Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn, mặn - Bài 2: Hạn mặn 'khốc liệt' nhưng thiệt hại không lớn
Nắng nóng vẫn chưa thuyên giảm, mực nước tại các sông, kênh rạch tại ĐBSCL tiếp tục xuống thấp. Đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước tưới cho vùng chuyên canh cây ăn trái trong vùng vẫn là vấn đề được các địa phương quan tâm.
Tại các tỉnh ĐBSCL, đối với vụ Đông Xuân muộn, phần lớn người dân đã thực hiện theo khuyến cáo không gieo xạ của ngành chức năng, tuy nhiên vẫn có số ít người dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu vẫn xuống giống, số lúa này hiện đang có dấu hiệu bị vàng lá do nhiễm mặn, diện tích còn lại đang sinh trưởng tốt và bước vào giai đoạn trổ đồng.
Chủ động các biện pháp để giảm thiệt hại
Ông Chung Vĩnh Phước - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Vụ Đông Xuân huyện có 22.000ha, đã thu hoạch xong; vụ Đông Xuân muộn 512ha đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Nguồn nước lúc này cơ bản đảm bảo, còn giai đoạn sau như thế nào thì chưa biết được. Khuyến cáo người dân tích trữ đủ nước đảm bảo cho lúa sinh trưởng tốt.
Nhờ có hệ thống bờ bao và chủ động được nguồn nước nên ông Lâm Trường Giang ở ấp Trường Lộc (xã Trường Khánh, huyện Long Phú) vẫn gieo xạ lúa vụ Đông Xuân muộn. “Sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân, nhiều hộ dân trong xã sợ thiếu nước, mặn xâm nhập nên để đất trống, còn tôi vẫn cải tạo lại 24 công đất để gieo xạ lúa vụ Đông Xuân muộn. Do phần đất của tôi có hệ thống bờ bao, mương tích trữ nước ngọt; đồng thời tôi còn trang bị máy bơm, thiết bị đo nồng độ mặn nên không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Hiện nay 24 công lúa của tôi đang phát triển xanh tốt và chỉ khoảng 1 tuần nữa là trổ đòng” - ông Giang nói.
Những năm trước, huyện Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy nhiên vài năm gần đây do ngành nông nghiệp của huyện đã chủ động các biện pháp nên đã giảm thiểu rất nhiều thiệt hại. Ông Lê Hồng Việt - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Long Mỹ cho biết: Nước mặn từ biển Tây đã vào địa phận của huyện từ đầu tháng 3/2024, tiếp tục xâm nhập vào địa bàn một số xã của huyện với nồng độ mặn cao hơn so với cùng thời điểm mùa khô năm 2022-2023. Mặc dù nồng độ mặn trên một số tuyến sông, rạch lên cao, song do các cơ quan chức năng dự báo sớm đã giúp chính quyền và người dân chủ động thực hiện các giải pháp nên đến thời điểm này hạn, mặn chưa gây ra thiệt hại về cây trồng, vật nuôi cho người dân trên địa bàn huyện. Đối với nguồn nước sinh hoạt vẫn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân thông qua hệ thống cấp nước sạch của các đơn vị chức năng, chưa xảy ra tình trạng thiếu nước.
Các đơn vị cấp nước đô thị và nông thôn ở các địa phương như Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre,… tổ chức tìm kiếm nguồn nước, đấu nối đường ống dẫn nước liên thông từ các nhà máy để cấp nước đến người dân; đồng thời hỗ trợ tiền mua dụng cụ chứa nước, giảm giá hóa đơn tiền nước, dùng phương tiện chuyên dụng chở nước đến cấp phát hàng nghìn lít nước miễn phí cho các hộ dân ở những khu vực đang thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Qua nhiều đợt hạn mặn khốc liệt nên địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó. Tỉnh đã chỉ đạo từ rất sớm công tác phòng chống hạn, mặn và phát động phong trào trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Người dân rất chủ động trong việc trữ nước nên đến thời điểm này, không có ảnh hưởng lớn đến đời sống và cây ăn trái như những năm trước. Hiện tại, các vùng ảnh hưởng hạn mặn, tỉnh chỉ đạo các nhà máy cần có sự liên kết để chuyển nước ngọt về cho người dân.
Nhân rộng các mô hình “thuận thiên”
Do đã quen và chủ động với các tình huống thời tiết cực đoan, nhất là các đợt hạn, mặn năm 2016, các cấp chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt nhân rộng các mô hình sản xuất thuận theo điều kiện thời tiết, nguồn nước nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL “sống khỏe” trong thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt.
Ông Trần Bảo Bình - Tổ trưởng tổ Hợp tác sản xuất tôm - lúa ở ấp 7 xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Từ sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2015-2016, nhiều hộ nông dân ở ấp 7 đã chuyển đổi sản xuất từ 2 vụ lúa/năm sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm. Mới đây, khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, các thành viên trong Tổ hợp tác đã cùng nhau cải tạo lại đất, be bờ, rải vôi và đưa nước mặn từ các kênh rạch lên ruộng để nuôi tôm sú, tôm càng xanh...
Gần đây, người dân huyện Long Mỹ cũng đã mạnh dạn chuyển hàng chục héc-ta đất chuyên trồng lúa sang trồng 1 vụ lúa, 2 vụ cây màu hoặc 3 vụ cây màu. Theo ngành chức năng huyện Long Mỹ, tính riêng trong năm 2023, diện tích chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây màu gần 42ha, hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi sang cây màu cao gấp 1,7 đến 3,1 lần so với trồng lúa 3 vụ.
Ở Sóc Trăng, nhiều mô hình chuyển đổi để tránh hạn, mặn cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông Phan Minh Điền - ấp An Bình (thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Gia đình tôi ở gần sông Hậu, nhưng những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết nguồn nước cũng thay đổi thất thường và có năm mặn men theo sông Hậu xâm nhập vào tới khu vực sản xuất vùng này, gây nhiều khó khăn cho việc lấy nước. Để thích ứng với sự thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô, nước mặn xâm nhập, sau khi thu hoạch xong vụ lúa, tôi lên liếp 5 công đất trồng dưa hấu, bắp, vừa ít sử dụng nước, vừa đảm bảo thu nhập cho gia đình. Với tình hình thời tiết đang diễn biến ngày càng khó lường như hiện nay, dự tính sẽ bỏ cây lúa và chuyển hẳn sang trồng cây màu ngắn ngày để thích ứng với điều kiện tự nhiên”.
Ngoài việc linh hoạt chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, người dân các địa phương vùng ĐBSCL cũng đã chủ động trang bị các vật dụng dùng để trữ nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Theo ông Hà Văn Tư (ấp Long Sơn, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp), hầu hết các hộ gia đình ở xã Long Thạnh đều sắm lu, kiệu chứa nước, có hộ kinh tế khá giả một chút thì sắm thêm thùng nhựa, thùng inox với dung tích hàng nghìn lít để lấy nước mưa tích trữ. Thời điểm này đã vào cuối mùa khô 2023-2024, gia đình ông vẫn đảm bảo đủ nguồn nước sử dụng.
Ở Sóc Trăng, nhiều hộ dân ngoài chủ động hệ thống bờ bao, ao hồ trữ nước cũng đã mua sắm một số lu chứa nước. Ông Nguyễn Thanh Nhã (thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Do có sự chủ động trong việc tích trữ nước vào cuối mùa mưa năm vừa qua, nên đến thời điểm này, nguồn nước trong các lu, kiệu cộng thêm với nước máy vẫn đảm bảo phục vụ ăn, uống hàng ngày, gia đình tôi chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
(Còn nữa)