Kích cầu tiêu dùng nội địa là ưu tiên hàng đầu

Kích cầu mua sắm, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng song hành với chính sách giảm thuế, hỗ trợ lãi suất… là những giải pháp cần được triển khai mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Xu hướng phục hồi

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 18,3%.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm nông sản tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Ngọc Ánh

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm nông sản tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Ngọc Ánh

Điều này chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ, Tết đầu năm; số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm.

Báo cáo đánh giá của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, việc phát triển thị trường trong nước có nhiều thuận lợi khi GDP quý I/2025 ước tăng 6,93% so với cùng kỳ, sẽ hỗ trợ cho thu nhập và nhu cầu tiêu dùng trong năm 2025. Đầu tư công được đẩy mạnh giúp tăng thu nhập của người lao động trong các ngành xây dựng, hạ tầng, qua đó thúc đẩy tiêu dùng.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), hỗ trợ lãi suất cho DN bán lẻ. Trong khi đó, lương tối thiểu tăng, thu nhập khả dụng của người dân được cải thiện, giúp chi tiêu nội địa tăng.

Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng quen với mua sắm trực tuyến, giúp DN dễ tiếp cận khách hàng hơn thông qua các nền tảng số. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi được mở rộng, giúp hàng hóa nội địa dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn.

Tuy nhiên, năm 2025, tình hình chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong và ngoài nước. Do đó, mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhưng so với mục tiêu Chính phủ giao tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 12% thì còn rất nhiều việc phải làm.

Đáng chú ý, để thúc tăng trưởng thị trường nội địa, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 4/4/2025 giao chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 cho từng địa phương. Đây là giải pháp quan trọng để thúc tăng trưởng thị trường nội địa trong những quý tiếp theo của năm.

Tăng niềm tin, kích cầu tiêu dùng của người dân

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 12%, các chuyên gia cho rằng, các hiệp hội ngành hàng, DN cần thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến mại quốc gia; cần có hệ thống phân phối phù hợp hơn, thông minh hơn để từ đó thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; thúc đẩy kết nối giữa nhà sản xuất trong nước và các kênh phân phối hiện đại để mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa trên cả nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... để hỗ trợ người dân, DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tăng niềm tin và kích cầu tiêu dùng của người dân là việc cần làm của các DN ngành bán lẻ. Ảnh minh họa

Tăng niềm tin và kích cầu tiêu dùng của người dân là việc cần làm của các DN ngành bán lẻ. Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho rằng, các DN ngành bán lẻ phải tích cực ứng dụng chuyển đổi số để bắt kịp xu thế về các chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ với nhau; triển khai bán hàng đa kênh, phục vụ du lịch, mua sắm, trải nghiệm của người dân. Từ đó, tăng niềm tin và kích cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, giữa nhà sản xuất, hệ thống phân phối và người tiêu dùng cần kết hợp chặt chẽ với nhau nhằm hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Tất cả hướng đến phục vụ quyền lợi của người tiêu dùng, khi đó người tiêu dùng sẽ có niềm tin vào sản phẩm.

Khuyến nghị về giải pháp, TS. Vũ Vinh Phú đề xuất, DN ngành bán lẻ cần cấu trúc lại hoạt động kinh doanh của mình. Điều này sẽ giúp DN giảm được chi phí, tăng được doanh thu và đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tận dụng triệt để đổi mới sáng tạo trong việc tìm kiếm được thị trường mới, công thức kinh doanh mới, khách hàng mới, lĩnh vực mới. DN phải chủ động nắm bắt, “đi tắt, đón đầu” và tạo ra giá trị riêng, tạo nên sự mới mẻ trong cách mua sắm, tiêu dùng của người dân, từ đó, tạo ra những cú hích doanh số bán lẻ trong giai đoạn sắp tới.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân), để GDP đạt trên 8% và hướng đến tăng trưởng 2 con số thì tiêu dùng nội địa cần tăng khoảng 12%, cao hơn mức trung bình 8% của 5 – 10 năm qua. Vì vậy, kích cầu tiêu dùng trong nước trở thành ưu tiên hàng đầu, thông qua các chính sách giảm thuế, hỗ trợ lãi suất và đẩy mạnh chương trình khuyến khích chi tiêu.

Chính phủ đã tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đến hết ngày 30/6. Mới đây, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng giảm thuế VAT cho 6 tháng cuối năm nay và năm 2026.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kich-cau-tieu-dung-noi-dia-la-uu-tien-hang-dau.682646.html