Đồng bằng sông Cửu Long kịp thời ứng phó với hạn, mặn
Dù không khốc liệt như những năm 2016-2017, song từ đầu tháng 1 đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đối mặt với hai đợt mặn xâm nhập sâu vào đất liền gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân.
Trước sự bủa vây của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, rút kinh nghiệm từ những đợt mặn trước, các địa phương trong vùng đang tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Từ sự chủ động của người dân
Trở lại huyện Long Phú (Sóc Trăng) trong thời điểm hạn, mặn diễn biến gay gắt, nhưng trái với cảnh tượng đất đai khô cằn, đồng lúa bạc màu của nhiều năm trước, hình ảnh trước mắt chúng tôi giờ đây là những liếp hoa màu xanh tốt. Đang chăm sóc 10 công đất trồng dưa leo của gia đình, anh Dương Thanh Sang, ấp Cái Xe, xã Tân Thạnh, cho biết: “Long Phú là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Mấy năm trước, người dân trồng lúa vụ 3 dẫn đến thiệt hại nặng nề. Rút kinh nghiệm, năm nay nghe địa phương khuyến cáo, gia đình tôi quyết định chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng màu. Làm ruộng thì tôi bơm nước đầy, còn dưa leo mình chỉ cần tưới nước mỗi ngày, một ngày tưới hai lần, đủ để nuôi sống cây dưa là được”.
Ở huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang), theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Các cống ngăn mặn trên địa bàn được đóng kín từ đầu tháng 2-2024. Song song đó, huyện còn vận hành các trạm bơm cấp nước ngọt sản xuất; lắp đặt thêm 7 điểm cấp nước ngọt công cộng tại các ấp thuộc xã Phú Tân, Phú Đông và Tân Thới. Rút kinh nghiệm từ thiệt hại của mùa hạn gay gắt các năm: 2015-2016, 2019-2020, những năm qua, ngoài thực hiện các giải pháp công trình từ xây dựng cống, trạm bơm, trạm cấp nước, hệ thống nước ngọt tập trung..., địa phương còn chủ động trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, vận động nhân dân đào, nạo vét mương vườn; tận dụng các trang thiết bị hiện có để tích trữ nước ngọt; sử dụng nước tiết kiệm, đúng cách và đúng mục đích.
Trên rẫy thanh long đang trổ bông, ông Trần Văn Vui, ấp Nguyệt Lãng B, xã Bình Phú, huyện Càng Long (Trà Vinh) tiến hành tưới giữ ẩm, tiết kiệm nước. Ông Vui cho biết: “Nhờ chủ động nạo vét kênh dẫn nước, mương nội đồng nên mấy năm qua, việc giữ ngọt phục vụ sản xuất ít bị ảnh hưởng. Năm nay, nghe cảnh báo về tình hình xâm mặn, trong khi đất sản xuất chỉ cách sông Cổ Chiên hơn 10km cũng thấy lo. Mấy ngày qua, tận dụng nguồn nước ở các kênh nội đồng còn cao, các cống ngăn mặn đã đóng nên còn tự tin dùng nước tưới và áp dụng phương pháp giữ ẩm cho đất”.
Nằm sâu trong nội đồng ở ấp Kinh B, xã Huyền Hội, huyện Càng Long (Trà Vinh) nhưng bà Trần Thị Út cũng cảm thấy chưa an tâm khi liên tục nghe những cảnh báo xâm mặn từ hệ thống loa truyền thanh. Bà Út cho biết: “Năm nay thì khu vực đất sản xuất nhà tôi không bị mặn nhờ hệ thống cống đã khép. Thời điểm này so với 3 năm trước thì đứng ngồi không yên”.
Theo dự báo của ngành chức năng, diễn biến xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài trong mùa khô 2024 vẫn còn diễn ra khốc liệt cho đến cuối tháng 3, đầu tháng 4-2024, vì thế, cùng với chuyển đổi cây trồng để tránh hạn, mặn, nhiều nông dân cũng chủ động hơn trong việc đào ao trữ nước phục vụ tưới tiêu. Bà Nguyễn Hồng Thương, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết: “Từ trước Tết Nguyên đán 2024, xã đã tổ chức tuyên truyền để người dân tích trữ nước ngọt, che phủ cỏ để giữ ẩm gốc cây, tưới tiết kiệm nước. Ngoài ra, còn tổ chức sửa chữa các tuyến đê, các nắp cống bị hư hỏng để khi có thông báo hạn mặn xảy ra thì đóng các cống, đê lại để khép kín. Hiện nay, người dân trong xã đã áp dụng giải pháp xử lý cây sầu riêng nghịch vụ nên sẽ né được các tháng hạn mặn sắp tới”.
Đến sự chung tay của ngành chức năng
Là một trong những địa phương ven biển ở ĐBSCL, tỉnh Trà Vinh nằm giữa hai con sông lớn là Cổ Chiên và sông Hậu. Đặc điểm địa hình này khiến tỉnh chịu tác động của triều biển Đông và dòng chảy từ thượng nguồn đổ về sông Mê Công. Trà Vinh luôn nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là vào thời điểm mùa khô, mặn xuất hiện từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Ranh mặn 4‰ trên các sông chính thường xuất hiện cách cửa sông 50-60km đúng vào mùa khô.
Nhận định nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng đầu năm 2024 có thể tương đương mùa khô các năm: 2015-2016 và 2019-2020, UBND tỉnh Trà Vinh đã đưa ra hai kịch bản ứng phó khi có tình huống xảy ra. Thứ nhất, khi cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰ xâm nhập vào sâu 25-50km tính từ cửa sông và phương án 2 khi cửa hai con sông chính bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰ xâm nhập vào sâu hơn 50km tính từ cửa sông. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã tập trung thực hiện các công trình thủy lợi theo hướng đa chức năng, vừa bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước cho diện tích nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, vừa cung cấp nước cho sinh hoạt của người dân; đồng thời nâng cao năng lực quản lý để khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh, phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm...
Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các công trình chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp trong năm 2024. Cụ thể có 34 cống điều tiết thủy lợi nội đồng và nạo vét 17 kênh trục, kênh thủy lợi cấp II, I. Đối với các công trình thủy lợi nội đồng trực tiếp địa phương quản lý, ngành nông nghiệp tiến hành nạo vét tổng số 384 công trình, tổng chiều dài hơn 315km và 12 công trình bờ bao.
Còn tại Cà Mau, theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hạn, xâm mặn ở Cà Mau mùa khô này đang ở thời điểm gay gắt và kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong đó, nổi cộm là vấn đề thiếu nước ngọt sinh hoạt, hiện có hơn 3.700 hộ dân thiếu nước ngọt và không chủ động được nguồn nước thay thế. Để ứng phó tình trạng này, tỉnh triển khai phương án thiết lập mới 46 điểm cấp nước tập trung cho người dân tại 10 xã ở các huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân, Thới Bình, Năm Căn và Cái Nước; đồng thời nâng cấp, mở rộng mạng cấp nước cho nhóm dân cư sinh sống gần công trình cấp nước nhưng chưa tiếp cận được. Phần còn lại với khu vực đặc biệt khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề xuất cấp nước tập trung theo tuyến, theo giờ để bảo đảm tốt nhất nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt.
Theo dự báo của ngành chức năng, ĐBSCL sẽ còn đối mặt với hai đợt hạn mặn lớn vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2024, nhưng khả năng sẽ thấp hơn cao điểm từ ngày 10 đến 13-3. Tuy nhiên, xâm nhập mặn năm nay cao hơn trung bình nhiều năm 5-15km. Bằng sự khéo léo khi kết hợp với thuận thiên và giải pháp công trình, phi công trình; sự chủ động và vào cuộc quyết liệt từ người dân đến chính quyền địa phương, hạn mặn giờ đã không còn là nỗi lo quá lớn với bà con trong vùng.
Bài và ảnh: PHÚ AN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.