Đón Tết cổ truyền cùng đồng bào công giáo

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 21 nghìn tín đồ Công giáo thuộc 6 giáo xứ, 54 giáo hội. Tín đồ Công giáo sống tập trung ở 72 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 6 nhà thờ xứ, 4 nhà thờ họ. Những năm qua, bà con giáo dân luôn sống 'tốt đời đẹp đạo', 'kính Chúa yêu nước'. Người công giáo không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn vươn lên trong phát triển KT-XH. Với người Công giáo, năm mới được bắt đầu từ dịp Noel và tính theo lịch dương. Nhưng hòa trong dòng chảy văn hóa truyền thống của dân tộc, Tết cổ truyền với đồng bào công giáo cũng có ý nghĩa rất đặc biệt.

Nhà thờ giáo họ Trung Minh, thành phố Hòa Bình được trang hoàng rực rỡ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão.

Nhà thờ giáo họ Trung Minh, thành phố Hòa Bình được trang hoàng rực rỡ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão.

Những ngày giáp Tết nguyên đán Quý Mão, chúng tôi có dịp về thăm bà con giáo họ Trung Minh, phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình. Giáo họ Trung Minh có khoảng hơn 500 giáo dân, sống tập trung tại tổ dân phố Tân Lập 1, Tân Lập 2 và Ngọc 2. Nhà thờ giáo họ Trung Minh nằm yên bình ven bờ sông Đà. Chuẩn bị cho Tết nguyên đán Quý Mão, nhà thờ đã được trang hoàng lộng lẫy, rực rỡ, sẵn sàng cho việc tổ chức các nghi lễ đón năm mới.

Phấn khởi trò chuyện với chung tôi, Linh mục Nguyễn Chí Hiệp cho biết: Nhà thờ đã được trang hoàng rực rỡ, chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động đón Tết nguyên đán Quý Mão. Nhà thờ sẽ tổ chức các hoạt động từ đêm 30, đó là Thánh lễ đón Giao thừa tại nhà thờ. Bà con giáo dân quy tụ chung dưới ngôi thánh đường. Sáng mùng 1 Tết, nhà thờ sẽ tổ chức Thánh lễ mừng năm mới và có "lộc thánh” là những lời chúc may mắn, tốt lành cho bà con giáo dân. Ngày mùng 2 Tết cũng rất đặc biệt với người Công giáo, vì đây là dịp để tất cả con cháu dâng lời cầu nguyện xin cho linh hồn ông bà tổ tiên sớm được về nơi Thiên đàng. Không khí vui vẻ đầu năm mới cộng thêm lòng thảo kính ông bà, khiến ai ai cũng tới nhà thờ trong tâm trạng ngập tràn niềm vui. Vào mùng 3 Tết, người Công giáo chúng tôi lại dành những lời cầu nguyện tốt nhất cho công việc làm ăn trong năm mới. Đối với người Công giáo, ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết là những ngày có niềm vui đặc biệt trong năm. Tất cả giáo dân diện những bộ đồ đẹp nhất, trang trọng nhất với tâm hồn thư thái, hạnh phúc đến nhà thờ để bày tỏ lòng cảm ơn đức Chúa trời đã ban cho mình những điều tốt đẹp. Mồng 4 Tết thì chúng tôi sẽ tổ chức hội chợ Xuân đón mừng năm mới.

Dịch Covid – 19 đã tạm lắng, hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi. Đời sống của Nhân dân nói chung, bà con nói riêng vì thế cũng đã dần ổn định trở lại. Kinh tế phát triển nên không khí đón Tết ở các khu dân cư có đồng bào công giáo cũng vì thế mà thêm phấn khởi, hoan hỉ.

Chuẩn bị cho Tết nguyên đán Quý Mão, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh nói chung, khu dân cư của đồng bào công giáo nói riêng đều được dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng rực rỡ. Nhà cửa của bà con giáo dân cũng được trang hoàng đào quất, hoa, cây cảnh. Sau khi quét dọn bàn thờ Chúa, bàn thờ cha mẹ để thể hiện lòng thành kính Chúa, mong muốn một năm mới an lành, bà con giáo dân cùng đến nhà thờ dọn dẹp, trang trí để chào đón năm mới. Những vật dụng trang trí trong ngày Noel như cây thông, đèn điện, hang đá… vẫn được giữ nguyên đến tận Tết Nguyên đán. Điều đặc biệt đáng quý là bà con giáo dân có tinh thần đoàn kết, đồng thuận rất cao. Tết cổ truyền còn có ý nghĩa là Tết sum vầy, Tết của những người xa quê trở về bên người thân. Và tết của sự nhân ái, sẻ chia khi cả khu dân cư góp nguyên vật liệu, cùng nhau gói bánh chưng và chia cho những gia đình khó khăn.

Hân hoan đón xuân Quý Mão, bà con giáo dân trên địa bàn toàn tỉnh chuẩn bị đón Tết với không khí tưng bừng, phấn khởi. Không khí rộn ràng của mùa xuân đã và đang trải khắp thánh đường và mỗi nhà, ngõ xóm trong các giáo xứ. Tất cả cùng đồng thuận nguyện cầu cho một năm mới may mắn, an lành, thịnh vượng, yên vui.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/174507/don-tet-co-truyen-cung-dong-bao-cong-giao.htm