân chia nhiều đợt vào hành lễ, bảo đảm giữ khoảng cách 2 m. “Chúng tôi thực hiện đúng yêu cầu của Đảng, Nhà nước trong chung tay phòng, chống dịch Covid-19 là không tụ tập đông người, nhằm bảo vệ sức khỏe cho đồng bào, như thế vừa an toàn vừa tiết kiệm”, Trụ trì chùa Thạch Bal cho biết.
Hậu Giang hiện có hơn 26 nghìn người dân tộc Khmer, chiếm hơn 3% dân số của tỉnh. Theo ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị không thành lập đoàn thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn như mọi năm, mà cử đại diện thực hiện. Còn về thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có uy tín, gia đình chính sách người dân tộc Khmer, đơn vị cũng đã lập danh sách, giao cho phòng dân tộc cấp huyện phân phát đến từng hộ dân.
Mong đồng bào dân tộc Khmer nâng cao ý thức, cùng chung tay chống dịch Covid-19 và đón Tết cổ truyền vui tươi, ấm áp, an lành, tiết kiệm.