Dòng bank duy trì sức hút
Theo giới chuyên gia, ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu đáng chú ý trong năm 2025.

Sau nhịp điều chỉnh, thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã về gần giá trị sổ sách
Dự báo lợi nhuận tăng trưởng cao
Tính đến thời điểm này, hầu hết các nhà băng đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2025. Theo đó, nhiều ngân hàng thông qua kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng hai con số so với năm ngoái.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 14.500 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2024; tổng tài sản vượt 832.000 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng 16%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở mức 15 - 16%, theo chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao; duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mức 1,4%; huy động vốn được điều hành phù hợp nhằm đảm bảo tỷ lệ LDR theo quy định.
Năm nay, Ngân hàng TMCP Vietinbank đặt mục tiêu lãi trước thuế vượt 40.000 tỷ đồng, tăng 26% so với năm ngoái… Hay kế hoạch lợi nhuận 2025 của Sacombank được đại hội đồng cổ đông thông qua ở mức 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm 2024; VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 25.270 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) trong năm nay, tăng 26% so với năm 2024…
Theo SSI Research, dư nợ tín dụng bình quân của khối ngân hàng thương mại tư nhân dự kiến tăng 21% trong năm nay. Tuy nhiên, biên lợi nhuận (NIM) của ngành sẽ mỏng hơn do sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực tín dụng gia tăng. Về chất lượng tài sản, hầu hết các ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, ngoại trừ VIB (dưới 3%) và OCB (dưới 3%).
Cũng cần lưu ý, các kế hoạch kinh doanh trình đại hội cổ đông của các ngân hàng hầu như chưa tính đến rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích SSI, với việc Tổng thống Donald Trump tạm hoãn áp thuế đối ứng với hầu hết các đối tác thương mại (trừ Trung Quốc) trong vòng 90 ngày để “mở đường” cho các cuộc đàm phán thương mại, tác động tiêu cực của chính sách thuế đối ứng đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và tới nền kinh tế trong năm 2025 sẽ được kiểm soát phần nào, đặc biệt là khi hoạt động tích trữ hàng hóa của các đối tác Mỹ có thể diễn ra trong quý II/2025.
Trong khi đó, từ góc nhìn của ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phân tích cổ phiếu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), ở giai đoạn nền kinh tế xoay trục, tập trung vào các nguồn lực trong nước như hiện tại, các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối như Vietcombank, BIDV, Vietinbank có nhiều lợi thế tăng trưởng hơn khi là các đầu tàu về cung ứng vốn cho các dự án đầu tư trọng điểm, cũng như có khả năng duy trì được mức tăng trưởng tín dụng cao, từ 15 - 16% trong năm 2025. Một số ngân hàng có nguồn vốn lớn và khả năng tăng trưởng tín dụng mạnh nhờ tiếp nhận chuyển giao ngân hàng khác như MBB, VPBank, HDBank cũng có nhiều dư địa tăng trưởng.
Định giá ở vùng hấp dẫn
Không nằm ngoài ảnh hưởng của “cú sốc” thuế quan, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh cùng thị trường chung trong giai đoạn từ 3/4 - 9/4/2025. Dù phục hồi tích cực so với đáy ngắn hạn nhưng định giá cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn đang ở mức khá thấp.
Hiện tại, hệ số P/B bình quân của nhóm ngân hàng đã giảm xuống vùng 1,2 lần (dựa trên ROE kỳ vọng khoảng 18%, theo số liệu Bloomberg) và thấp so với mức trung bình 5 năm và gần chạm mức đáy của thị trường trong giai đoạn đại dịch Covid-19 mới bùng phát và cuộc khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong tháng 10/2022.
Kỳ vọng chi phí tín dụng có thể giảm dần và là động lực tăng trưởng quan trọng cho lợi nhuận ngành ngân hàng trong bối cảnh các ngân hàng có ít khả năng tăng được NIM. Trong đó, định giá các cổ phiếu ngân hàng như CTG, MBB, VPB, TCB nhiều khả năng sẽ cải thiện vượt trội so với mặt bằng chung nhờ chất lượng tài sản còn nhiều dư địa cải thiện và sở hữu lợi thế cạnh tranh nhất định trong việc tăng trưởng tín dụng.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu áp lực từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, nhà đầu tư khi chọn cổ phiếu ngân hàng nên lưu ý ba yếu tố chính, đó là chất lượng tài sản, biên lãi ròng (NIM) và triển vọng lợi nhuận.
Cụ thể, dù triển vọng ngành ngân hàng năm 2025 được đánh giá tích cực, rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu, nhất là với các khoản vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ thuế quan. Mặt bằng lãi suất thấp có thể tạo áp lực lên NIM nhưng lại là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - một trong những động lực chính cho lợi nhuận ngành ngân hàng. Ngoài ra, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã phục hồi và tiếp tục xu hướng cải thiện, hỗ trợ tốt cho khả năng mở rộng NIM trong năm 2025. Cuối cùng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2025 kỳ vọng tăng trưởng hai chữ số, trong khi định giá P/B chỉ ở mức 1,3x với ROE trung bình 17%, cho thấy mức định giá vẫn hấp dẫn.
Khuyến nghị được ông Khoa đưa ra, nhà đầu tư có thể quan tâm đến những mã cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, duy trì tăng trưởng tín dụng cao và có nhiều dư địa mở rộng NIM trong năm 2025 như VCB, TCB, MBB, VPB, ACB…
Trong khi đó, SSI Research vẫn duy trì dự báo hiện tại, nếu thuế đối ứng của Mỹ ở mức 10%, hệ số P/B mục tiêu có thể giảm tiếp do những bất ổn và khó khăn ngân hàng phải đối mặt từ năm 2026. Với kịch bản này, những ngân hàng có nguồn vốn cạnh tranh và kết quả hoạt động theo sát sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam như VCB, CTG, TCB và MBB sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt.
Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, hiện P/E của nhóm ngân hàng nói chung và của cổ phiếu MBB nói riêng đang ở mức thấp. MB kỳ vọng cải thiện biên lãi ròng (NIM) lên mức 4,3% nhờ gia tăng tỷ lệ CASA - hiện đạt 38%, cao nhất ngành với cơ cấu cân bằng từ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
MB cũng công bố kế hoạch mua vào 100 triệu cổ phiếu quỹ.
“Mục đích của việc đăng ký mua cổ phiếu quỹ là nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán và mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của MB”, Chủ tịch MB khẳng định.
Mặc dù không có lợi thế về vốn, HDBank dự kiến vẫn được hưởng lợi từ hạn mức tín dụng cao hơn sau khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi. Điều này sẽ giúp Ngân hàng giành được nhiều thị phần hơn trong dài hạn.
Với cổ phiếu ngành ngân hàng, cũng lưu ý thêm về việc Nghị định 69/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 19/5/2025, cho phép các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng khác được nâng room ngoại lên trên 30% nhưng không được vượt quá 49% vốn điều lệ (trừ ngân hàng do Nhà nước nắm trên 50% vốn). Quy định này được áp dụng cho VPB, HDB và MBB (không bao gồm VCB, do thuộc nhóm ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần chi phối) khiến thị trường kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực tới giá cổ phiếu của các nhà băng này khi có thêm cổ đông ngoại tham gia vào.
Đứng trước bối cảnh vĩ mô có nhiều sự thay đổi bởi thương chiến, thị trường chứng khoán đã có nhịp điều chỉnh, định giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm về gần giá trị sổ sách, tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là với các ngân hàng có sức mạnh về tài chính, hưởng lợi khi nền kinh tế có sự xoay trục.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-bank-duy-tri-suc-hut-post368334.html