Đón Tết trên sông: Độc đáo và hấp dẫn
Mục đích chính của các lễ hội trên sông là cảm ơn thần linh, cầu phúc cho mùa màng và con người, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa cái cũ và cái mới.
Không một nền văn minh nào mà không gắn liền với một hoặc nhiều con sông, kèm theo đó là vô số nghi thức cùng lễ hội. Chúng được cho là mang đến sự liên kết mật thiết cho tất cả dòng sông, thúc đẩy những dòng nước tốt trên khắp Trái đất dâng trào không bao giờ vơi cạn.
Vào mùa xuân, các lễ hội trên sông sẽ được tổ chức dày hơn. Mục đích chính của các lễ hội này là cảm ơn thần linh, cầu phúc cho mùa màng và con người, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa cái cũ và cái mới.
Đón tết trên sông xưa: Thanh tẩy và tái tạo
Cuối kỳ trăng non đầu tiên, sau điểm xuân phân vào cuối tháng 3, người Babylon ở vùng Lưỡng Hà cổ đại sẽ tôn vinh sự tái sinh của thế giới tự nhiên bằng lễ mừng năm mới kéo dài nhiều ngày có tên là Akitu. Lễ này có từ khoảng năm 2000 trước Công nguyên và được cho là có mối liên hệ mật thiết với tôn giáo và thần thoại. Người Babylon cổ tin rằng thế giới đã được các vị thần thanh tẩy và tái tạo một cách tượng trưng để chuẩn bị cho mùa xuân trở lại. Theo đó, tượng thần được di chuyển đến ngôi đền Akitu (Bit Akiti) nằm gần sông, trong một cuộc diễu hành long trọng. Nước của hai con sông Tigris và Euphrates linh thiêng được chứa sẵn trong một bể ở Akitu sẽ được sử dụng cho nghi lễ thanh tẩy liên quan đến lễ hội.
Tại Ấn Độ - xứ sở của lễ hội, lễ đón các mùa trong năm hoặc năm mới, các dịp lễ tôn giáo thường diễn ra “trong lòng nhân từ và ân sủng” của sông Hằng. Cùng với việc chứng kiến các nghi thức trên sông, người dân còn tham gia diễu hành, đi hội chợ.
Nền văn hóa Ai Cập cổ đại có quan hệ mật thiết với sông Nile. Theo nhà văn La Mã Censorinus, năm mới của người Ai Cập có lẽ tương ứng với trận lụt hằng năm nhằm đảm bảo đất canh tác vẫn màu mỡ trong năm tới. Vào khoảng tháng 7, khi ngôi sao Sirius trở thành ngôi sao sáng nhất trong đêm - lần đầu tiên có thể nhìn thấy sau 70 ngày vắng bóng, người Ai Cập ăn mừng sự khởi đầu mới này bằng một lễ hội đặc biệt được gọi là Wepet Renpet, có nghĩa là “lễ khai mạc của năm”. Đây được cho là thời điểm của tái sinh và trẻ hóa.
Ở Brunei, lễ hội Hari Raya Aidilfitri diễn ra sau tháng chay Ramadan như một dịp tự thưởng cho các nỗ lực khiết tịnh của người theo Hồi giáo. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Brunei, kéo dài trong thời gian 4-5 ngày. Rừng mưa Borneo được ước tính có niên đại khoảng 140 triệu năm, là một trong các rừng mưa cổ nhất trên thế giới. Vì lẽ đó, các nghi lễ trên dòng Borneo được đánh giá là cổ sơ và vô cùng linh thiêng.
Ở Việt Nam, có khá nhiều lễ hội năm mới liên quan đến các dòng sông như lễ hội cúng bến sông của người Êđê, lễ gội đầu “Lúng ta” của người Thái…
Nay đón tết trên sông hướng về du lịch
Theo dòng thời gian, các nghi lễ đón xuân trên các dòng sông được giản lược. Thay vào đó, người ta tổ chức các tiện ích trên sông để du khách có nhiều lựa chọn trước thềm năm mới.
Cách đây vài năm, tôi có dịp đón năm mới Dương lịch ở thủ đô Cairo ngay trên dòng sông Nile. Dọc theo bờ sông là các khách sạn nổi tiếng như InterContinental, Novotel, Grand, Kempinski… Người dân địa phương và du khách tập trung đông đúc ở các sảnh lớn nhìn ra sông hoặc trên các du thuyền, chờ đến 0 giờ để ngắm pháo hoa rực rỡ soi bóng trên dòng thiêng trong không khí se lạnh. Âm thanh rộn ràng của các loại nhạc cụ trỗi lên khắp nơi.
Vào mùa Hari Raya ở Brunei, các ngôi nhà sàn trên dòng Borneo được sửa soạn tinh tươm và mở rộng cửa đón chào khách tham quan. Chúng tôi cập thuyền vào từng nhà, tự nhiên bước lên hiên nhà hoặc vào ngồi trong phòng khách. Các loại trà, nước ca cao, bánh dừa nướng và cả bánh kẹo nhập khẩu được bày trong những chiếc hộp xinh xắn trên bàn, khách tha hồ thưởng thức. Chủ nhà vô cùng niềm nở, thân thiện. Ngày tiếp theo, chúng tôi xếp hàng vào cung điện Istana Nurul Iman để bắt tay nhà vua (dành cho nam giới) và hoàng hậu (dành cho nữ giới), nhận quà và dùng buffet do hoàng gia chiêu đãi. Vào buổi chiều, khi quạ bay đầy trời, du khách có thể ngồi du thuyền trên sông để xem biểu diễn văn hóa nghệ thuật và thưởng thức ẩm thực truyền thống.
Trong những ngày này, Tổng cục Du lịch Thái Lan, Cơ quan quản lý đô thị Bangkok, Cục Hàng hải và Phòng Thương mại Thái Lan, các liên minh hiệp hội thương mại kinh doanh… đang tưng bừng quảng bá chiến dịch “Năm mới EVE 2023”. Với phương châm tạo ra hạnh phúc, trân trọng những nụ cười và trao quyền cho tất cả mọi người, lễ hội “Đếm ngược Thái Lan tuyệt vời 2023” được khẳng định là cột mốc đếm ngược đẳng cấp thế giới duy nhất với những tiết mục độc đáo: Pháo hoa gạo nếp thân thiện với môi trường dài 1.400 m, ánh sáng và âm thanh ngoạn mục dọc theo bờ sông đẹp nhất Bangkok là Chao Phraya.
Tương tự Thái Lan, hầu hết các quốc gia ở Âu, Mỹ, Á, Phi, Úc… đều quảng bá rầm rộ các chương trình đón tết Dương lịch hoặc các lễ hội khác trên sông. Hoa, nến, đèn, các loại rượu và tiệc tối xa hoa sẽ diễn ra ở các nhà hàng, khách sạn ven sông hoặc trên các du thuyền với nhiều kích cỡ, tiện nghi và giá cả khác nhau. Pháo hoa sẽ làm cho khoảnh khắc giao thừa thêm đặc biệt.
Việt Nam là quốc gia có nhiều con sông lớn. Các nhà làm du lịch trên các sông Tiền, Hậu, Sài Gòn, Hương, Hàn, Hồng… cũng có các phương án đón năm mới 2023 trên sông với nhiều hình thức hấp dẫn.
Nước bao nhiêu tuổi? Sông bao nhiêu đời? Chúng ta sẽ khó lòng trả lời các câu hỏi đó nhưng hoàn toàn có thể tham dự một lễ hội đón năm mới trên một dòng sông nào đó. Để có một thời khắc riêng tư đầy ý nghĩa. Để đón an lành và cầu nguyện cho sự cân bằng của nhân gian.
Nguồn PLO: https://plo.vn/don-tet-tren-song-doc-dao-va-hap-dan-post717089.html