Đông ấm cho học sinh vùng cao
Miền Bắc bắt đầu đón đợt không khí lạnh đầu mùa, nhiệt độ giảm sâu và lạnh hơn. Khi vực vùng cao, chênh lệch nhiệt độ khá lớn nên công tác chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh thời điểm chớm lạnh được thầy và trò huyện Tủa Chùa đồng loạt triển khai, đảm bảo việc dạy và học.
Tủa Chùa là huyện có độ cao hơn 1.400m so với mặt nước biển, địa hình chủ yếu là các dãy đá tai mèo đan xen nên nhiệt độ luôn thấp hơn từ 3 - 4 độ C so với nhiệt độ trung bình của tỉnh. Thời điểm hiện tại, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa quản lý 704 nhóm, lớp với tổng số 19.777 học sinh. Việc chủ động tăng cường biện pháp giữ ấm cho học sinh, ứng phó với không khí lạnh, rét tại các điểm trường được thầy cô đồng loạt triển khai với nhiều cách thức khác nhau, phù hợp tình hình thực tế.
Ông Đặng Quang Diễn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Thời tiết những năm gần đây biến đổi thất thường, huyện Tủa Chùa có khí hậu đặc thù nên ngay từ đầu năm học, các điểm trường đồng loạt khởi động phương án, kế hoạch đảm bảo đủ ấm, bảo vệ sức khỏe học sinh. Việc triển khai linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng điểm trường; tổ chức tuyên truyền tới đông đảo phụ huynh chủ động giữ ấm cho con em. Các trường rà soát học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ.
Trung Thu, Sín Chải là các xã có tiểu vùng khí hậu lạnh hơn khu vực khác nên mùa đông thường đến sớm. Theo ghi nhận từ đầu tháng 11 nhiệt độ sáng sớm, chiều muộn và buổi tối ở khu vực này bắt đầu rét lạnh, nhiệt độ thấp nhất trong ngày dao động 11 - 14 độ C. Chính vì vậy từ giữa tháng 10, các thầy cô bổ sung chăn ấm, kết nối các nguồn xã hội hóa, chủ động phòng tránh rét cho học sinh.
Thầy giáo Quàng Văn Tin, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Trung Thu chia sẻ: Toàn trường có 19 lớp với 488 học sinh. Trong đó học sinh bán trú chiếm đa số với 340 học sinh. Từ đầu tháng 10, khi mới chớm lạnh, nhà trường thông báo phụ huynh học sinh mang chăn ấm cho các em. Việc rà soát các em có hoàn cảnh khó khăn để có hướng hỗ trợ được triển khai kịp thời. Trong đó chủ yếu là kết nối các đoàn thiện nguyện, thầy cô giáo trong nhà trường đóng góp hoặc thỏa thuận với phụ huynh học sinh trích tiền chi phí học tập để mua chăn ấm… Qua đó đảm bảo 100% học sinh bán trú có chăn ấm, đảm bảo sức khỏe để rèn luyện, học tập.
Trường PTDT bán trú THCS Trung Thu chủ động triển khai hoạt động phòng tránh rét cho học sinh. Thầy giáo Trần Ngọc Biên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài việc bổ sung chăn ấm, vào các ngày nắng thầy cô cùng học sinh dọn dẹp, phơi chăn để đảm bảo vệ sinh. Trường có hơn 80% học sinh bán trú, tại các giờ ăn nhân viên nhà bếp luôn cố gắng chia cơm sát giờ để khẩu phần ăn được nóng ấm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ chất dinh dưỡng cho các em. Nước uống đều được đun ấm, cho thêm chút gừng để duy trì thân nhiệt, gia tăng sức đề kháng của học sinh những ngày lạnh, giảm tỷ lệ học sinh ốm, cảm cúm khi các đợt không khí lạnh tràn về.
Tại điểm Trường Mầm non Trung Thu, các hoạt động chủ động phòng chống rét cho trẻ mầm non được tiến hành đồng bộ. Cô giáo Lương Thị Vỹ, Hiệu trưởng trường Mầm non Trung Thu cho biết: Trường có tổng 17 lớp với gần 400 học sinh. Từ đầu tháng 11, tại các điểm trường, cô giáo lắp thảm xốp, tăng chăn ấm cho các cháu. Việc tuyên truyền, họp phụ huynh được triển khai nhằm phối hợp, chủ động phòng tránh rét.
Trong tháng 10, tại 3 trường thuộc xã Trung Thu, các thầy cô đã kết nối các đoàn thiện nguyện tài trợ đồ dùng chủ yếu là áo ấm, giày dép, ga trải giường… Sự chung tay san sẻ giữa thầy cô với học sinh hoàn cảnh khó khăn, để các em có mùa đông ấm áp, yên tâm học tập.