Đồng bằng sông Hồng: 'Thỏi nam châm' hút vốn ngoại
Với những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và chính sách thu hút FDI hiệu quả, vùng Đồng bằng sông Hồng đang được ví như 'thỏi nam châm' hút vốn ngoại.
5/10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra Top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trong năm 2024. Trong số đó, đáng chú ý là có 5/10 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, với những cái tên quen thuộc với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Hưng Yên.
Bất ngờ hơn, trong danh sách 5 địa phuơng thu hút FDI lớn nhất cả nước năm 2024 thì vùng Đồng bằng sông Hồng ''góp mặt'' tới 4 địa phương, bao gồm: Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội, chỉ duy có thành phố Hồ Chí Minh - địa phương xếp thứ 3 về hấp dẫn FDI trong năm 2024 không thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cụ thể về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng trong năm 2024 nằm trong Top 10 như sau: Tỉnh Bắc Ninh thu hút 5,115 tỷ USD, tăng 138,8% so với năm 2023, dẫn đầu trong tổng số 56 địa phương có thu hút FDI trong năm 2024; Hải Phòng thu hút 4,940 tỷ USD, tăng 42,4% so với năm 2023, xếp thứ 2/56 địa phương; Quảng Ninh thu hút 3,041 tỷ USD, tăng 10,2%, xếp thứ 4/56 địa phương; Hà Nội thu hút 2,161 tỷ USD, tăng 26,7%, xếp thứ 5/56 địa phương; Hưng Yên thu hút 1,596 tỷ USD, tăng 55,9% so với năm 2023, xếp thứ 10 trong tổng số 56 tỉnh, thành có thu hút FDI năm 2024.
Như vậy, 5 địa phương của vùng Đồng bằng sông Hồng nằm trong Top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước trong năm 2024 đã thu hút được tổng vốn đầu tư lên tới gần 16 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2024. Chưa kể các địa phương khác của vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2024 cũng đã có sự bứt phá trong thu hút FDI, như Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương…
Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 thu hút được hơn 600 triệu USD vốn ngoại, tăng 50% so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, năm 2024 tỉnh Nam Định cũng được đánh giá là ‘'nhân tố mới'’ trong thu hút FDI với sự xuất hiện của rất nhiều dự án FDI có chất lượng.
Đánh giá về kết quả thu hút FDI của vùng Đồng bằng sông Hồng trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội luôn nằm rong nhóm 5 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh tăng vượt bậc, lần đầu tiên vươn lên đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Bắc Ninh.
Nhiều dư địa để Đồng bằng sông Hồng hút vốn ngoại
Không chỉ có lợi thế về vị trí địa lý, theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng của vùng Đồng bằng sông Hồng đang dần hoàn thiện, mở ra những cơ hội lớn cho địa phương trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn tới.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng Đồng bằng sông Hồng được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng. Một số dự án giao thông lớn, trọng điểm đã hình thành hành lang kinh tế dọc theo các công trình, dự án như: Tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô; tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội (đoạn đi trên cao); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B Quảng Ninh - Lạng Sơn, đoạn qua tỉnh Quảng Ninh; nâng cấp, mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài…
Năm 2024, kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, luôn đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng trưởng kinh tế vượt mức bình quân chung của cả nước và vượt vùng Đông Nam bộ, tiếp tục dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu... Cụ thể, năm 2024, tăng trưởng GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 7,9%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 7,09%; đứng thứ 2 trong các vùng kinh tế.
Với những kết quả nổi bật như trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “Đồng bằng sông Hồng có thể khẳng định vai trò là vùng động lực, định hướng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của cả nước và là một trong các vùng đi tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”.
Mặc dù có nhiều cơ hội, song để tạo lợi thế thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế, trong năm 2025 vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công-tư, kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh…
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-bang-song-hong-thoi-nam-cham-hut-von-ngoai-370228.html