Đồng bằng sông Cửu Long giá tôm 'chạm đáy', người nuôi 'treo ao'
Được kỳ vọng trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững với kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD, nhưng hiện nay, ngành tôm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Người nuôi tôm ở các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lao đao trước cơn trượt giá tôm chưa từng có trong vòng 10 năm qua. Nhiều người đã phải 'treo ao' khi hết tiền đầu tư tiếp.
Giá tôm “chạm đáy”, người nuôi “treo ao”
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL giảm mạnh, gần như “chạm đáy”. Người nuôi tôm “đứng ngồi không yên”, giá tôm hiện đang giảm thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Nhiều hộ đã tính tới chuyện “treo ao” vì khó có thể tiếp tục “gồng gánh”.
Theo bà Trần Thu Ba, chủ vựa thu mua tôm ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng): Giá tôm sú giảm mạnh từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, tùy kích cỡ so với cách đây hơn 1 tháng. Cụ thể, tôm sú loại 20 - 30 con/kg, thương lái mua với giá 220.000 đồng/kg (giảm khoảng 50.000 đồng/kg). Tôm sú 50 con/kg có giá khoảng 130.000 đồng/kg, hiện giảm còn 95.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 66.000 - 70.000 đồng/kg (giảm khoảng 20.000 đồng/kg).
Tôm thẻ loại 50 - 60 con/kg có giá 73.000 đồng (giảm 30.000 đồng/kg), tôm thẻ loại 70 80 con/kg giá 70.000 đồng/kg (giảm 25.000 đồng/kg). Tương tự, giá tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre... cũng đang ở mức thấp, giảm khoảng 40% so với đầu năm. Với mức giá này, người nuôi tôm may ra chỉ hòa vốn hoặc lãi rất thấp, riêng một số hộ chăm sóc không tốt còn bị lỗ vốn. Do lượng mua không nhiều, nên hiện nay, đa số người nuôi không tái đầu tư mà buộc phải “treo ao” hoặc nuôi với mật độ thấp, chờ đến khi giá bán cải thiện hơn.
Long Điền Đông từng được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi tôm công nghiệp, là xã nuôi tôm lớn nhất huyện Đông Hải và cũng là vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Bạc Liêu. Nếu như trước đây, không khó để bắt gặp cảnh nhộn nhịp trên những cánh đồng khi người nuôi vào vụ thu hoạch, thì ở thời điểm hiện tại, hoàn toàn ngược lại khi những ao nuôi bị bỏ hoang phế. Ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông có hơn 400 hộ nuôi tôm công nghiệp, nhưng hiện có khoảng 40% diện tích phải "treo ao", các hộ khác nếu còn cầm cự nổi thì cũng phải giảm số lượng ao nuôi.
Là người có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Huỳnh Thanh Bằng, ở ấp Cái Cùng chua chát nói: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn cho nghề như hiện nay. Mấy năm trước, một ao nuôi tôm có diện tích 2.500m2, người nuôi bỏ ra khoảng 100 triệu đồng tiền đầu tư, khi thu hoạch lãi khoảng 50 triệu đồng/ao. Còn bây giờ, chi phí đầu tư một ao với diện tích như trên mất khoảng 220 - 250 triệu đồng, nhưng giá tôm hiện tại, nếu ao nuôi đạt thì nông dân chỉ thu về khoảng 120 - 130 triệu đồng, tức là lỗ khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại, giá tôm xuống thấp hơn cả giá thành nên phải giảm từ 8 ao nuôi xuống còn 3 ao (nuôi giãn vụ). Nếu “treo ao”, các thiết bị máy móc đầu tư sẽ bị hư hỏng, khi đó thiệt hại còn lớn hơn”.
Nhìn nhận về giá tôm hiện nay, bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Năm 2023, tỉnh dự kiến thả nuôi tôm nước lợ khoảng 51.000ha, nhưng đến thời điểm này chỉ mới đạt gần 70% diện tích, vì giá tôm giảm khiến người nuôi e ngại đầu tư thả giống”. Ông Tăng Văn Xúa, ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), người nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao nhiều năm nay cho biết: “Hiện nay, chi phí sản xuất đội lên rất nhiều, giá điện, thức ăn, chi phí vận chuyển..., đầu vào sản xuất liên quan đến con tôm đều tăng. Song giá tôm lại quá thấp. Giá tôm phải tăng lên thì người nuôi mới mong có lãi chút ít hoặc hòa vốn. Với mức giá này, dù có nuôi đạt cũng lỗ nặng”.
Thực tế đáng buồn
Một thực tế đáng buồn, giá tôm nguyên liệu đột ngột sụt giảm mạnh trong mấy tháng qua, đã đẩy hàng chục nghìn hộ vùng ven biển ĐBSCL nuôi tôm rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần. Trong khi đó, chính quyền và ngành chức năng các tỉnh khu vực ĐBSCL đều biết thực trạng tình hình, nhưng không có biện pháp hiệu quả giúp người nuôi tôm, chưa có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu, khiến tư thương mua tôm mặc sức chèn ép giá.
Trong những tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) suy giảm khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm tốc. Để tìm cách ứng phó, một số doanh nghiệp chủ động chào hàng sản phẩm mới hướng xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm khác. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex - VN) nhận định: Khó khăn nhất ngành tôm hiện thời là giá bán thấp, trong khi giá thành nuôi tôm cao. Xuất khẩu tôm tiêu thụ thấp do kinh tế thế giới lạm phát, suy thoái và các nước Ecuador, Ấn Độ cạnh tranh cung nhiều tôm giá rẻ. Do vậy, đối sách của mỗi doanh nghiệp tùy theo hoàn cảnh mà có cách đối đầu khó khăn nêu trên, như tiết kiệm, giảm giá, nâng cao trình độ chế biến, nâng cao chất lượng, giới thiệu mặt hàng mới...
Còn ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu nói: “Nguyện vọng chính đáng và thiết tha của người nuôi tôm Bạc Liêu nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung là mong sao Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương có các giải pháp đồng bộ, góp phần giúp người nuôi tôm tháo gỡ khó khăn, nuôi tôm đem lại hiệu quả, làm giàu cho gia đình và phát triển bền vững nghề nuôi tôm thế mạnh kinh tế trong khu vực”.
Giải pháp cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu tôm
Giá tôm nguyên liệu giảm là xu hướng chung của thế giới, không riêng gì Việt Nam. Người nuôi tôm nên bình tĩnh, theo dõi tình hình và theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Trước tình hình này, ngành chức năng các tỉnh khu vực ĐBSCL đã khuyến cáo người nuôi thả nuôi mật độ thưa hơn dự kiến để giảm thiểu rủi ro, thu hoạch tôm cỡ lớn hơn. Đây là giải pháp dung hòa, bởi nếu dừng việc thả nuôi thì chi phí cải tạo ao đã thực hiện bị lãng phí và duy trì sinh kế.
Theo ông Đỗ Ngọc Tài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): "Các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao, đồng thời, tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà các nước xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ chưa có thế mạnh để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp. Hiện, tôm có tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) đang có nhu cầu cao ở thị trường EU và có giá cao hơn hàng thường. Đây cũng là mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai trong những năm qua. Vì vậy, doanh nghiệp và người nuôi Việt Nam cần giữ vững tiêu chuẩn này”.
Tuy nhiên, để vượt qua được giai đoạn khó khăn khi giá tôm giảm sâu, cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống như giải pháp thả nuôi giảm giá thành (có khống chế sự tăng giá không rõ ràng về con tôm giống, thức ăn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn...). Và về lâu dài, bền vững là giải pháp xây dựng thương hiệu con tôm Việt Nam (truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, ao nuôi có chứng nhận đạt chuẩn nuôi...).