Dồn tiền mua vàng tích trữ, tiêu dùng hàng hóa trong nước èo uột?
Chưa có con số thống kê chính xác về số lượng vàng trong dân và có một thực tế là dù bị giới hạn số lượng mua song vẫn có dòng tiền hàng ngày đổ vào vàng. Trong khi đó, tiêu dùng trong nước cho hàng hóa vẫn chưa trở lại thời kỳ như trước dịch COVID-19.
Ngày 10/4 vừa qua, chị H.T.X (Hà Nội) và chồng đã xếp hàng mấy tiếng đồng hồ để mua 1 lượng vàng nhẫn. “Mỗi người chỉ được mua 5 chỉ, vì vậy vợ chồng tôi sau khi xếp hàng cả tiếng mới mua được 1 lượng vàng nhẫn với giá cao nhất lịch sử 78,5 triệu đồng/lượng”, chị X. nói.
Lực hấp dẫn từ vàng và bức tranh xám màu của tiêu dùng
Sau phiên tăng kỷ lục đó, giá vàng quay đầu giảm, đến nay 1 lượng vàng mà gia đình chị X. mua đã lỗ khoảng 3 triệu đồng/lượng. Giống như chị X, nhiều người dân, nhà đầu tư vẫn quyết dồn tiền vào kênh đầu tư trú ẩn này, dù nguy cơ thua lỗ sau mỗi đợt tăng phi mã là không hề nhỏ.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá trong bối cảnh kinh tế bất ổn, vàng sẽ là kênh neo giữ tài sản, đó là lý do người dân tăng mua vàng.
Tuy vậy, bản thân ông Tú Anh cũng cho rằng, khi xét trong bối cảnh hiện nay kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ với nhiều dấu hiệu tích cực. Vì sao nhu cầu về mua vàng trong dân lại tăng đột biến. “Ai là người mua, tại sao họ cần vàng vào lúc này?”, đó là câu hỏi mà ông Tú Anh cho rằng cơ quan quản lý cần phải giải được để bình ổn thị trường này.
Dù không thể so sánh bởi hai vấn đề là khác nhau, song cũng có một thực tế rằng trong khi người dân vẫn tiết kiệm, dồn tiền vào các kênh đầu tư trú ẩn; Chi tiêu tiêu dùng trong nước tiếp tục cho thấy những con số đáng lo ngại, mặc dù đây là động lực tăng trưởng kinh tế.
Sau bước sụt giảm trong năm 2023, các nhà sản xuất, phân phối xe máy tại Việt Nam vẫn nỗ lực kích cầu bằng các chương trình ưu đãi, giảm giá sản phẩm nhằm chạy doanh số cho năm 2024. Tuy vậy, sức mua yếu khiến thị trường xe máy hụt hơi ngay trong giai đoạn chạy đà.
Số liệu bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho thấy, trong quý I/2024, 5 thành viên gồm: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM đã bán ra thị trường tổng cộng 603.745 xe máy các loại. Trung bình mỗi ngày, người Việt mua sắm khoảng 6,7 xe máy mới.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiêu thụ xe máy của các thành viên VAMM bán ra trong quý I/2024 thấp hơn gần 32.000 xe, tương đương khoảng 4,9%. Nguyên nhân là do sức mua trên thị trường xe máy đang suy yếu do tác động từ những khó khăn của nền kinh tế. Người dân vẫn thắt chặt chi tiêu, hạn chế việc mua sắm hoặc đổi sang xe mới.
Hay kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới nhưng nhiều DN cho biết, năm nay bán tour nội địa rất thấp, nhiều du khách chọn cách du lịch nước ngoài, một phần vì giá vé máy bay đắt đỏ. Nếu tỷ lệ khách du lịch nội địa thấp sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi, cũng như kỳ vọng kích cầu tiêu dùng cho kỳ nghỉ kéo dài, gần bằng dịp Tết Nguyên đán.
Nghiên cứu thêm giải pháp kích cầu
Trong khi đó, thông tin từ một số hệ thống siêu thị lớn cho thấy, sức mua thị trường trong nước có xu hướng chậm lại, trong khi các nhóm sản phẩm rau củ quả, cá thịt, hàng thiết yếu vẫn có tăng trưởng dương thì các mặt hàng không thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia… thấp hơn cùng kỳ năm 2023.
Một quản lý siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội cho hay, ngay cả sức mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua kém hơn những năm trước, những mặt hàng thiết yếu thì người dân bắt buộc phải chi tiêu như bánh kẹo, thực phẩm, song các mặt hàng bán chạy là những phân khúc giá rẻ, bình dân.
Bên cạnh đó, một trong những mặt hàng đem tới nhiều lợi nhuận hơn như rượu, bia, nước giải khát thì tình trạng khó khăn chung, doanh thu đem về chẳng đáng kể. Vì vậy, nếu so với các năm trước, thì tình hình kinh doanh năm nay kém hơn.
Theo báo cáo từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dù đã phục hồi sau COVID-19 vào năm 2022 (tăng 7,18%), tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng đã suy giảm năm 2023 (tăng 3,52%), chủ yếu do tình hình kinh tế ảm đạm.
Trước đại dịch COVID-19, tiêu dùng cuối cùng là thành phần lớn và ổn định nhất của tổng cầu tại Việt Nam, luôn duy trì tăng trên 7% mỗi năm. Dù chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cầu, tiêu dùng cuối cùng lại có xu hướng tăng chậm lại và không ổn định trong những năm gần đây, làm kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Cả tiêu dùng cuối cùng khu vực Nhà nước và tư nhân đều giảm so với năm 2022.
Trong giai đoạn trước Covid-19, tốc độ tăng chi tiêu hộ gia đình duy trì ổn định ở mức khoảng 5-7%. Tuy nhiên, các khoản chi tiêu bị thắt chặt và tăng chậm trong hai năm 2020 (0,38%) và 2021 (2,17%). Năm 2022 chứng kiến mức tiêu dùng của hộ gia đình tăng mạnh do tâm lý tiêu dùng “bù” sau đại dịch, tốc độ tăng chi tiêu đạt 7,68%. Tuy nhiên, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã ảnh hưởng tới thu nhập chung của các hộ gia đình, mức gia tăng chi tiêu do đó giảm, kéo tổng cầu tăng chậm lại.
Trước đó, báo cáo từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%).
Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), bình quân 5 năm trước dịch, giai đoạn (2015 - 2019), tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm. “Mức tăng 8,2% trong quý I là mức tăng trưởng rất thấp so với thời điểm trước dịch. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức”, bà Phương đánh giá.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tiêu dùng cuối cùng hiện đóng vai trò lớn nhất trong tổng cầu. Đối với tiêu dùng nội địa, Chính phủ cần kích thích chi tiêu người tiêu dùng thông qua: gia tăng trợ cấp an sinh xã hội cho người nghèo, người bị mất việc làm (cả khu vực chính thức và phi chính thức); nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm VAT hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu; Tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương nhằm kích thích tiêu dùng, góp phần tăng tổng cầu.