Đơn vị sở hữu VinCommerce và VinEco vay nợ 5 nghìn tỷ, Masan sẽ đóng hàng trăm cửa hàng Vinmart+

Tính đến cuối năm 2019, công ty sở hữu cả VinCommerce và VinEco có tổng nợ vay khoảng 5 nghìn tỷ đồng. VinCommerce ghi nhận EBITDA âm 2,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2019.

Tại buổi điện đàm nhằm thảo luận về các thương vụ thâu tóm VinCommerce và Netco vừa qua, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đã cho biết nhiều thông tin quan trọng, nhất là về Vincommerce.

Theo ghi nhận của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), chỉ số về biên lợi nhuận của VinCommerce (dù VinCommerce vẫn đang ghi nhận lỗ ở thời điểm này) là tốt hơn dù triển vọng dài hạn của thương vụ này phụ thuộc vào việc liệu Masan có thể đưa biên lợi nhuận của VinCommerce chuyển sang mức dương hay không.

Vào cuối năm 2019, Masan đã tiếp nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM) - công ty sở hữu cả VinCommerce và VinEco.

Đồng thời, Masan đã phát hành quyền chọn cho bên bán VCM mà qua đó bên bán sẽ được nhận cổ phần của một công ty mới là công ty con của Masan, và công ty này sẽ sở hữu 83,74% cổ phần VCM và 85,7% cổ phần Masan Consumer Holdings.

Theo thông tin công bố từ Masan tại buổi điện đàm, Masan sẽ sở hữu 70% cổ phần của công ty mới nói trên trong khi Vingroup (VIC) và các bên bán khác của VCM sẽ nắm giữ tổng cộng 30%.

VCM có tổng nợ vay khoảng 5 nghìn tỷ đồng

Tính đến cuối năm 2019, VinCommerce vận hành 3.022 cửa hàng, trong đó có 134 siêu thị Vinmart (1.500-5.000 m2/cửa hàng) và 2.888 cửa hàng Vinmart+ (siêu thị mini, 80-100 m2/cửa hàng).

Theo ước tính của ban lãnh đạo, VinCommerce ghi nhận EBITDA âm 2,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2019 với doanh thu khoảng 26 nghìn tỷ đồng, tương ứng với biên EBITDA -8%.

Trong năm 2019, doanh thu của VinCommerce đã tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước, một phần nhờ mức tăng trưởng doanh số từ các cửa hàng hiện hữu (SSSG) 20% tại Vinmart và 17% SSSG tại Vinmart+.

Theo Masan, tình hình hoạt động của VinCommerce tại Hà Nội, đặc biệt là Vinmart+, là tốt hơn đáng kể so với các thành phố khác, một phần nhờ sức mạnh thương hiệu của Vingroup tại Hà Nội.

Ngoài ra, có thể hoạt động của Vinmart+ tại Hà Nội hiệu quả hơn nhiều so với các thành phố khác, đặc biệt là ở TP. HCM, cũng một phần nhờ ít cạnh tranh hơn khi chuỗi Bách Hóa Xanh của MWG hiện đang tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Theo Masan, hoạt động của VinCommerce tại Hà Nội hiện đang tiến gần đến điểm hòa vốn EBITDA (đã tính luôn chi phí quản lý doanh nghiệp). Tính đến cuối năm 2019, Hà Nội chiếm 34% lượng cửa hàng Vinmart và 29% lượng cửa hàng Vinmart+.

Tính đến cuối năm 2019, VCM có tổng nợ vay khoảng 5 nghìn tỷ đồng.

Sẽ đóng khoảng 300 cửa hàng Vinmart+

Masan đặt kế hoạch VinCommerce sẽ đạt doanh thu hơn 42 nghìn tỷ đồng, tăng 64% trong năm 2020 nhờ 24-25% SSSG cho Vinmart và Vinmart+ và đóng góp cả năm từ các cửa hàng được mở trong năm 2019.

Trong năm 2020, việc mở rộng cửa hàng của VinCommerce sẽ diễn ra chọn lọc vì ban lãnh đạo sẽ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu.

Trong năm 2020, ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ mở mới từ 20-30/300-500 cửa hàng Vinmart/Vinmart+ trong khi đóng cửa từ 0-10/150-300 cửa hàng Vinmart/Vinmart+ hoạt động không hiệu quả.

Masan đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp doanh thu từ mặt hàng tươi sống cho VinCommerce và thương hiệu thịt Meat Deli sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này. Masan hiện đang trong quá trình lựa chọn các địa điểm Vinmart+ phù hợp để triển khai bán Meat Deli.

Masan kỳ vọng sẽ tăng tỷ lệ đóng góp doanh thu từ các mặt hàng tươi sống cho Vinmart+ lên mức 35% vào cuối năm 2020 so với khoảng 30% ở thời điểm hiện tại.

Về mặt sinh lời, ban lãnh đạo đặt mục tiêu cải thiện biên EBITDA cho năm 2020 lên mức từ -3% cho đến 0%, chủ yếu nhờ công tác thu mua hiệu quả hơn, cải thiện danh mục sản phẩm, tối ưu hóa hoạt động của các trung tâm phân phối và lợi thế kinh tế về quy mô.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh/don-vi-so-huu-vincommerce-va-vineco-vay-no-5-nghin-ty-masan-se-dong-hang-tram-cua-hang-vinmart-80845.html