Đón Tết sớm nơi đảo xa
Đồng hành cùng đoàn công tác gồm các cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân trên những chuyến tàu chở hàng Tết, quà Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến với các đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, phóng viên Báo Hànôịmới đã có những trải nghiệm không thể nào quên, để thêm hiểu, thêm yêu các anh, những người đã và đang âm thầm hy sinh những khoảnh khắc sum vầy quý giá bên gia đình, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, giữ cho biển yên, bờ tĩnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.
Chào Xuân Giáp Thìn 2024, Báo Hànôịmới trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “Đón Tết sớm nơi đảo xa”.
Bài 1: Bạch Long Vĩ - xa mà gần!
15h một buổi chiều trước thềm Tết Giáp Thìn, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân đã lên tàu từ Thủy Nguyên (Hải Phòng) trong rét buốt, bắt đầu hải trình đến thăm, chúc Tết các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo tiền tiêu vùng đông bắc của Tổ quốc. Vượt những cơn sóng cuồn cuộn, những cơn nôn nao vì biển động dữ dội mùa gió chướng, tàu đi xuyên đêm, đến sớm hôm sau mới cập đảo Bạch Long Vĩ - hòn đảo tiền tiêu xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ. Hải trình đến với Bạch Long Vĩ mùa gió chướng thật xa xôi và vất vả, nhưng từng khoảnh khắc tại nơi đây với chúng tôi đều vô cùng quý giá, thân thương, tình cảm ấm áp, sâu đậm, để rồi tất cả đều cảm nhận: Bạch Long Vĩ - xa mà gần biết bao!
Hải trình xuyên đêm đến đảo Bạch Long Vĩ
Với tôi, việc lần đầu tiên được tham gia hải trình cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân đi thăm, chúc Tết các đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán 2024 thực sự là một may mắn. Tết Giáp Thìn 2024 mà được đến với các đảo, trong đó có đảo Bạch Long Vĩ - Đuôi Rồng Trắng, thì đúng là một cơ duyên hiếm có và thú vị.
Vì vậy, dù thời điểm đoàn lên đường đúng vào những ngày giá rét nhất của miền Bắc trước thềm Tết, tôi vẫn quyết tâm đi với đoàn. Anh của chồng tôi - một Đại tá quân đội dày dạn kinh nghiệm cảnh báo: Đi biển mùa gió chướng, sóng biển dữ dội lắm, say sóng là tất yếu, phải chuẩn bị cẩn thận thuốc, đồ dùng và đặc biệt là tâm lý, ý chí vững vàng, đừng làm phiền người khác.
Một chiều cuối tháng 1, chúng tôi lên tàu của Hải đội 137, Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải quân. Mưa lất phất bay, gió biển lồng lộng, sóng dập dồn. Đã uống thuốc chống say nên tôi tự tin đứng trên boong tàu, ngắm nhìn Cảng Hải Phòng - cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc dần lùi lại phía sau.
Nhà báo Đỗ Hân (Báo Hải Phòng) chia sẻ: “Cụm cảng với các đoàn tàu san sát, container cao ngất, nối tiếp nhau dài đến chừng mười mấy kilômét đấy, kỳ vĩ không?! Tới đây, cụm cảng mới ở khu bến Lạch Huyện hoàn thiện sẽ mang một tầm vóc mới cho cảng biển Hải Phòng, trở thành cảng tổng hợp và cảng container, có năng lực tiếp nhận tàu có trọng tải trên 100.000 DWT vào làm hàng cơ đấy!”...
Có thể cảm nhận rõ tình yêu với cảng biển quê hương ở người đồng nghiệp đàn anh của tôi. Mặc gió thốc, táp lên da lạnh tê tái, hai hàm răng tự động va vào nhau lập cập, chúng tôi say sưa ngắm nhìn những bến tàu, cầu tàu, cảng container… lần lượt lướt qua, rồi lại hướng mặt theo phía mũi tàu đang vươn mình cưỡi sóng trên biển rộng bao la mênh mông, tự hào thấy đất nước mình thật đẹp, thật giàu tiềm năng.
Bữa cơm chiều đầu tiên trên tàu thật đầm ấm, thân tình giữa những thành viên đoàn công tác và các cán bộ, chiến sĩ hải quân. Nhà bếp dặn dò, hẹn trước: “Ăn sớm để kịp nghỉ trước khi vào vùng biển động mạnh, nhưng đừng quên bữa cháo đêm nhé”.
Nhưng không nhiều người trong đoàn công tác đủ sức trải nghiệm bữa cháo đêm quý giá khi tàu lênh đênh giữa biển khơi. Trong căn phòng nhỏ đủ kê 2 giường tầng, 2 đệm sàn và 1 chiếc bàn, 6 nữ nhà báo tha hồ trải nghiệm cơn say sóng theo từng nhịp trồi sụt chao nghiêng của con tàu. Các chai nước, đồ đạc để trên bàn rơi lộp bộp, lăn dài trên thảm. Nhìn qua ô cửa sổ hình tròn ở thân tàu, chỉ thấy màn đêm đen thẫm.
Đêm say sóng thật dài theo từng nhịp lắc lư dữ dội của con tàu. Mong mãi rồi trời cũng sáng. Gió vẫn lộng và sóng biển vẫn cuồn cuộn...
Nồng ấm tình đồng đội, quân dân
6h ngày 26-1-2024, tàu cập đảo Bạch Long Vĩ. Vượt qua hải trình xuyên đêm vất vả, đoàn công tác nhanh chóng lên xe ô tô khởi hành đi dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên huyện đảo.
Đứng trước bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu để bảo vệ đảo, Thượng tá Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật, Vùng 1 Hải quân - thành viên đoàn công tác không giấu nổi niềm xúc động. Trong dòng chữ khắc tên các Anh hùng liệt sĩ, có người thân của gia đình anh - liệt sĩ Trần Trung Thông, quê ở Đông Hoàng, Tiền Hải, Thái Bình.
Sau khi đến thắp hương tại chùa Bạch Long, đoàn chia làm 2 tuyến, lần lượt đến thăm, chúc Tết và tặng quà các đơn vị, cơ quan trên huyện đảo. Điều tuyệt vời là đến bất cứ nơi đâu, chúng tôi đều nhận được tình cảm ấm nồng, thân thiết như trở về nhà, về với người thân.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới tại trụ sở Công an huyện đảo Bạch Long Vĩ, Thượng tá Đào Văn Sinh, Phó Trưởng Công an huyện cho biết, việc gắn kết giữa các lực lượng an ninh, quân đội, bộ đội biên phòng và nhân dân trên đảo luôn được chú trọng, bảo đảm an toàn tài sản, hàng hóa, hỗ trợ ngư dân bám đảo, bám biển.
Còn Thiếu tá Bùi Quang Đông, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ không giấu nổi niềm xúc động: “Tiếp nhận những món quà Tết, chúng tôi cảm nhận rõ tình cảm của các cơ quan, tổ chức trong đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ, bà con trên đảo. Điều đó mang đến nguồn động lực lớn để cán bộ, chiến sĩ thêm an tâm giữ đảo, giữ chắc tiền tiêu, canh giữ biển trời Tổ quốc”.
Bạch Long Vĩ là huyện đảo không có chính quyền cấp xã của Hải Phòng, luôn được quan tâm về công tác phát triển kinh tế - xã hội và ngày càng phát huy được tiềm năng.
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Bạch Long Vĩ Đoàn Thế Tuấn, năm 2024, huyện đặt mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng hải quân, tăng cường bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an sinh xã hội, y tế, giáo dục và các hoạt động văn hóa, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tập trung hoàn thiện tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù theo bộ tiêu chí của Chính phủ, từng bước triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số phù hợp với điều kiện đặc thù huyện đảo...
Trên thuyền đánh bắt cá, ngư dân Hoàng Văn Tùng (quê Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi cùng một số anh em cùng quê tham gia đánh bắt tại ngư trường khu vực đảo Bạch Long Vĩ đã 4 năm. Công việc nhiều khó khăn, vất vả, không chỉ vì thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, mà còn do tình hình giá xăng dầu có giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến việc vươn khơi đánh bắt thủy sản bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn yên tâm bám biển vì có lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an huyện đảo hỗ trợ. Là một ngư dân, tôi chỉ nghĩ đơn giản, vùng biển của Việt Nam, chúng ta có quyền khai thác và phải bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương”.
Về đến Trạm radar 490, Trung đoàn 151, Vùng 1 Hải quân, đoàn chúng tôi cùng hòa chung không khí đón Tết sớm với các cán bộ, chiến sĩ trẻ. Tết sớm nơi đảo xa có đủ đào, quất, bánh chưng, mâm ngũ quả... Và rộn rã tiếng cười, khi tất cả cùng vui với các trò chơi đậm chất sáng tạo và tinh nghịch của tuổi trẻ, đơn giản và thú vị…
Chiến sĩ Trần Hữu Hùng (sinh năm 1998; quê Cẩm Phả, Quảng Ninh) cười vui, chia sẻ tự tin: “Là anh cả trong số 3 anh em trong gia đình, tôi thấy may mắn vì được trải qua thời gian ở trong quân ngũ, được sự chỉ bảo, hướng dẫn, huấn luyện của cán bộ, đồng đội trong đơn vị. Ở đảo xa, cái gì cũng cần học làm, kiên nhẫn, chăm chỉ, lao động, sáng tạo, trưởng thành. Nói chung, giờ thì trồng trọt, chăn nuôi, trực trạm, việc gì tôi cũng làm được”.
Không giấu nổi niềm xúc động trong ánh mắt, Hữu Hùng bày tỏ: “Tôi sắp kết thúc thời gian làm chiến sĩ nghĩa vụ trên đảo Bạch Long Vĩ. Chắc chắn, tôi sẽ rất nhớ về con người và biển đảo nơi đây, nhớ khi cùng đồng đội gói bánh chưng, cắm hoa đón Tết, nhớ từng kíp trực cùng anh em…”.
Rất nhiều người trong chúng tôi cũng chung niềm cảm xúc chưa xa đã nhớ ấy...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/don-tet-som-noi-dao-xa-657970.html