Đơn vị đặc biệt của Mỹ làm nhiệm vụ 'tự sát' với vũ khí hạt nhân mini
Những người lính này sẽ mang vũ khí hạt nhân trên người và nhảy dù xuống phía sau phòng tuyến của kẻ thù để phá hủy những mục tiêu quan trọng.
Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã thành lập một Lực lượng Đặc biệt có tên là "Green Light" (Đèn xanh), họ được huấn luyện để triển khai các quả bom hạt nhân nhỏ được gọi là “Đạn phá hủy nguyên tử đặc biệt” (SADM).
Đối với các nhân viên hoạt động đặc biệt của Mỹ, việc thực hiện các cú nhảy dù ở trên không là hoàn toàn bình thường, nhưng làm như vậy với một quả bom hạt nhân kẹp giữa hai chân lại ở một cấp độ hoàn toàn khác.
Là một dạng đạn phá hủy nguyên tử (ADM), SADM được xem như là vũ khí hạt nhân cầm tay, còn được gọi là "hạt nhân ba lô". Những loại đạn này được lắp vào hộp đựng cứng hoặc được thiết kế đặc biệt để vận chuyển trên lưng (hoặc giữa hai chân) của những người lính đặc nhiệm.
SADM nặng khoảng 70 kg, trọng lượng đầu đạn W-54/B-54 khoảng 22 kg. SADM cực kỳ nhỏ, chỉ dài 60 cm x rộng 40 cm.
Nhưng tại sao các nhân viên hoạt động đặc biệt lại huấn luyện với những loại đạn này? Để giải đáp câu hỏi này, cần quay trở lại những năm 1950 và 1960 khi Mỹ bắt đầu đa dạng hóa khả năng vũ khí hạt nhân của mình.
Đạn phá hủy nguyên tử (ADM)
Các vụ nổ nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8/1945 đã gây ra mức độ tàn phá chưa từng thấy trong lịch sử xung đột của loài người. Chỉ vài năm sau, Liên Xô cũng tiến hành nổ quả bom nguyên tử đầu tiên vào tháng 8/1949, được Mỹ đặt mật danh là “Joe-1”.
Nhiều chuyên gia khi đó cho rằng vũ khí hạt nhân có thể được thiết kế nhỏ gọn hơn cho các mục đích chiến thuật hạn chế, chúng sẽ chứng tỏ tầm quan trọng đối với hoạt động quân sự trong các cuộc xung đột ở tương lai.
Thật vậy, ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một cuộc xung đột có thể xảy ra liên quan đến Liên Xô, đã trở thành một thành phần quan trọng trong chính sách “Diện mạo mới” của Tổng thống Dwight D. Eisenhower trong suốt những năm 1950 và đầu những năm 1960.
Do đó, các nhà khoa học và kỹ thuật viên tại các phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân Los Alamos và Sandia bắt đầu thu nhỏ kích thước của đầu đạn được sử dụng trong vũ khí hạt nhân.
Đồng thời, quân đội Mỹ bắt đầu có những động thái để có được các loại vũ khí hạt nhân chiến trường khác nhau, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn và súng không giật M28/M29 Davy Crockett bắn đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ khoảng 10-20 tấn TNT.
Một phần của nỗ lực hướng tới việc trang bị nhiều loại vũ khí hạt nhân hơn của quân đội Mỹ, cũng bao gồm việc phát triển và cho ra đời các loại đạn phá hủy nguyên tử (ADM).
ADM được thiết kế để sử dụng trên hoặc dưới mặt đất (hoặc thậm chí dưới nước) chống lại các mục tiêu cụ thể nhằm ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng của kẻ thù.
Mục tiêu ban đầu của ADM là tác động vào địa hình ví dụ như tạo ra các miệng núi lửa khổng lồ hoặc phá hủy các sườn núi có thể cản trở quân địch. Người ta dự tính rằng các nhóm kỹ sư nhỏ hoặc lực lượng hoạt động đặc biệt sẽ mang và vận hành ADM.
Các loại đạn lần đầu tiên được đưa vào kho vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ từ năm 1954, với một trong những vụ thử ADM đầu tiên diễn ra trong Chiến dịch Teapot (1955), một phần của loạt vụ thử hạt nhân được tiến hành tại Khu thử nghiệm Nevada.
Trong cuộc thử nghiệm nói trên, một quả bom ADM nặng 3.600 kg với đương lượng nổ 1,2 kiloton đã được kích nổ, tạo ra một miệng hố rộng 91 m và sâu 40 m.
Vào những năm 1960, cả một dòng ADM đã được phát triển, bao gồm cả Đạn phá hủy nguyên tử chiến thuật (TADM), trang bị đầu đạn W-30. TADM nặng khoảng 380 kg và có khoảng 300 quả đạn được sản xuất trong khoảng thời gian 1961-1966.
Đạn phá hủy nguyên tử trung bình (MADM) cũng được phát triển. Trang bị đầu đạn W-45, mỗi quả nặng khoảng 180 kg và có 350 MADM được sản xuất từ năm 1962-1966. Đầu đạn của TADM và MADM có thể được tùy chỉnh để có năng suất công phá tùy thuộc vào từng nhiệm vụ khác nhau.
Sự ra đời của SADM
Mong muốn có một ADM nhẹ hơn nhiều, có thể mang theo người, quân đội Mỹ cuối cùng đã sản xuất khoảng 300 SAM trong khoảng thời gian 1964 - 1966. Việc sản xuất đầu đạn W-54 bắt đầu vào tháng 4/1963.
SADM có cấu tạo bao gồm hệ thống ngòi nổ/khai hỏa, bộ đếm thời gian cơ khí, một bộ nung sắt điện và vỏ kín để chứa. Có ít nhất hai thiết kế SADM khác nhau gồm XM129 và XM159 đã được tạo ra.
Trung tâm của hệ thống SADM là đầu đạn hạt nhân chiến thuật W-54. W-54 được phát triển vào cuối những năm 1950, ban đầu là bởi Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore cho đến đầu năm 1959 và sau đó bởi Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos.
Đầu đạn W-54 có chiều dài chỉ 40cm và đường kính 27cm. Năng suất của đầu đạn W-54 có thể thay đổi, từ 10 tấn thuốc nổ TNT đến 1.000 tấn thuốc nổ TNT.
So với các ADM nặng hơn, quân đội Mỹ dự tính rằng các SADM nhẹ có thể dễ dàng được sử dụng về mặt chiến thuật hơn cho các hoạt động phía sau phòng tuyến của kẻ thù. Vũ khí này sẽ được sử dụng để làm nản lòng quân địch bằng cách làm nổ tung các công trình kiên cố, đường hầm, đèo núi và cầu cạn.
Cùng với việc triển khai trên đất liền hoặc trên biển, SADM cũng được thiết kế để thả từ trên không xuống phía sau phòng tuyến của kẻ thù. Đội nhảy dù hai người gồm một cá nhân mang theo vũ khí đã tháo rời trong một chiếc túi làm bằng vải bạt, sẽ hạ xuống các điểm mục tiêu trước khi thiết lập bộ đếm thời gian nổ của thiết bị.
Do học thuyết hạt nhân của Mỹ quy định rằng, không cho phép một cá nhân nào có thể tự mình sử dụng vũ khí hạt nhân, vì vậy các đội đặc biệt sẽ gồm ít nhất hai người (trong đó một người sẽ mang bom). Mã kích nổ sẽ được giao cho cả hai người giữ, mỗi người sẽ giữ một nửa đoạn mã để có thể kích hoạt vũ khí.
Ý tưởng sử dụng các lực lượng đặc biệt, được gọi là các đơn vị "Đèn xanh", để vận chuyển ADM phía sau phòng tuyến của kẻ thù đã có từ năm 1956. Người ta dự tính rằng những đơn vị tinh nhuệ này sẽ 'ở lại' hậu phương để nhắm mục tiêu vào lực lượng địch và thậm chí huy động lực lượng kháng chiến địa phương chống lại chúng.
Tuy nhiên, những vũ khí ADM đời đầu, chẳng hạn như ADM-4 quá lớn và nặng để một hoặc hai người mang vác. Việc sản xuất SADM đã thúc đẩy việc ra đời của những ý tưởng tấn công vào phía sau phòng tuyến của kẻ thù đa dạng hơn.
Đơn vị Đèn xanh
Được tuyển chọn vào đơn vị Đèn xanh là một điều khắt khe và cực kỳ bí mật. Với phương châm hành động “Bất ngờ, Giết chóc, Bí mật”, những người lính được chiêu mộ từ lực lượng bán quân sự, nhân viên CIA, các nhân viên từ các đơn vị SEAL của Hải quân và Thủy quân lục chiến.
Các đơn vị làm việc dưới những bí danh và mặc quân phục không có dấu hiệu hoặc phù hiệu. Quá trình huấn luyện ban đầu liên quan đến việc học các kỹ thuật xâm nhập bao gồm nhảy dù và sử dụng tàu ngầm mini. Nhìn chung, việc hướng dẫn các đơn vị Đèn xanh diễn ra trong suốt một tuần, bao gồm 8 đến 12 giờ mỗi ngày.
Các nhiệm vụ nhảy dù liên quan đến SADM đã được thực hiện trên biển, cũng như trên đất liền trong những năm 1960 và 1970. Năm 1972, các đơn vị Đèn xanh nhảy dù gần rừng quốc gia Núi Trắng ở New Hampshire. Hơn nữa, các cuộc tập trận với SADM cũng được diễn ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Nhiệm vụ của các đội đặc biệt này được xem như là tự sát, bởi việc kích hoạt vụ nổ dựa trên bộ đếm thời gian, tuy nhiên nó hoàn toàn không chính xác, vì vậy vụ nổ có thể diễn ra sớm hơn và khiến những người lính này không kịp thoát khỏi phạm vi nổ. Bên cạnh đó, họ cần phải nhanh chóng tìm cách thoát ra khỏi lãnh thổ của đối phương sau khi tiến hành vụ tấn công, tuy nhiên điều này là thực sự khó khăn.
May mắn thay SADM chưa bao giờ được sử dụng và những thông tin về chương trình này đã bị tiết lộ vào năm 1984. Cựu sĩ quan tình báo Lục quân William Arkin và các đồng nghiệp đã trình bày các bản phác thảo và mô tả về SADM cho Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên. Từ đó, loại vũ khí này dần bị loại bỏ và chính thức ngừng hoạt động vào năm 1989.