Đóng băng lại Bắc Cực: Kế hoạch táo bạo của các nhà khoa học nhằm cứu Trái Đất khỏi biến đổi khí hậu

Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Cambridge đang theo đuổi một ý tưởng nghe như viễn tưởng: đóng băng lại Bắc Cực để làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu.

Dự án đầy tham vọng này vừa nhận được nguồn tài trợ từ Cơ quan Nghiên cứu và Phát minh Tiên tiến của Chính phủ Anh (Aria) – một trong 21 kế hoạch địa kỹ thuật đang được đầu tư với tổng ngân sách 57 triệu bảng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ý tưởng chủ đạo của nhóm nghiên cứu là làm dày thêm lớp băng biển ở Bắc Cực, nơi đang tan chảy với tốc độ đáng báo động. Nhiều nhà khoa học dự đoán khu vực này có thể sẽ hoàn toàn không còn băng vào mùa hè trong thập kỷ 2030, kể cả khi nhân loại cắt giảm khí thải nghiêm túc ngay bây giờ.

Bằng cách bơm nước biển trực tiếp lên bề mặt băng, đóng băng và làm dày băng từ phía trên giúp Bắc Cực có thêm nhiều băng hơn.

Bằng cách bơm nước biển trực tiếp lên bề mặt băng, đóng băng và làm dày băng từ phía trên giúp Bắc Cực có thêm nhiều băng hơn.

Để ngăn chặn viễn cảnh đó, các chuyên gia tại Trung tâm Sửa chữa Khí hậu của Đại học Cambridge đề xuất hai phương pháp làm dày băng nhân tạo:

Khi không có tuyết: Bơm nước biển lên bề mặt lớp băng hiện có vào mùa đông, để nước đóng băng trực tiếp dưới không khí lạnh, giúp băng dày lên từ phía trên.

Khi có tuyết phủ: Bơm nước biển vào các khoảng trống không khí trong tuyết, biến tuyết thành băng rắn, từ đó thúc đẩy quá trình đóng băng tự nhiên từ bên dưới.

Cả hai phương pháp đều hướng tới một mục tiêu chung: giữ cho lớp băng tồn tại lâu hơn trong mùa hè, qua đó phản xạ lại nhiều bức xạ Mặt Trời hơn và làm chậm quá trình Trái Đất hấp thụ nhiệt.

Các thử nghiệm thực địa đầu tiên sẽ được triển khai tại Canada trong năm nay, hợp tác với tổ chức Real Ice – đơn vị cam kết “bảo tồn và phục hồi băng biển Bắc Cực”.

Theo Real Ice, một thí nghiệm thí điểm vào năm ngoái cho kết quả đầy hứa hẹn: một lỗ khoan thử nghiệm đã giúp lớp băng dày thêm 50 cm so với khu vực không can thiệp. Đặc biệt, phương pháp này còn kích thích quá trình đóng băng tự nhiên thêm 25 cm ở mặt dưới lớp băng.

Ý tưởng làm dày băng lần đầu tiên được giáo sư Steven Desch và các đồng nghiệp tại Đại học Bang Arizona đề xuất vào năm 2016. Họ ước tính rằng chỉ cần áp dụng kỹ thuật này trên 10% diện tích Bắc Cực là đã đủ để đảo ngược phần lớn lượng băng đã mất trong những năm gần đây.

Dù được đánh giá là táo bạo và tiềm năng, dự án cũng gây tranh cãi trong giới khoa học. Một số chuyên gia cảnh báo rằng các giải pháp địa kỹ thuật có thể gây ra những tác động không mong muốn đến hệ sinh thái và thời tiết toàn cầu nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, Andrea Ceccolini từ Real Ice tin rằng mọi nỗ lực đều xứng đáng: “Mỗi tuần mà chúng ta kéo dài được sự tồn tại của băng vào mùa hè là thêm một tuần Trái Đất phản xạ bức xạ Mặt Trời trở lại không gian – thay vì hấp thụ nó. Đó là một cơ hội không nên bỏ qua.”

Như Ý (Live Science)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/dong-bang-lai-bac-cuc-ke-hoach-tao-bao-cua-cac-nha-khoa-hoc-nham-cuu-trai-dat-khoi-bien-doi-khi-hau/20250510100225643