Đồng bằng sông Cửu Long trong nỗ lực tăng lợi nhuận cho nông dân
Tại đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước - một cuộc cách mạng canh tác âm thầm đang diễn ra: Giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường(*). Trong vụ đông xuân 2024-2025 này, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Cần Thơ đã có sáu dự án được triển khai theo mô hình này.
Tập quán canh tác lúa theo lối gieo sạ dày, bón phân và phun thuốc hóa học ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiều năm qua đã dẫn tới hệ quả là chi phí tăng cao, đất bạc màu, ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính ngày càng trầm trọng, đặc biệt là khí metan (CH4) từ ruộng ngập nước. Trong bối cảnh đó, một mô hình canh tác lúa giảm phát thải ra đời như một hướng đi mới, đặt yếu tố hiệu quả - bền vững - thân thiện với môi trường làm trung tâm.

Bón phân cho lúa bằng máy bay không người lái tại ĐBSCL. Ảnh: N.K
Ông Phan Văn Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, cho biết: “Từ thành công của chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, Bình Điền được giao triển khai thực hiện Dự án Khuyến nông Trung ương với sự đồng hành của trung tâm khuyến nông, dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, các nhà khoa học và các doanh nghiệp đối tác trong chuỗi sản xuất lúa gạo từ đầu vào đến đầu ra. Dự án Khuyến nông Trung ương thực hiện trong vụ đông xuân 2024-2025 đã đạt được kết quả rất đáng tự hào, góp phần giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính”.
Giảm giống - phân - thuốc, tăng lợi nhuận
Theo số liệu thống kê được từ dự án vụ đông xuân 2024-2025, lượng giống gieo sạ trên mỗi héc ta đã giảm được khoảng 30-84 ki lô gam, giúp cây lúa sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh và tiết kiệm chi phí ngay từ đầu vụ. Lượng phân bón sử dụng cũng được tính toán hợp lý theo nhu cầu cây trồng, giảm trung bình 34,8% đạm (N), 30% lân (P2O5), và 20% kali (K2O) so với khu canh tác đối chứng. Việc tiết giảm này không chỉ giúp nông dân giảm được chi phí đầu vào mà còn góp phần giảm phát thải khí N2O - loại khí nhà kính mạnh gấp 298 lần CO2.
Bên cạnh đó, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm được 1,81 lần, tương đương giảm 22% chi phí và cũng giúp giảm rủi ro ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cho người canh tác. Hiệu quả về mặt kinh tế từ dự án canh tác giảm phát thải này rất đáng khích lệ. Lợi nhuận tăng thêm 7,5 triệu đồng/héc ta, tỷ suất lợi nhuận đạt 159%, cao hơn 42% so với đối chứng. Đặc biệt, mô hình canh tác giảm phát thải tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (Kiên Giang) với giống lúa DS1 cho năng suất đến 10,3 tấn/héc ta, lợi nhuận trên 55 triệu đồng/héc ta và mức giảm phát thải quy đổi là hơn 13 tấn CO2 so với canh tác truyền thống trên mỗi héc ta.
Khi nhà nông muốn thay đổi
Sự thành công của dự án không thể không kể đến vai trò đồng hành quan trọng của nhà nông - những người nhận ra được những lợi ích thiết thực từ cuộc cách mạng canh tác theo hướng giảm phát thải này và muốn thay đổi.
Giảm phát thải không đồng nghĩa với giảm năng suất, mà ngược lại, là con đường hiệu quả để tăng giá trị cho hạt lúa ĐBSCL, cho nhà nông nơi này và thúc đẩy sự thay đổi tư duy về bảo vệ môi trường.
“Làm lúa kiểu mới, ban đầu cũng lo lắm. Nhưng được tập huấn kỹ, lại thấy lúa ít sâu bệnh, khỏe hơn, bón phân ít mà năng suất lại cao, lời nhiều hơn. Vui lắm!”, anh Lê Minh Khem, một nông dân ở Hòn Đất - Kiên Giang có 10 héc ta trong mô hình, chia sẻ.
Anh Khem là một trong hàng trăm nhà nông tham gia vào các lớp tập huấn, đào tạo về lối canh tác mới nói trên. Hơn 660 lượt nông dân qua đó đã nắm vững kỹ thuật mới, như quản lý nước theo phương pháp AWD (tưới ướt khô xen kẽ), sử dụng phân hữu cơ (Đầu Trâu dưỡng rễ - tốt cây) kết hợp NPK chuyên dùng cho lúa (Đầu Trâu TE A1 và Đầu Trâu TE A2) cũng như sử dụng Đầu Trâu Bio-Canxi để tăng độ pH, chống ngộ độc hữu cơ, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM và quy trình đo lường - báo cáo - thẩm định MRV để theo dõi giảm phát thải.
Hình ảnh nông dân làm lúa sạch, giảm chi phí mà thu lời cao trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều địa phương khác ở vùng đồng bằng. Đây còn là một minh chứng cho thấy, việc giảm phát thải không đồng nghĩa với giảm năng suất, mà ngược lại, là con đường hiệu quả để tăng giá trị cho hạt lúa ĐBSCL, cho nhà nông nơi này và thúc đẩy sự thay đổi tư duy về bảo vệ môi trường.
Mở ra cơ hội thu nhập mới từ nông nghiệp xanh
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh “sự cần thiết của việc duy trì và nhân rộng mô hình, xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu héc ta một cách bền vững”.
Theo đó, dự án khuyến nghị mở rộng mô hình ra vụ hè thu 2025 và các vụ tiếp theo, đồng thời tích hợp vào đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu và lúa gạo phát thải thấp. Việc ứng dụng công nghệ, thiết lập hệ thống MRV một cách bài bản sẽ giúp nông dân tiếp cận chính sách tín chỉ carbon, mở ra cơ hội thu nhập mới từ nông nghiệp xanh.
(*) Dự án do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với trung tâm khuyến nông các địa phương triển khai.