Đồng bằng châu thổ: Hết chạy lở, đến… chạy ngập

Thời gian qua, dù nhiều tỉnh, thành đã đầu tư nhiều công trình chống ngập với quy mô lớn, thế nhưng nhiều tuyến đường trung tâm vẫn rơi vào cảnh ngập sâu. Trước thực trạng này, mới đây, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Văn Lâu đã công bố mức thưởng 50 triệu đồng cho bất kỳ sáng kiến nào có khả năng giúp thành phố giảm ngập một cách hiệu quả.

NGẬP GÂY BỨC XÚC, TẠO ẤN TƯỢNG XẤU

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, năm 2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo tiếp tục có mùa lũ nhỏ, tuy nhiên triều cường sẽ ở mức cao và kéo dài suốt mùa lũ, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt khi kết hợp với mưa lớn trong nội đồng. Tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về khu vực trong các tháng 7 - 9 dự kiến cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 – 15%. Mực nước đầu nguồn có xu hướng tăng dần theo triều, đạt đỉnh vào tháng 10 ở mức xấp xỉ báo động 1 (BĐ1). Một số trạm hạ lưu và ven biển có thể ghi nhận mực nước đạt hoặc vượt báo động 3 (BĐ3), nhất là trong kỳ triều cường đầu tháng 11.

Thống kê từ Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai khu vực Nam Bộ những năm vừa qua cho thấy hơn 50% diện tích nội đô TP.Cần Thơ bị ngập ít nhất 3 lần trong mùa mưa. Các khu vực ngập nặng kéo dài 6 – 12 giờ, tập trung tại các phường: Ninh Kiều, Cái Khế, Tân An, An Bình và các trục giao thông chính như: 30/4, CMT8, Trần Hưng Đạo, bến Ninh Kiều. Tình trạng ngập diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các trục đường chính và khu dân cư đông đúc.

Một tuyến đường trên địa bàn TP.Cần Thơ ngập sau cơn mưa.

Một tuyến đường trên địa bàn TP.Cần Thơ ngập sau cơn mưa.

Trước thực trạng trên, chiều 4/7, ông Trần Văn Lâu (Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ) làm việc với các sở, ngành, địa phương về tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố. “Tình trạng ngập nước gây bức xúc trong nhân dân và tạo ấn tượng xấu với du khách. Nước cống tràn lên đường, bốc mùi hôi, người dân đi lại khổ sở, nguy cơ dịch bệnh rình rập. Chứng kiến cảnh học sinh lội nước đến trường, tôi rất đau lòng”, Chủ tịch Trần Văn Lâu nói.

Báo cáo Chủ tịch TP.Cần Thơ, đại diện Sở Xây dựng điểm lại cơn mưa gần đây nhất kéo dài từ 16 giờ 50 đến 22 giờ ngày 27/5, lượng mưa đo được tại P. Ninh Kiều gần 67mm, gây ngập 20 tuyến đường và khu dân cư. Mực nước ngập trung bình 10 - 30cm, thời gian ngập kéo dài 2 – 4 giờ.

Không chỉ đô thị “vùng ngọt” mà tình trạng ngập úng tại các đô thị ven biển khu vực ĐBSCL tiếp tục diễn biến phức tạp trong mùa mưa - triều cường thời gian qua. Tại tỉnh Cà Mau, đỉnh triều cường ghi nhận tại Gành Hào có thời điểm đã đạt mức 2,65 m, vượt BĐ3 tới 0,41m. Khi triều lên trùng thời điểm với các đợt mưa trái mùa, nhiều khu vực thấp trũng như phường Nhà Mát, tuyến quốc lộ 1A bị ngập sâu, nước rút chậm, giao thông tê liệt cục bộ.

Tại tỉnh Cà Mau (cũ), lượng mưa ghi nhận trong mùa mưa 2024 được đánh giá là cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Nhiều tuyến đường nội thành của TP.Cà Mau (cũ) bị ngập nặng, kéo dài nhiều giờ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và sinh hoạt dân cư.

CÔNG TRÌNH CHỐNG NGẬP CHƯA PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Trong nhiều năm qua, các tỉnh thành vùng ĐBSCL liên tục đầu tư cho hàng loạt dự án chống ngập, từ hệ thống cống thoát nước, trạm bơm, đê bao, cho tới các công trình kiểm soát triều cường. Riêng tại Cần Thơ, đô thị trung tâm của khu vực các chương trình cải tạo hạ tầng thoát nước đã tiêu tốn khoản tiền rất lớn. Tuy nhiên, mỗi mùa mưa đến, tình trạng ngập vẫn tái diễn tại hàng chục tuyến đường trung tâm. Điều này đặt ra một câu hỏi: “Phải chăng bài toán không nằm ở chỗ thiếu công trình mà là thiếu sự kết nối và đồng bộ trong cách vận hành, quy hoạch và kiểm soát”?.

Cánh đồng đầu nguồn bị ngập lũ.

Cánh đồng đầu nguồn bị ngập lũ.

Theo đó, để ứng phó với tình trạng trên, thành phố đang triển khai dự án “Phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị” bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Trong đó, cải tạo hệ thống thoát nước 32 tuyến đường, xây kè sông Cần Thơ, kè rạch Cái Sơn - Mương Khai, xây các cống ngăn triều, cải tạo 17 tuyến kênh rạch nội ô…

Ông Nguyễn Ngọc Ánh (Phó chủ tịch UBND phường Ninh Kiều) cho biết, thời gian qua, thành phố đầu tư nhiều công trình chống ngập, đặc biệt ở khu vực trung tâm, nhưng ngập vẫn xảy ra thường xuyên, không chỉ trong mùa lũ mà cả khi mưa lớn. Theo ông Ánh, các dự án đê bao, cống ngăn triều phát huy hiệu quả nhất định, nhưng quá trình đô thị hóa kéo dài khiến hệ thống thoát nước, nhất là thoát nước thải và nước mưa bề mặt, không đồng bộ. Nhiều tuyến đường hoàn thành nhưng không đấu nối được với các dự án khác. Một số khu dân cư đã có dân vào ở nhưng vẫn chưa kết nối hệ thống thoát nước chung. “Mưa lớn khoảng 30 phút là nước ngập các tuyến đường do cống nhỏ, không đủ công suất”, ông Ánh nói.

Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, có 3 nguyên nhân chính gây ngập: Triều cường, mưa lớn kéo dài và sự kết hợp của cả hai. Thành phố đã có các công trình ứng phó triều cường, nhưng với mưa lớn vẫn thiếu giải pháp căn cơ. Nguyên nhân tìm ra rồi nhưng khắc phục còn bế tắc. Bên cạnh đó, các bất cập nội tại cũng rất nghiêm trọng như cống thoát nước nhỏ, xuống cấp, bị bùn rác bít kín; xây dựng thiếu đồng bộ, cao độ đường chênh lệch; lấn chiếm hành lang thoát nước, xây dựng trái phép cản trở dòng chảy.

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Văn Lâu.

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Văn Lâu.

Còn tại tỉnh Cà Mau, dù cũng đã đầu tư nhiều vào đê biển, cống thoát nước, nạo vét kênh rạch… nhưng các khu vực nội ô vẫn rơi vào cảnh ngập sâu khi thủy triều dâng hoặc mưa lớn bất thường.

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP?

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSC), mực nước đo được trên sông Hậu tại Cần Thơ trong những đợt ngập là tổng của 3 loại nước. Đó là nước thủy triều từ biển Đông vào, nước từ sông Mê Kông chảy xuống đóng góp vào và cộng thêm mưa nội vùng đổ trực tiếp xuống làm tăng mực nước. Khi Thủy triều từ biển đẩy vào theo các cửa sông Cửu Long còn nước lũ sông Mê Kông từ trên dồn xuống. Hai lượng nước này gặp nhau ở vùng giữa đồng bằng làm dâng nước lên ở vùng từ Quốc lộ 1 ra biển và làm ngập các đô thị ở đây. Như vậy các đô thị không phải ngập cố định mà chỉ ngập 3 - 4 đợt mỗi năm, mỗi đợt 3 - 4 ngày; mỗi ngày 2 lần theo các giờ nước lớn trong ngày. Việc ngập các đô thị ngày càng trầm trọng hơn là vì mấy lý do.

Thứ nhất là không có không gian cho nước lan tỏa. Nước sông Mê Kông từ trên thượng nguồn đổ về thì ngày xưa chúng ta có hai cánh đồng trũng rất lớn là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, mỗi bên hấp thu được 9 - 10 tỷ mét khối nước tạm lưu giữ trong đó. Nhưng bây giờ, nước lũ không còn tràn đồng vào hai vùng này được nữa vì gặp đê bao khép kín làm lúa 3 vụ trong đó. Nước không vào trong đồng được nên ở trong sông và tràn xuống vùng dưới.

Còn thủy triều từ biển vào theo các cửa sông Cửu Long cũng không lan tỏa đi đâu được vì sông nào cũng có đê hai bên ven sông và vào các sông nhánh cũng vậy. Ruộng vườn ở vùng giữa cũng đê bao khép kín khắp nơi. Do đó thủy triều chỉ chảy trong sông và đụng với nước lũ sông Mê Kông từ trên dội xuống, gây ngập các đô thị. Có một nghịch lý là trong khi các đô thị như Cần Thơ bị ngập nặng thì chỉ cần ra khỏi nội ô thành phố ra ngoại ô vài km thì sẽ không thấy ngập.

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2011, khả năng trữ lũ của vùng Tứ giác Long Xuyên đã bị giảm đến khoảng 4,7 tỷ m3 do việc xây dựng đê bao khép kín ở vùng này với diện tích hơn 1.000km2. Trong mùa lũ, bên trong các ô đê bao này không có nước, trong khi bên ngoài nước ngập 3 - 4m. Các ô đê bao này chiếm không gian rất lớn. Nước không vào được thì phải tìm nơi khác, gây tăng ngập những vùng bên ngoài đê bao và các làng mạc, thành phố phía bên dưới, và thoát ra biển nhanh hơn.

Thứ hai là nước biển dâng, dù tốc độ chậm chỉ khoảng 3 - 4mm/năm nhưng tích lũy nhiều năm cũng rất đáng kể. Thứ ba là ĐBSCL đang sụt lún nhanh gấp 3 - 4 lần nước biển dâng.

Về giải pháp ứng phó, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, giải pháp thì có giải pháp ngắn hạn để ứng phó và giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Đối với giải pháp ngắn hạn thì có 2 chuyện có thể xem xét: một là nâng cấp những đoạn đường xung yếu mà nếu ngập thì ảnh hưởng lớn đến người dân thành phố, nhưng việc này có mặt trái vấn đề. Nâng cấp đường thì ngập nhà, nâng cấp nền nhà thì ngập đường. Đây là cuộc đua không có đích đến và tất cả đều thua. Do đó, chỉ nên nâng cấp đường ở những nơi thật sự xung yếu. Giải pháp nữa là có thể nghĩ đến việc làm đê bao xung quanh khu vực thành phố phục vụ cho những lúc triều cường, nhưng nó cũng có mặt trái của nó là đê bao dễ gây tù đọng, ô nhiễm môi trường bên trong thành phố và gây gia tăng ngập cho vùng bên ngoài đê. Đó là giải pháp để cứu thành phố theo phương pháp ngắn hạn.

Còn về dài hạn, cần có hai chuyện cần làm trên bình diện đồng bằng. Thứ nhất là phải giảm tốc độ sụt lún bằng cách giảm sử dụng nước ngầm. Muốn giảm sử dụng nước ngầm thì phải có nguồn nước khác thay thế. Vì vậy chúng ta phải phục hồi sông ngòi cho sạch để có thể sử dụng được như cách đây 30 năm về trước. Muốn phục hồi sông ngòi thì phải kiểm soát ô nhiễm và giảm bớt công trình cản trở dòng chảy. Như vậy chìa khóa vấn đề lại nằm ở ngành nông nghiệp. Chúng ra cần phải cải cách nền nông nghiệp theo chiều hướng giảm thâm canh (lúa ba vụ), giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học…như vậy sông ngòi sẽ thông thoáng và sạch hơn.

Chuyện thứ hai là phải tái tạo không gian cho nước lan tỏa thì mới bớt ngập đô thị được. Cụ thể ở hai cánh đồng trũng đầu nguồn là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cần phải giảm bớt vụ lúa vụ 3 (thu đông) trong mùa lũ để hai cánh đồng này có thể hấp thu nước lũ, kèm theo là phù sa bồi bổ cho đất đai và tôm cá trong nước sông Mê Kông. “Rất may hai chuyện này đều đã có định hướng trong Nghị quyết 120 của Chính phủ, Nghị quyết 13 của Bộ Chính Trị, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL. Việc thực hiện các chính sách này sẽ cần nhiều thời gian nhưng chúng ta có quyền hy vọng rằng vấn đề sẽ được giải quyết”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Nguyễn Nhân – Trọng Nguyễn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/dong-bang-chau-tho-het-chay-lo-den-chay-ngap_180165.html