Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển bền vững xứng tầm với vị trí chiến lược

Được xem là 'vùng đất trù phú nhất Việt Nam', Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với lợi thế sông nước, đất phù sa và khí hậu hiền hòa đã đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia suốt nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới thì ĐBSCL dần bị bỏ lại phía sau. Vì sao một vùng giàu tài nguyên, đông dân cư và đầy tiềm năng lại đang rơi vào thế tụt hậu? ĐBSCL cần phải làm gì để phù hợp với vị trí chiến lược quan trọng của mình?

Quá dựa vào nông nghiệp

Với hơn 2,4 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, ĐBSCL mỗi năm cung cấp khoảng 50% sản lượng lúa, hơn 70% sản lượng trái cây và 60-65% sản lượng thủy sản của cả nước. Những con số cho thấy đây là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng bậc nhất. Dù đóng góp lớn cho xuất khẩu nông sản, nhưng nền kinh tế của ĐBSCL vẫn phần lớn dựa vào sản xuất thô, nông nghiệp thuần túy, chưa qua chế biến sâu. Lúa gạo, thủy sản, trái cây... chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp dẫn đến dễ bị tổn thương trước biến động thị trường quốc tế. Trong khi đó, các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến, logistics... vẫn chưa phát triển tương xứng. Vậy nên, đời sống của người dân khu vực ĐBSCL gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là với cây lúa, vẫn chưa thể làm giàu.

Nông dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa.

Nông dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa.

Gắn bó hơn nửa đời người với cây lúa, ông Trần Vũ Chí, ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, tiền lời từ lúa “mỏng như lá lúa”. “Sản xuất 10ha, so với 3 vụ lúa trong năm thì vụ đông-xuân là trúng mùa nhất, nhưng ở vụ này, lợi nhuận chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha”, ông Chí dẫn chứng.

Sản xuất quy mô 10ha còn chật vật thì với một thực tế khoảng 50% số hộ nông dân ở ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa chỉ khoảng 0,5ha/hộ, tức lợi nhuận mang lại từ cây lúa là không đáng kể cho các hộ gia đình.

Anh Dương Thanh Sơn, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Làm lúa, cuộc sống bấp bênh. Xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước ngọt-những điều từng hiếm gặp thì nay đã trở thành thường niên. Vụ đông-xuân ở nhiều địa phương ngày càng bất ổn. Đất bạc màu, sâu bệnh kháng thuốc, năng suất không ổn định. Năm 2024, giá lúa tăng cao nhưng đổi lại, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng “chóng mặt”. Nhiều hộ trồng lúa 3 vụ/năm nhưng thu nhập chưa bằng người làm thuê tại khu công nghiệp, chưa kể năm nào bị ảnh hưởng của hạn, mặn, lúa chết thì xem như mất trắng”.

Từ bao đời nay, ĐBSCL được mệnh danh là “vựa lúa của cả nước”, là nơi “nuôi sống” hàng chục triệu người bằng những hạt gạo trắng ngần, những mùa vụ trĩu hạt. Nhưng cũng chính danh xưng ấy dường như đã trở thành “chiếc áo chật” khiến ĐBSCL lặng lẽ tụt hậu trong cuộc đua phát triển.

Chia sẻ tại lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024 mới đây, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright cho hay, kinh tế của ĐBSCL chậm chuyển đổi trong suốt 10 năm qua, thậm chí cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp trong năm 2024 đã tăng thêm 1,1% so với năm trước, tức mức độ lệ thuộc vào nông nghiệp đang tăng. Cụ thể, năm 2024, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) chiếm 30,08%; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) chiếm 27,93%; khu vực III (dịch vụ) chiếm 36,96% và phần còn lại là thuế sản phẩm. Kết quả của sự lệ thuộc khi nhìn ở bức tranh toàn cảnh là thu nhập của dân cư ĐBSCL dù đã tăng 24,4% từ năm 2010 đến 2022, nhưng thuộc nhóm thấp nhất cả nước, chỉ bằng 50% so với mặt bằng chung cả nước.

Nút thắt đầu tư

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL cho thấy, tuy được coi là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực với đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, nhưng khu vực này lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp. Nếu tính theo bình quân đầu người so sánh trong 6 vùng kinh tế-xã hội của Việt Nam thì ĐBSCL đứng thứ 3 về vốn ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về FDI và thứ 6 về đầu tư tư nhân trong nước. Cụ thể, trong 10 năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân vào ĐBSCL giảm từ 14,9% của cả nước xuống chỉ còn 12,4%. Với thu hút vốn FDI năm 2024, cả vùng ĐBSCL chỉ thu hút được 142 dự án với tổng vốn đăng ký mới là 759 triệu USD, chiếm chưa tới 2% trong tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, riêng Long An góp 124 dự án với số vốn đăng ký hơn 564 triệu USD. Như vậy, con số này thua xa so với vốn FDI một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, như Bà Rịa-Vũng Tàu (1,71 tỷ USD), Đồng Nai (gần 1,9 tỷ USD), Bình Dương (gần 1,95 tỷ USD).

Hệ quả của việc thiếu hụt các nguồn đầu tư này chính là cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở ĐBSCL chỉ chiếm 11,2% của cả nước, giảm từ mức 13,2% trong giai đoạn 2011-2016.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Kết quả khảo sát 153 doanh nghiệp tư nhân tại ĐBSCL cho thấy, chỉ 56,9% doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào vùng trong 5 năm tới, 32% không có kế hoạch mở rộng và 11,1% có ý định đầu tư vào các vùng khác, chủ yếu là Đông Nam Bộ. Đây thật sự là điều đáng buồn so với những tiềm năng, lợi thế dồi dào của vùng”.

Không thiếu tài nguyên. Không thiếu con người. Không thiếu vị trí chiến lược, càng không thiếu chính sách ưu đãi. Vì sao nhà đầu tư kém mặn mà với ĐBSCL?

Tại rất nhiều diễn đàn kinh tế, kêu gọi hợp tác, các nhà đầu tư không ngại cho biết, sở dĩ họ “né” ĐBSCL không phải vì thiếu cơ hội, mà vì thiếu hạ tầng, thiếu quy hoạch rõ ràng và thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương. Thực tế, không ít dự án đầu tư gặp khó trong giải phóng mặt bằng, kết nối logistics...

Ông Toshiyuki Fukuda, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam International thừa nhận, đối với doanh nghiệp nhỏ/công ty gia đình của Nhật Bản, khi đầu tư vào một khu vực, họ đưa cả vợ, con theo nên tiện ích phục vụ đời sống cũng là yếu tố lựa chọn quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề của ĐBSCL là điều kiện phục vụ nhu cầu này chưa đáp ứng. “Như tại TP Cần Thơ, dù là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng dịch vụ đi kèm như những căn hộ dịch vụ, siêu thị kinh doanh hàng hóa Nhật Bản, nhà hàng món ăn Nhật Bản, các trường học dành cho con em chuyên gia nước ngoài và các cơ sở y tế với trang thiết bị và dịch vụ chăm sóc y tế tiên tiến... vẫn khá khiêm tốn. Ngoài ra, cảng hàng không quốc tế chưa kết nối chuyến bay thẳng từ Cần Thơ đến Nhật Bản cũng gây khó cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư”, ông Toshiyuki Fukuda dẫn chứng.

Sự tương phản giữa một quá khứ đầy triển vọng và hiện tại chưa tươi sáng đã cho thấy ĐBSCL đi trước về sau. Điều quan trọng hơn là chính sự tương phản này cho thấy, khát vọng “hóa rồng” của ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng, không chỉ chậm bước mà còn có nguy cơ vùng đất trù phú và giàu tiềm năng vốn được ví là “vựa lúa” này sẽ bị đẩy ra bên lề hành trình phát triển của đất nước. Đã đến lúc ĐBSCL không chỉ là “vựa lúa” mà phải là một cực tăng trưởng thực sự, xứng tầm với vai trò và vị trí chiến lược của mình trong bản đồ phát triển quốc gia.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-bang-song-cuu-long-phat-trien-ben-vung-xung-tam-voi-vi-tri-chien-luoc-825178