Đơn vị bảo vệ đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc chặng đường 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thắng lợi đó có đóng góp đặc biệt quan trọng của CBCS Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam - đơn vị tiền thân của Phòng Cảnh vệ miền Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ngày nay.
Thực hiện nhiệm vụ đặc biệt
Trước hành động leo thang của Mỹ và tay sai tại chiến trường miền Nam, tháng 10/1956, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ ra Chỉ thị: "… phải nâng cao cảnh giác cách mạng trước âm mưu mới của địch và chủ trương thành lập ngay một đơn vị bảo vệ Xứ ủy, bảo vệ căn cứ".

CBCS Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam đào địa đạo bảo vệ căn cứ Trung ương Cục.
Chấp hành Chỉ thị của đồng chí Bí thư, ngày 18/10/1956, đơn vị Bảo vệ Xứ ủy đầu tiên được thành lập tại ấp Xóm Mới, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, lấy phiên hiệu là C80 An ninh vũ trang miền Nam (sau đổi tên thành Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam) với nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, canh gác, bảo vệ lãnh đạo Xứ ủy Nam bộ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao, cơ quan Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Trong những năm kháng chiến, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, CBCS Đoàn 180 đã kiên trì bám trụ, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu với phương châm "Chỉ biết còn Đảng thì còn mình".
"Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, CBCS Đoàn 180 đã lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc: chiến đấu 413 trận; tiêu diệt và làm bị thương hơn 4.720 tên địch. Bắn rơi 29 máy bay lên thẳng, 1 máy bay AD6, phá hủy 76 xe tăng, xe bọc thép; bảo vệ 33 lần Cấp ủy di chuyển căn cứ; 1.277 chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo; dựng 46 căn cứ mới, 1.350 căn nhà làm việc; đào hàng ngàn mét giao thông hào, công sự chiến đấu. Đồng thời thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch, chủ động đánh, ngăn chặn gần 600 cuộc hành quân càn quét của địch vào khu căn cứ" - Thiếu tướng Phạm Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chia sẻ.
"Chỉ biết còn Đảng thì còn mình"
Năm 1961, trước sự lớn mạnh không ngừng của cách mạng miền Nam, để nhanh chóng tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ thường xuyên sử dụng biệt kích thăm dò, xâm nhập và dùng máy bay B52 đánh phá căn cứ Trung ương Cục ác liệt. Công tác bảo vệ căn cứ và các đồng chí cấp ủy ngày càng khó khăn. Song với tinh thần "chỉ biết còn Đảng thì còn mình", CBCS Đoàn 180 kiên trì, mưu trí, dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, bảo vệ an toàn căn cứ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục. Tháng 6/1962, một tổ công tác do đồng chí Tư Lùn chỉ huy bảo vệ đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục đi công tác, giữa đường gặp 4 máy bay địch oanh kích bất ngờ. Tình thế nguy hiểm, tổ bảo vệ đã nhanh chóng đưa đồng chí Bí thư nấp vào một bên gò mối rồi tất cả thành viên tổ công tác cùng nhau vây quanh lấy thân mình che chắn bảo vệ an toàn cho thủ trưởng.
Tháng 12/1965, máy bay B52 của địch ném bom vào khu vực cơ quan Cấp ủy. Khi đợt bom thứ nhất vừa dứt, đồng chí Nguyễn Trung Ngàn, Đại đội trưởng chạy đến công sự, một mình cõng đồng chí Hai Văn, Phó Bí thư Trung ương Cục đang bị ốm ra khỏi vùng địch ném bom đến nơi an toàn.
Năm 1970, trước sự đánh phá ác liệt của địch vào khu căn cứ bằng nhiều đợt bom B52; nhiều căn cứ dự bị cũng bị địch bao vây, CBCS Đoàn 180 ngày đêm tìm đường, vượt qua nhiều vòng vây của địch. Chỉ trong 3 tháng, đơn vị đã 7 lần tổ chức đưa toàn bộ cấp ủy và các cơ quan Văn phòng đến các địa điểm mới an toàn. Đặc biệt là đợt tấn công cứ điểm Rum - Chéc, CBCS Đoàn 180 đã "mở đường máu" đưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và cơ quan Văn phòng vượt sông Mê Kông xa biên giới 90km. Quá trình hành quân, đi bộ dài ngày, nhiều đồng chí lãnh đạo bị bệnh. Để đảm bảo tốc độ di chuyển, CBCS trong đơn vị chia nhau khiêng, cáng lãnh đạo đến nơi an toàn.
Tháng 5/1972, khi thuyền chở đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục và tổ bảo vệ gồm 5 người trên đường đi công tác trở về căn cứ ra đến giữa sông Mê Kông thì bị máy bay AC130 của địch phát hiện và oanh tạc. Tổ bảo vệ đã nhanh chóng cho thuyền chạy vào bờ. Đồng chí Trượng chỉ huy tổ đề nghị đồng chí Phạm Hùng choàng tay qua vai mình rồi cùng đồng đội che chắn và dìu thủ trưởng chạy cho nhanh. Tổ bảo vệ vừa vượt qua bãi cát dài 200m thì máy bay địch bắn phá chiếc thuyền chở đồng chí Phạm Hùng và tổ công tác ở ngoài sông. Mặc cho máy bay quần thảo trên bầu trời, anh em tổ bảo vệ vẫn kiên trì che chắn bảo vệ đồng chí Phạm Hùng về cứ an toàn. Năm 1972, đơn vị tổ chức bảo vệ đưa đồng chí Võ Văn Kiệt đi công tác tại đồng bằng sông Cửu Long, trên đường bị địch phát hiện, truy kích. Sau khi đưa thủ trưởng ra khỏi vòng vây an toàn và giao cho tổ cận vệ đi tiếp, đồng chí Huỳnh Minh Mương ở lại trực tiếp chiến đấu đánh lạc hướng, cầm chân địch và đã anh dũng hy sinh.
"Kỷ niệm về những chuyến công tác đáng nhớ cũng như những chiến công, thành tích của CBCS Đoàn 180 năm xưa qua các trận đánh như mạch suối ngầm trong trẻo, bền bỉ, len lỏi trong tâm hồn mỗi CBCS Cảnh vệ hôm nay. Để rồi, cùng với sự ngưỡng mộ, nể phục tinh thần ngoan cường, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, chúng tôi - thế hệ đoàn viên chiến sĩ Cảnh vệ hôm nay còn thực sự trân trọng, biết ơn sự hy sinh xương máu của những chiến sĩ Đoàn 180 năm xưa. Những câu chuyện ấy không chỉ là minh chứng cho lòng trung thành, dũng cảm và sự hy sinh cao cả, mà còn là nguồn cảm hứng, là động lực để chúng tôi thêm yêu ngành, yêu nghề, yêu Tổ quốc" - Thượng úy Nguyễn Hồng Phúc, Bí thư Đoàn cơ sở Phòng Cảnh vệ miền Nam xúc động chia sẻ.
Tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng
21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có 505 cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ đã anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân cùng hàng trăm thương binh, bệnh binh đã hy sinh một phần xương máu của mình vì sự nghiệp "bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ". 4 tập thể và 5 cá nhân CBCS Đoàn 180 an ninh vũ trang miền Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có Anh hùng, liệt sỹ Phạm Thành Lượng.
Đồng chí Phạm Thành Lượng sinh năm 1948 tại xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang trong một gia đình nông dân nghèo nhưng sớm giác ngộ cách mạng, nhập ngũ năm 1965 và tham gia chiến đấu tại huyện nhà. Tháng 6/1968, đồng chí Phạm Thành Lượng chuyển về Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam. Vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Trung ương Cục đi công tác, vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ, đồng chí Phạm Thành Lượng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong cuộc nổi dậy và Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, đồng chí Phạm Thành Lượng phụ trách một đơn vị đánh vào đồn bảo an của địch ở Mỏ Công đến ngã ba Vinh. Đây là vị trí then chốt, có tính chất chiến lược nhằm giải phóng trục quốc lộ, tạo điều kiện cho quân ta tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đồn bảo an Mỏ Công được xây dựng từ năm 1962, xung quanh có nhiều hàng rào kiên cố, chống đạn B40 và B41. Vòng ngoài đồn được xây dựng vành đai ấp chiến lược, canh phòng cẩn mật, được bảo vệ bởi các cụm pháo, các cửa và có trên 400 tên lính thường xuyên tuần tra canh gác, bảo vệ cùng một Đại đội lính bảo an túc trực tại đồn. Để tiêu diệt được đồn này, theo kế hoạch, ngày 22/3/1975, tiểu đội của đồng chí Phạm Thành Lượng bắt đầu triển khai nhiệm vụ. Năm đêm liên tục, anh đã kiên trì, mưu trí luồn sâu để nắm tình hình cụ thể về đồn Mỏ Công. Đêm hành động, khi sắp nổ súng thì địch phát hiện được lực lượng mũi chủ công của ta, chúng dùng chiến thuật đánh vây chặn quyết liệt.
Trước tình hình đó, Ban chỉ huy mặt trận quyết định mũi tiến công do đồng chí Phạm Thành Lượng phụ trách phải chuyển nhiệm vụ: từ thứ yếu lên chủ yếu. Khi tổ bộc phá bị thương vong, anh đã dũng cảm ôm hai quả bộc phá và đánh tiếp để mở đường cho cánh quân khác tiến vào. Dưới làn mưa đạn, anh dẫn tổ xung kích vượt lên áp sát bờ tường tận cùng của đồn Mỏ Công cao hơn 2m, bên trong là bãi mìn. Đây là trở ngại lớn nhất trên đường tiến quân vào đồn. Thời điểm đó, dù bản thân đã bị thương ở vai, song anh vẫn quyết ôm bộc phá móc lên tường rồi giật nụ xòe. Bộc phá nổ, người Phạm Thành Lượng theo sức ép tung lên rồi rơi xuống đống dây thép gai. Dù bị thương nặng nhưng anh vẫn kịp hô to "Tiến lên", rồi cuộn người nhảy qua mảng tường vừa vỡ vụn. Vừa tiếp đất, anh đã đối diện với 2 tên địch. Được đồng đội hỗ trợ, chỉ giây lát, Phạm Thành Lượng đã tiêu diệt 2 tên tại chỗ; tiếp tục bám chắc trận địa, quyết liệt tiến công, tạo điều kiện cho đơn vị đánh chiếm căn cứ.
Rạng sáng ngày 22/3/1975, đồng chí Phạm Thành Lượng đã trao cho đồng đội quả lựu đạn cuối cùng rồi anh dũng hy sinh giữa lúc toàn bộ đồn Mỏ Công được giải phóng. Khu căn cứ Trung ương Cục được mở rộng, có hành lang an toàn, tiếp tục chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 24/1/1976, gần một năm sau ngày hy sinh, đồng chí Phạm Thành Lượng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.