Đông Anh hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả

Xác định việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, trong những năm qua, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã tập trung các giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình, phủ rộng khắp tại các xã, thị trấn trên địa bàn.

Sản phẩm gỗ Vân Hà dưới bàn tay của nghệ nhân.

Sản phẩm gỗ Vân Hà dưới bàn tay của nghệ nhân.

Nhắc đến huyện Đông Anh (Hà Nội), không thể không nhắc đến những sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP nức tiếng gần xa, đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ như gạo nếp cái hoa vàng Đông Anh; gỗ mỹ nghệ Vân Hà; quất cảnh Tàm Xá; bún Mạch Tràng; tương Việt Hùng; rượu Liên Hà; đậu Chài Võng La...

Chỉ trong sáu năm qua, huyện Đông Anh đã chi hơn 11 tỷ đồng từ ngân sách huyện nhằm hỗ trợ giúp các các tổ chức kinh tế, chủ thể phát triển sản phẩm OCOP mới, nâng cấp sản phẩm đã có, hoàn thiện quy trình từ sản xuất đến phân phối, kể cả tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm.

Ngân sách huyện cũng hỗ trợ các chủ thể OCOP đăng ký bảo hộ, quản lý hoạt động liên quan truy xuất nguồn gốc, giúp minh bạch thông tin sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng về quy trình sản xuất, ngày thu hoạch và hạn sử dụng...

Từ năm 2018, huyện Đông Anh đã xây dựng và vận hành Hệ thống truy xuất nguồn gốc và kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ://da.check.net.vn với sự tham gia của gần 70 cơ sở sản xuất, Hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình với gần 585 sản phẩm được truy xuất nguồn gốc để quản trị quá trình sản xuất, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và kết nối cung cầu thị trường.

Nhờ đó, nhiều hộ sản xuất và Hợp tác xã chưa tự xây dựng được trang thông tin điện tử, website có thể bớt được một phần chi phí.

100% sản phẩm OCOP của huyện Đông Anh đã được ứng dụng mã QR và Hệ thống truy xuất nguồn gốc tại các địa chỉ://da.check.net.vn, www.hn.check.vn và www.check.gov.vn. Thông qua mã QR, người tiêu dùng hoàn toàn có thể truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc sản phẩm, yên tâm về chất lượng.

Với định hướng phát triển thương mại điện tử, huyện đã tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức sản xuất kinh doanh đăng ký và tạo tài khoản trên hai sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (sàn Postmart.vn) và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (sàn Voso.vn).

Hiện đã có hơn 70% sản phẩm OCOP của huyện đã được đưa lên hai sàn này với hàng nghìn giao dịch đã được thực hiện. Các chủ thể OCOP cũng đã thiết lập nhiều kênh bán hàng qua các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo, Shopee, Lazada, Tiki… Từ đó, quảng bá, mở rộng thị trường sản phẩm tới đông đảo người dân trong cả nước.

Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng (xã Vân Hà) Đỗ Văn Cường cho biết, tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Vân Hà có 31 sản phẩm gỗ mỹ nghệ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Từ một xã thuần nông, có nghề làm gỗ truyền thống, người dân Vân Hà đã “biến” thành thế mạnh để phát triển kinh tế. Các mặt hàng được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

Món ăn truyền thống đậu phụ làng Chài Võng La.

Món ăn truyền thống đậu phụ làng Chài Võng La.

Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Đông Anh, thu hút 58 chủ thể với 186 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Huyện đang phấn đấu đến hết năm 2025, toàn bộ 24 xã, thị trấn trên địa bàn đều sẽ có sản phẩm OCOP.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng đánh giá, Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Đông Anh đã tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương.

Ước tính, tỷ lệ chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP là 46%, doanh thu bán hàng tăng bình quân là 29,7%; tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 50,43%, mức tăng giá bình quân là 17,5%.

Tuy nhiên, hiện các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện quy mô còn nhỏ, vốn ít. Việc mua sắm trang thiết bị áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến còn hạn chế. Nhận thức của một số cơ sở về sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ hoặc tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản còn chậm....

Do đó, huyện Đông Anh kiến nghị thành phố sớm xây dựng, ban hành tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu đối với các sản phẩm OCOP cho các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể OCOP. Đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn về sở hữu trí tuệ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các chủ thể OCOP tại địa phương...

GIA MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-anh-ho-tro-phat-trien-san-pham-ocop-hieu-qua-post826323.html