Đồng bằng sông Cửu Long - Phát huy hiệu quả công trình thủy lợi ngăn mặn

Thời gian qua, nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với những đợt cao điểm về mặn xâm nhập trong mùa khô năm nay. Tuy vậy, tại tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, tình trạng mặn xâm nhập vẫn trong tầm kiểm soát bởi nhiều công trình thủy lợi đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn, trữ ngọt.

Về tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long những ngày này, không khó bắt gặp những vườn cây ăn trái xanh tốt của bà con nhân dân. Có được kết quả này là nhờ chính quyền các cấp và người dân đã chung tay cùng nhau triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng mặn xâm nhập ngay từ đầu mùa khô. Cùng với đó, hệ thống công trình thủy lợi Nam Măng Thít và một số cống đã phát huy hiệu quả trong việc điều tiết nguồn nước, ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ tốt cho hàng chục nghìn héc-ta đất nông nghiệp và nguồn nước ngọt phục vụ dân sinh.

Gia đình anh Trương Văn Nghiệp ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có hơn 4.000m2 vườn cây ăn trái. Trước đây mỗi khi bước vào mùa khô, vườn cây của anh thường xuyên bị nước mặn tràn vào gây thiệt hại lớn về kinh tế. Kể từ khi công trình cống ngăn mặn Tân Dinh được đưa vào sử dụng thì tình trạng ngập mặn hầu như không xảy ra, cây trồng phát triển tốt, cho thu hoạch giúp đời sống của gia đình anh ngày càng được cải thiện. Anh Nghiệp cho biết: “Vườn cây ăn trái trong lúc trổ hoa hoặc ra trái rất cần nước, nếu không cung cấp đủ thì cây sẽ héo hoặc giảm năng suất rất nhiều. Từ khi vận hành cống Tân Dinh để ngăn mặn, bà con ở đây rất yên tâm bởi có nguồn nước ngọt dự trữ để tưới cho cây trồng”.

Cống Hóc Pó (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) là một trong những công trình thủy lợi được tỉnh Hậu Giang đầu tư xây dựng để ngăn mặn. Ảnh: TẤN PHONG

Cống Hóc Pó (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) là một trong những công trình thủy lợi được tỉnh Hậu Giang đầu tư xây dựng để ngăn mặn. Ảnh: TẤN PHONG

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cống Tân Dinh nằm trên địa bàn xã Tích Thiện được đưa vào sử dụng năm 2020 là công trình thủy lợi lớn, có vai trò kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít. Công trình có năng lực kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho hơn 28.000ha diện tích đất tự nhiên của huyện Trà Ôn và một số huyện khác trong tỉnh Vĩnh Long.

Cũng như ở huyện Trà Ôn, năm 2020, tỉnh Vĩnh Long đã đưa vào sử dụng cống thủy lợi Vũng Liêm (thuộc xã Trung Thành Đông và xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm). Đây là công trình lớn có khả năng ngăn mặn, trữ ngọt cho khoảng 30.000ha đất nông nghiệp của các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và một phần của huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh). Ông Nguyễn Văn Hiền ở ấp An Điền 1, xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm cho biết: “Trước đây khi chưa có cống thủy lợi Vũng Liêm, nước mặn lên quá cao làm nước sông, rạch ở đây không thể lấy nước tưới cho cây trồng hay sinh hoạt. Kể từ khi có cống thủy lợi mà 4 mùa hạn mặn đã qua, sông, rạch không bị nhiễm mặn, cống trữ được lượng nước ngọt lớn nên nguồn nước sinh hoạt, sản xuất được thuận lợi hơn, không bị thiệt hại do hạn mặn”.

Tại tỉnh Trà Vinh, mùa khô năm nay, mặn xâm nhập tuy không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020 nhưng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Huyện Trà Cú là địa phương bị ảnh hưởng hạn, mặn nặng nhất của tỉnh, thường xuyên thiếu nước vào mùa khô, gây thiệt hại nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu. Tuy nhiên năm nay, người dân ở các vùng khan hiếm nước rất phấn khởi bởi nhiều công trình cấp nước sạch được nâng cấp, mở rộng và đầu tư xây dựng mới nên tình trạng thiếu nước ngọt không trầm trọng. Đồng chí Võ Hoàng Lang, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết: “UBND xã đã tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng các công trình hỗ trợ nước sạch cho người dân. Cùng với đó, chúng tôi vận động nhân dân nạo vét các tuyến kênh nội đồng, mương, ao vườn để trữ được nước ngọt trong mùa khô, kết hợp việc vận hành đồng bộ và hiệu quả các hệ thống thủy lợi đã được đầu tư để giảm thiểu mức thấp nhất tình trạng thiếu nước ngọt”.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh, từ đầu mùa khô đến nay, đơn vị luôn bố trí nhân viên trực các cống đầu mối 24/24 giờ, đều đặn mỗi ngày đo độ mặn 2 lần. Khi độ mặn dưới 1g/l thì mở cống lấy nước để tích trữ; độ mặn từ 1g/l trở lên thì đóng cửa cống ngăn mặn. Bên cạnh đó, lượng nước được tích trữ trước đó vẫn bảo đảm đủ phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân địa phương.

Có thể nói, với hệ thống thủy lợi và những công trình ngăn mặn, trữ ngọt đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương và nâng cao đời sống của người dân nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long.

TUẤN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dong-bang-song-cuu-long-phat-huy-hieu-qua-cong-trinh-thuy-loi-ngan-man-775900