Đón Tết sớm ở Trường Sa

Khi đất liền vẫn đang bộn bề với công việc, những cành đào, cành mai còn chưa kịp khoe sắc thì quân và dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã rộn ràng đón Tết sớm. Tết ở nơi 'đầu sóng, ngọn gió' thật đặc biệt, nhưng vẫn đầy đủ hương vị cổ truyền.

Chuyến hải trình đến với Trường Sa dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên tàu Kiểm ngư 490 đã đưa chúng tôi đặt chân lên cụm đảo phía Bắc của quần đảo Trường Sa gồm các đảo nổi (Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn Đông), đảo chìm (Đá Nam, Đá Thị), cùng đón Tết sớm với cán bộ, chiến sỹ hải quân và nhân dân đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc. Dẫu đã được nghe, đọc, xem rất nhiều câu chuyện cảm động về đón Tết của bộ đội và nhân dân trên đảo, nhưng chúng tôi thực sự xúc động khi hòa mình vào không khí vui xuân nơi đảo xa.

Chương trình giao lưu văn nghệ trên đảo Song Tử Tây.

Chương trình giao lưu văn nghệ trên đảo Song Tử Tây.

Ngay khi các chuyến tàu cập cảng mang theo thực phẩm, quà Tết thì không khí ở các đảo càng trở nên rộn ràng. Đến đâu cũng thấy người dân và lính đảo tất bật trang trí mâm ngũ quả, chuẩn bị gạo nếp, lá dong, thịt lợn… để gói bánh chưng. Vừa gói bánh chưng, chị Nguyễn Thị Lan, hộ dân trên đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Tết ở đảo nhưng vẫn có bánh chưng, đi chùa lễ Phật, chúc Tết đầu năm và nhiều trò chơi dân gian khiến chúng tôi cảm thấy đỡ nhớ đất liền. Mỗi chiếc lá dong, mỗi món quà mà đất liền gửi ra đảo khiến chúng tôi cảm nhận được hơi ấm và tình cảm của đồng bào cả nước. Dù đã nhiều lần đón Tết trên đảo, nhưng năm nào tôi cũng cảm thấy Tết nơi đây thật đặc biệt. Đây là những kỷ niệm đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi”.

Giữa trùng khơi, Tết ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị như ở đất liền. Ngoài lương thực, thực phẩm được tàu 491 mang ra, Tết ở đảo không thể thiếu cây quất, đào, mai, lan... Ngồi ngắm chậu quất vừa gửi ra từ đất liền được đặt trang trọng dưới bàn thờ Bác Hồ, Thượng tá Đậu Đình Dân, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây tâm sự: “Ở Trường Sa, mùa xuân dường như đến sớm hơn và dừng lại lâu hơn với quân và dân nơi đây như để bù đắp những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của những người ăn Tết nơi đảo xa. Khi những chuyến tàu bắt đầu chở quà ra Trường Sa, cũng là lúc quân dân biển đảo vui xuân mới. Tết ở Trường Sa bây giờ cũng đầy đủ, chẳng khác đất liền. Chiều 30 tết, quân và dân cùng nhau gói bánh chưng, quây quần bên bếp lửa hồng, đêm giao thừa cùng nhau giao lưu văn nghệ, thi hái hoa dân chủ…”.

Không khí chuẩn bị đón Tết ở đảo chìm Đá Nam cũng rộn ràng không kém các đảo nổi. Khi chúng tôi ghé thăm cũng là lúc các chiến sỹ ở đây tập trung trang trí mâm ngũ quả, sửa soạn bàn thờ Tết. Bánh chưng, cây quất, hoa phong lan, mâm ngũ quả, bánh kẹo Tết… mang ra từ đất liền được bày trang trọng trước bàn thờ Bác Hồ. Chiến sỹ Trần Hoài Thiện Nhân, đảo Đá Nam chia sẻ: Lần đầu tiên tôi được ăn Tết trên biển thấy thú vị lắm. Cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân được vơi bớt vì trên đảo luôn ấm tình đồng chí, đồng đội. Sau khi gói, luộc và vớt bánh chưng, bày mâm ngũ quả cúng giao thừa, chúng tôi được tham gia nhiều hoạt động mừng xuân. Năm nay, chúng tôi có Nhà văn hóa đa năng mới, cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Nam có nhiều không gian để tổ chức giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, đặc biệt là theo dõi chương trình Tết trên truyền hình…

Lính hải quân Trường Sa hái lá bàng vuông để gói bánh chưng.

Lính hải quân Trường Sa hái lá bàng vuông để gói bánh chưng.

Trải nghiệm thú vị nhất khi đón Tết sớm của chúng tôi càng thêm thú vị khi được tham gia gói bánh chưng bằng lá bàng vuông trên đảo Nam Yết cùng các chiến sỹ hải quân. Bàng vuông là loại cây đặc trưng ở các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, trước sóng gió khắc nghiệt cây vẫn vươn mình phát triển mạnh mẽ, xanh tốt. Đây cũng là loại cây tượng trưng cho sự kiên trung, ý chí thép của những người lính đảo. Và với sự sáng tạo, khéo léo của mình, những người lính Trường Sa đã tận dụng lá của loại cây bàng vuông để mang đến một hương vị Trường Sa rất riêng cho món ăn cổ truyền ngày Tết. Để gói được bánh chưng bằng lá bàng vuông, những chiến sỹ phải chọn những lá bàng bánh tẻ to nhất, nhiều người cẩn thận còn nướng lá trên bếp lửa để lá bàng dẻo, dễ gói bánh hơn.

Thi gói bánh chưng dịp Tết bằng lá bàng vuông trên đảo Nam Yết.

Thi gói bánh chưng dịp Tết bằng lá bàng vuông trên đảo Nam Yết.

Trung úy Trần Tuấn Nghĩa tâm sự: Đây là lần thứ 2, tôi gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Tết nào ở đảo cũng tổ chức thi gói bánh chưng giữa các đơn vị, đặc biệt là gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, đặc sản chỉ có trên quần đảo Trường Sa, đó là trải nghiệm thú vị với những ai lần đầu đến với nơi đây. Bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông có vị chua chát của lá bàng pha lẫn vị mặn nồng của muối biển mà những bánh chưng gói bằng lá dong không thể có được. Bánh chưng Trường Sa vẫn có đầy đủ nếp thơm, đậu xanh và nhân thịt lợn. Tuy nhiên, để bánh có vị ngon nhất phải kết hợp 2 chiếc là bàng vuông với 2 chiếc lá dong thì bánh sẽ vừa xanh, ngon vừa không bị đắng.

Chiến sỹ đảo Nam Yết làm cành hoa mai từ cây mù u.

Chiến sỹ đảo Nam Yết làm cành hoa mai từ cây mù u.

Ở Trường Sa không phải lúc nào cũng có cành đào, cành mai để “chơi” Tết, nên các chiến sỹ nơi đây đã sáng tạo, dùng hoa đào, mai nhựa gắn lên cành phi lao, mù u để trưng trong dịp Tết. Để cành phi lao, mù u giống với đào, mai, các chiến sỹ phải mất cả ngày chọn cành, cắt tỉa lá làm sao cho đẹp nhất, giống thật nhất. Những tác phẩm mai, đào từ phi lao, mù u qua các bàn tay khéo léo của các chiến sỹ trông xa không kém gì đào, mai thật ở đất liền, thậm chí còn có phần rực rỡ hơn. Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chia sẻ: Trước đây, khi chưa có hoa đào, mai bằng nhựa, các chiến sỹ ở Trường Sa thường đi vớt bọt biển về trộn với xăng, tô màu để làm hoa đào, hoa mai. Để có một cành mai, đào từ bọt biển, các chiến sỹ phải tranh thủ thời gian rảnh rỗi hàng tháng trời. Những cành đào, mai làm từ bọt biển đã từng trở thành “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa dịp Tết đến, xuân về. Bây giờ có hoa được gửi ra từ đất liền nên tiện lợi hơn, các chiến sỹ không phải vất vả đi vớt bọt biển về làm hoa trong dịp Tết nữa.

Mặc dù không khí xuân đã tràn ngập các đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, nhưng các chiến sỹ nơi đây vẫn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đảo tiền tiêu của Trường Sa. Theo Thượng tá Phạm Duy Hướng: Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cùng với việc tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ, người dân đón Tết, Lữ đoàn 146 luôn yêu cầu cán bộ, chiến sỹ bám sát kế hoạch phòng thủ, tác chiến, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân bị nạn… trên tinh thần “Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mới chính là niềm vui, là mùa xuân ấm áp nhất của người lính Trường Sa.

Đêm cuối năm, bếp lửa bập bùng, bên nồi bánh chưng, những người lính nơi đảo xa cùng cất lên tiếng hát: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/Ta vẫn vượt qua…”. Lời bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sỹ Đoàn Bổng vang lên giữa bộn bề sóng nước như lời thề son sắt của người lính đảo với đất nước, Tổ quốc mình trong thời khắc đón mùa xuân mới.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/don-tet-som-o-truong-sa-z62n2020012111111893.htm