Donald Trump ngửa bài, Trung Quốc gặp khó chưa từng có

Trước một thỏa thuận thương mại lịch sử, Tổng thống Mỹ Donald Trump dồn dập lập liên minh và đưa Trung Quốc vào thế khó chưa từng có. Ông Trump vẫn tiến bước dù chịu áp lực lớn trong nước.

Dồn dập lập liên minh

Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức ký một thỏa thuận thương mại giới hạn giữa hai nước. Theo đó, Mỹ tạm rút chưa áp thêm thuế lên ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, trong khi Nhật sẽ hạ thuế quan cho nông sản Mỹ như thịt bò, thịt lợn và xóa thuế đối với nhiều loại mặt hàng như quả hạnh nhân, việt quất và cải xanh…

Đây được xem là "những thành quả bước đầu" của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Nhật. Ông Trump cũng cho biết, ông hy vọng trong tương lai gần Mỹ sẽ có một "thỏa thuận toàn diện cuối cùng được ký kết với Nhật Bản".

Tại lễ ký kết thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo tại kỳ họp thường niên Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, ông Trump cho biết, thỏa thuận ban đầu được cho là sẽ mở cửa thị trường cho khoảng 7 tỷ USD các sản phẩm nông sản của Mỹ.

Ông Abe và Donald Trump.

Ông Abe và Donald Trump.

Trước đó, theo JapanTimes, ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi hôm 24/9 cho biết, không cần phải lo ngại về khả năng Washington có thể áp thuế cao hơn so với mức hiện nay đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật.

Trên thực tế, thỏa thuận ban đầu giữa Mỹ và Nhật có sự đảm bảo khá mơ hồ rằng Mỹ sẽ không áp thuế quan lên ô tô Nhật. Tuy nhiên, trả lời với báo chí, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định rằng ông Trump hiện tại không có ý định áp thuế quan lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Như vậy, một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Nhật Bản đã đạt được trong một khoảng thời gian rất ngắn sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đạt được đồng thuận về thỏa thuận khung tại hội nghị G7 hồi tháng 8/2019.

Theo thỏa thuận khung trước đó, Tokyo nhất trí giảm thuế cho các mặt hàng nông sản của Mỹ, như thịt bò và thịt lợn, xuống bằng mức thuế quy định trong hiệp định thương mại tự do Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong khi Washington dỡ bỏ thuế đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Gần như đồng thời với thỏa thuận Nhật Bản, Mỹ đang muốn đạt thỏa thuận thương mại giới hạn với Ấn Độ mà nhiều khả năng cũng được ký kết ngay cuối tháng 9. Hôm 22/9, ông Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tay trong tay xuất hiện ấn tượng tại một sự kiện tại Houston, bang Texas (Mỹ).

Theo Reuters, thỏa thuận có nội dung liên quan tới việc giảm bớt một số loại thuế với sản phẩm của Mỹ và khôi phục ưu đãi thương mại của Washington với hàng hóa xuất khẩu của New Delhi sau thời gian dài ông Trump than phiền về mức thuế cao “không thể chấp nhận được” của Ấn Độ.

Ông Donald Trump và Modi thân thiện tại Houston (ảnh Reuters).

Ông Donald Trump và Modi thân thiện tại Houston (ảnh Reuters).

Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 45 của Nhóm các quốc gia phát triển (G7) hồi cuối tháng 8, ông Trump cho hay sẽ mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới dự hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của G7 vào năm sau, khi Mỹ làm chủ nhà.

Tuyên bố của ông Trump đưa ra không lâu sau khi tổng thống Mỹ cho rằng "sẽ hợp lý hơn rất nhiều nếu có Nga trong G8", đồng thời ủng hộ việc đưa Moscow trở lại nhóm này sau khi G8 loại Nga và trở thành G7 năm 2014 sau sự việc sáp nhập đảo Crimea. Phía Nga hồi đáp sẽ cân nhắc sau khi nhận được đề xuất chính thức từ phía Mỹ.

Trung Quốc ở thế khó, cuộc chiến căng thẳng

Gần đây, Trung Quốc rơi vào thế khó chưa từng trong hơn 2 thập kỷ qua. Nền kinh tế trong nước chịu áp lực suy giảm tăng trưởng nặng nề, năng suất lao động sụt giảm kéo dài khiến Bắc Kinh đối mặt với nhiều hệ lụy kinh tế và xã hội.

Áp lực lớn hơn bao giờ hết khi Washington đang thắt chặt liên minh với các nước khác trên thế giới. Ông Trump tìm đường cho hàng hóa nông sản tới nhiều thị trường lớn, thay thế Trung Quốc như Nhật Bản và Ấn Độ.

Ông Donald Trump và tổng thống Nga Putin tại Helsinki.

Ông Donald Trump và tổng thống Nga Putin tại Helsinki.

Tới thời điểm này, vẫn chưa có gì chính thức, chưa có một thỏa thuận nào được công bố. Song, diễn biến tích cực dồn dập trong khoảng 1 tháng qua cho thấy nhiều khả năng Nhà Trắng dưới thời ông Trump sẽ có những bước tiến trong quan hệ kinh tế với 2 nước lớn trên, nhất là thị trường tỷ dân Ấn Độ còn khá rộng cửa cho hàng hóa cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ dường như tươi sáng hơn bao giờ hết với hình ảnh 2 nhà lãnh đạo cùng đứng trên sân khấu, trong một sự kiện hơn 50 ngàn người Mỹ gốc Ấn tham dự vào cuối tuần qua. Đây cũng là sự kiện lớn nhất từng được tổ chức ở Mỹ dành cho một nhà lãnh đạo nước ngoài.

Thủ tướng Ấn Độ đã kêu gọi cử tri Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử vào năm 2020.

Trong khi ông Trump cho biết Ấn Độ có một "người bạn thực sự" ở Nhà Trắng, thì ông Modi cũng đánh giá cao vai trò của ông Trump trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Mỹ và đưa mối quan hệ Mỹ-Ấn lên một tầm cao mới.

Ông Tập Cận Bình và ông Putin

Ông Tập Cận Bình và ông Putin

Những tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Ấn Độ và đặc biệt nếu một thỏa thuận được ký kết, dòng vốn từ các công ty Mỹ đổ vào đất nước 1,3 tỷ dân sẽ rất lớn.

Gần đây, ông vua bán lẻ trực tuyến của nước Mỹ Amazon cũng đầu tư vào Ấn Độ và coi đây là thị trường trọng điểm trong cuộc đua với các ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc. Amazon của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos hồi đầu tháng 9 đã mở tòa nhà văn phòng lớn nhất của mình tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ.

Trong một tuyên bố gần đây, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar thậm chí còn cho rằng, cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc có thể không phải là một điều tồi tệ, nếu nó dẫn đến việc tiếp cận thị trường công bằng hơn trên toàn thế giới.

Ông Jaishankar cũng lưu ý rằng, Ấn Độ có xích mích với Trung Quốc do liên quan đến việc tiếp cận thị trường, với thâm hụt thương mại rất lớn chiếm 50% thâm hụt thương mại của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ và Ấn Độ cũng đang ấm lên ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó có lĩnh vực an ninh. Tháng 4 vừa qua, Washington đã phê duyệt việc bán hàng chục máy bay trực thăng đa nhiệm cho Ấn Độ với giá ước tính nhiều tỷ USD. Mỹ đồng thời gọi Ấn Độ là một đối tác phòng thủ lớn.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng đẩy mạnh quan hệ với nhiều nước, bao gồm Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và các nước ở khu vực Mỹ Latin... Tuy nhiên, mối quan hệ với các nước này được cho là không thực sự bền vững, kể cả với Nga, bởi những mâu thuẫn ở vùng viễn Đông Nga, vùng Trung Á và Bắc Cực.

Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tới vùng viễn Đông vốn đã để mất vào tay đế chế Nga trong thế kỷ 19, khi triều đình Thanh suy yếu và Nga hùng mạnh và cũng đang gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á với sáng kiến "Vành đai, Con đường".

H. Tú

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/donald-trump-ngua-bai-trung-quoc-roi-vao-tinh-the-kho-chua-tung-co-571494.html