Đòn trừng phạt mà Nga lo sợ nhất
Phương Tây đang đe dọa sẽ loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT nếu nước này tấn công Ukraine. Tuy nhiên, Nga không phải là bên chịu thiệt hại duy nhất.
Khi phương Tây đe dọa tung gói trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhắm vào Nga trong trường hợp nước này tấn công Ukraine, một trong những biện pháp khiến Điện Kremlin lo ngại nhất là việc Nga bị loại khỏi SWIFT - mạng lưới bảo mật cao kết nối hàng nghìn tổ chức tài chính trên khắp thế giới, theo CNN.
Các nhà lập pháp cấp cao của Nga đáp trả rằng nếu điều đó xảy ra, những chuyến hàng chở theo dầu, khí đốt và kim loại đến châu Âu cũng sẽ dừng lại.
Hôm 25/1, hãng tin TASS dẫn lời Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Nikolai Zhuravlev rằng: "Nếu Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, chúng tôi sẽ không nhận được ngoại tệ. Nhưng người mua, trước tiên là các quốc gia châu Âu, sẽ không nhận được hàng hóa của Nga, gồm dầu, khí đốt, kim loại và các thành phần quan trọng khác".
SWIFT là gì?
Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) được thành lập vào năm 1973 với mục đích thay thế phương thức liên lạc cũ là telex, hiện được sử dụng bởi hơn 11.000 tổ chức tài chính để trao đổi thông tin, chuyển tiền cho nhau trong một môi trường có tính bảo mật cao.
Hiện không có giải pháp thay thế cho SWIFT xét trên quy mô toàn cầu, nó được ví như huyết mạch của nền tài chính thế giới.
Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các tổ chức tài chính gần như không thể gửi tiền vào hoặc ra khỏi đất nước này. Điều đó sẽ gây ra cú sốc lớn cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài, đặc biệt là những bên mua dầu và khí đốt bằng USD.
Trong một bài viết được đăng tải bởi Trung tâm Carnegie Moscow hồi năm ngoái, tiến sĩ Maria Shagina, công tác tại Đại học Zurich, nói rằng: "Việc loại bỏ Nga (khỏi SWIFT) sẽ chấm dứt tất cả các giao dịch quốc tế, gây ra sự biến động tiền tệ và kích hoạt sự tháo chạy của các dòng vốn lớn".
Năm 2014, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin ước tính việc Nga bị ngắt kết nối khỏi SWIFT sẽ khiến nền kinh tế nước này sụt giảm 5%.
Dù tuyên bố là một bên trung lập, SWIFT vẫn phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Kịch bản Nga bị loại khỏi SWIFT
"SWIFT là một tổ chức trung lập thuộc sở hữu của các thành viên trên toàn cầu, được thành lập và hoạt động vì lợi ích chung của các thành viên", tổ chức này cho biết trong một tuyên bố hôm 26/1.
"Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia, thực thể hoặc cá nhân hoàn toàn thuộc về các cơ quan chính phủ có thẩm quyền và các nhà lập pháp", SWIFT cho biết thêm.
CNN cho biết đã có tiền lệ về việc một quốc gia bị ngắt kết nối khỏi SWIFT.
Năm 2012, các ngân hàng Iran đã bị loại khỏi SWIFT sau lệnh trừng phạt của EU vì chương trình hạt nhân của quốc gia này. Theo tiến sĩ Shagina, Iran mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% kim ngạch ngoại thương sau đòn trừng phạt.
Hiện không rõ các đồng minh của Mỹ sẽ sẵn sàng ủng hộ tới mức độ nào trước hành động trừng phạt tương tự đối với Nga. Mỹ và Đức chịu nhiều thiệt hại nhất nếu Nga bị ngắt kết nối, bởi ngân hàng của hai quốc gia này là những bên sử dụng SWIFT thường xuyên nhất để liên lạc với các ngân hàng Nga, theo tiến sĩ Shagina.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trước các nghị sĩ hôm 25/1 rằng chính phủ của ông đang thảo luận với phía Mỹ về khả năng loại Nga khỏi SWIFT. "Không nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là một vũ khí rất mạnh (chống lại Nga). Điều đó chỉ có thể thực sự được triển khai với sự hỗ trợ từ Mỹ. Chúng tôi đang thảo luận về việc này", ông Johnson nói.
Biện pháp đối phó của Nga
Trong những năm gần đây, Nga đã có các động thái để giảm thiểu thiệt hại nếu họ bị loại khỏi SWIFT. Moscow đã thành lập hệ thống thanh toán của riêng mình - SPFS - sau khi bị phương Tây trừng phạt vào năm 2014 vì sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, SPFS có khoảng 400 thành viên đang sử dụng. 20% giao dịch nội địa được thực hiện thông qua SPFS, theo tiến sĩ Shagina. Tuy nhiên, dung lượng của tin nhắn bị hạn chế (chỉ 20kb/tin so với 10 Mb của SWIFT) và hệ thống không hoạt động vào cuối tuần (so với SWIFT hoạt động 24/7).
CIPS, hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới còn non trẻ của Trung Quốc, có thể cung cấp giải pháp thay thế khác cho SWIFT. Moscow cũng có thể buộc phải sử dụng đến tiền điện tử.
Nhưng đây không phải là những giải pháp thay thế hấp dẫn.
"SWIFT là một công ty châu Âu có sự tham gia của nhiều nước trong khối. Để đưa ra quyết định về việc ngắt kết nối, cần có quyết định thống nhất của tất cả quốc gia thành viên. Quyết định của Mỹ và Anh chắc chắn là không đủ", TASS dẫn lời ông Zhuravlev.
"Tôi không chắc rằng các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có tỷ trọng thương mại với Nga lớn, sẽ ủng hộ việc đó", ông nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/don-trung-phat-ma-nga-lo-so-nhat-post1292451.html