Dòng vốn nước ngoài vẫn sôi động giữa 'bão' thuế quan

Giữa 'bão' thuế quan, đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn sôi động, với nhiều dự án lớn được triển khai và nhiều 'đại gia' ngấp nghé thâm nhập thị trường.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Dự án tỷ USD khởi động

Ít ngày trước, Phú Mỹ Hưng chính thức giới thiệu ra thị trường Dự án Khu đô thị Hồng Hạc (Hồng Hạc City) quy mô vốn 1,066 tỷ USD, tại Thuận Thành (Bắc Ninh). Đây là dự án đánh dấu bước chân chiến lược ra thị trường phía Bắc của Phú Mỹ Hưng, sau 32 năm bền bỉ phát triển khu đô thị hiện đại bậc nhất ở TP.HCM - Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

“Hồng Hạc City không chỉ là một dự án bất động sản, mà còn là một dấu mốc đặc biệt đối với Phú Mỹ Hưng”, ông Trương Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc Phú Mỹ Hưng chia sẻ. Ông Hưng cũng cho biết, kế hoạch chiến lược của Phú Mỹ Hưng là sẵn sàng mở rộng sứ mệnh kiến tạo không gian sống chất lượng tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và Hồng Hạc City là bước chân đầu tiên trên hành trình đó.

Năm 1993, Central Trading & Development Group (CT&D, Đài Loan) đã theo làn sóng đầu tư nước ngoài thứ nhất tới Việt Nam. Cùng với việc xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh, CT&D đã liên doanh với đối tác trong nước để biến vùng đầm lầy của huyện Nhà Bè, quận 8 và huyện Bình Chánh (TP.HCM) trở thành một khu đô thị hiện đại, đáng sống bậc nhất Việt Nam. Đây cũng là dự án biểu tượng cho những thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Và giờ đây, là một khu đô thị hiện đại bậc nhất ở Bắc Ninh nói riêng, khu vực phía Bắc nói chung.

Tháng 9 năm ngoái, tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, Bắc Ninh đã trao chủ trương đầu tư cho dự án này, với quy mô hơn 1 tỷ USD, trong đó vốn tăng thêm là 998 triệu USD. Với quy mô tỷ USD, đây là dự án được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đánh giá rất cao.

Không chỉ là dự án tỷ USD Hồng Hạc City, mà nhiều dự án đầu tư nước ngoài cũng đã được khởi động tích cực trong thời gian gần đây. Một ví dụ là dự án hơn 1.180 tỷ đồng của AEON Việt Nam, vừa khởi công xây dựng tại Hải Dương.

AEON Hải Dương là trung tâm thương mại thứ hai do AEON Việt Nam - đơn vị chịu trách nhiệm phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống bán lẻ… của AEON tại Việt Nam - đầu tư xây dựng. Trước đây, các trung tâm thương mại quy mô lớn (AEON MALL) do AEON MALL xây dựng.

Đây chính là những cột mốc quan trọng đánh dấu chiến lược tăng tốc mở rộng đầu tư của Tập đoàn AEON tại Việt Nam. Lý do chắc chắn là vì sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.

“Chúng tôi coi Việt Nam là thị trường quan trọng thứ hai, bên cạnh Nhật Bản”, ông Tezuka Daisuke, thành viên Ban Điều hành Tập đoàn, Trưởng đại diện Tập đoàn AEON tại Việt Nam, Tổng giám đốc AEON tại Việt Nam nhấn mạnh.

Đánh giá cao thị trường Việt Nam, nên thời gian qua, AEON không ngừng mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Dự kiến, ngày 26/4, AEON MALL Cần Thơ cũng sẽ được AEON MALL khởi công, với quy mô 5.400 tỷ đồng (khoảng 230 triệu USD).

“Đại gia” ngấp nghé

Việc khởi động một loạt dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dự án tỷ USD của Phú Mỹ Hưng, có thể nói đang “làm nóng” dòng đầu tư nước ngoài giữa lúc “bão” thuế quan của Mỹ vẫn căng thẳng, khiến nảy sinh những lo ngại về sự chậm lại của dòng đầu tư toàn cầu, trong đó có đầu tư vào Việt Nam.

Đầu tháng 4/2025, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế đối ứng với một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam và sau đó được tạm hoãn trong 90 ngày, trao đổi với báo giới, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) khẳng định, thuế đối ứng sẽ không ngăn chặn đầu tư nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam hay khiến nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi Việt Nam.

Điều này đúng là đang diễn ra trong thực tế, khi hàng loạt “đại gia” vẫn tiếp tục tìm đến để chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư lớn tại Việt Nam. SK (Hàn Quốc) là một ví dụ.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên mới đây, Tập đoàn SK một lần nữa khẳng định kế hoạch đầu tư các dự án LNG, các trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này tại Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực hydrogen, logistics. Sau khi đã đầu tư 3,5 tỷ USD tại Việt Nam, đây sẽ là một “đại kế hoạch” đầu tư với quy mô nhiều tỷ USD mà SK sẽ triển khai ở Việt Nam.

Ngoài SK, “ông lớn” công nghệ Qualcomm gần đây cũng bày tỏ mong muốn xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ AI tại Việt Nam. Đây sẽ là trung tâm lớn thứ ba của hãng này trên thế giới, sau hai trung tâm ở Ấn Độ và Ireland.

Ông Jilei Hou, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kỹ thuật Qualcomm cho biết, mới đây, Tập đoàn đã mua lại MovianAI - công ty con chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh (genAI) của VinAI.

“Thông qua việc mua lại MovianAI, Qualcomm thể hiện cam kết mạnh mẽ đóng góp vào việc nghiên cứu và phát triển AI, cũng như ươm tạo tài năng về AI tại Việt Nam”, ông Jilei Hou nhấn mạnh.

Tương tự, Warburg Pincus, sau khi đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Việt Nam, vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô. Việt Nam là thị trường đầu tư lớn thứ 3 ở châu Á (sau Trung Quốc và Ấn Độ) của Warburg Pincus.

Theo kế hoạch, tới đây, Warburg Pincus sẽ đầu tư xây dựng tuyến cao tốc kết nối từ Sân bay Long Thành đến Dự án Hồ Tràm, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 17.300 tỷ đồng. Việc xây dựng tuyến đường này sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động của Dự án Hồ Tràm, vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, mà Warburg Pincus đã đầu tư từ hơn 10 năm trước.

Những bằng chứng này một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của thị trường đầu tư Việt Nam. “Việc Mỹ bất ngờ công bố mức thuế đối ứng 46% lên một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam phần nào gây tâm lý lo ngại trong ngắn hạn. Dù vậy, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực nhờ nhiều lợi thế về lực lượng lao động, chi phí sản xuất hợp lý, vị trí địa lý chiến lược và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả”, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam khẳng định khi công bố báo cáo về thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2025.

Nguyên Đức

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-von-nuoc-ngoai-van-soi-dong-giua-bao-thue-quan-d271877.html