Đồng bào Bru - Vân Kiều phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng
Cũng như nhiều dân tộc thiểu số cư trú trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, cuộc sống của người Bru - Vân Kiều ở các huyện vùng cao miền Tây Quảng Trị xoay quanh nương rẫy. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, ngày nay bà con ở đây không chỉ biết sản xuất hàng hóa để bán ra bên ngoài, mà còn biết khai thác những cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình vào phát triển du lịch, qua đó vừa nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vừa tạo thêm nguồn lực để xây dựng bản làng ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Nằm về phía Bắc đỉnh Sa Mù có độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển, bản Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt (Hướng Hóa) thuộc vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, có địa hình chủ yếu là những dãy núi đá vôi, xen kẽ là những cánh rừng tự nhiên hùng vĩ. Từ lâu, nơi đây vốn nổi tiếng bởi hệ thống hang động và thác nước, trong đó đặc biệt là động và thác Tà Puồng.
Tuy nhiên, cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp ở Trăng - Tà Puồng vẫn ngủ quên cùng mưa ngàn gió núi mãi cho đến một ngày có một chàng trai người Bru - Vân Kiều có tên là Hồ Giỏi quyết định mở tuyến du lịch để phục vụ du khách và giới thiệu cùng bạn bè gần xa về quê hương xứ sở của mình. “Quá trình mở tuyến du lịch mình gặp không ít khó khăn và bỡ ngỡ, nhất là cách thức tổ chức phục vụ du khách. Song, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan về việc cho 4 thành viên trong tổ do mình thành lập đi học cách làm du lịch cộng đồng, nên mình dần có thêm nhiều cơ sở để tin tưởng và quyết tâm làm cho bằng được”, anh Hồ Giỏi tâm sự.
Chúng tôi theo anh Hồ Giỏi vào điểm du lịch cộng đồng ở động và thác Tà Puồng. Con đường ven suối dẫn vào đây bây giờ thông thoáng hơn so với trước rất nhiều. Phần mặt bằng trước hồ nước và chung quanh cũng thay đổi hẳn, chúng được dựng nhiều lán trại bằng tre nứa để đón khách, với mỗi lán đủ rộng cho khoảng 10 người nghỉ ngơi. Khởi thủy ban đầu là những giọt mưa và giọt nước từ kẽ đá giữa đại ngàn xanh thẳm rồi vượt qua nhiều ghềnh đá hiểm trở, suối Tà Puồng đã tạo nên một hồ nước trong xanh ngay dưới chân thác, mang đến cho du khách cảm giác thật sự bình yên, giúp bỏ lại phía sau những vất vả, lo toan của cuộc sống nơi phố thị ồn ào để hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ. Sau những cơn mưa dầm kéo dài gần suốt cả mùa Đông, mùa Xuân về cũng là lúc núi rừng, khe suối ở Trăng - Tà Puồng thức giấc, muôn hoa lại cùng nhau khoe sắc, báo hiệu một mùa du lịch mới với người Bru - Vân Kiều nơi đây.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị sau một lần đến Trăng - Tà Puồng chia sẻ, nơi đây không chỉ có vẻ đẹp của thiên nhiên cùng ẩm thực và văn hóa của người dân bản địa, mà còn là dịp để du khách nâng cao nhận thức và góp phần bảo vệ thiên nhiên. Điểm khác biệt từ mô hình du lịch động và thác Tà Puồng của người Bru - Vân Kiều nơi đây là có sự gắn kết giữa du lịch, bảo vệ rừng và tạo sinh kế cho người dân từ nguồn lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Trong đó, đáng chú ý là việc phát triển cây trẩu và bồ kết. Từ 2 năm nay cây bồ kết rừng ở Trăng - Tà Puồng đã giúp nhiều chị em phụ nữ Bru - Vân Kiều ở đây có thêm nguồn thu nhập rất đáng kể bằng cách cung cấp quả bồ kết cho một doanh nghiệp ở TP Đông Hà chuyên chế biến dầu gội đầu bằng các sản phẩm từ thiên nhiên.
Nằm về phía Nam đèo Sa Mù, cách bản Trăng - Tà Puồng khoảng 30km, cuộc sống của đồng bào Bru - Vân Kiều ở bản Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa) chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp và trồng cây cà phê. Nhưng từ 3 năm nay, người dân ở đây đã biết cách khai thác các cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch cộng đồng, mở ra hướng mới trong làm ăn kinh tế ở địa phương. Trong đó, điểm thác nước cùng tên với bản làng và những cánh rừng nguyên sinh trên đỉnh Sa Mù đã trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách thập phương.
Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa phấn khởi cho biết, thời gian qua, đi đôi với việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng, bà con ở đây đã thực hiện rất tốt việc quản lý và bảo vệ rừng. Từ kết quả này, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chức năng trong tỉnh, hiện đã có thêm chương trình, dự án của Ủy ban Y tế Hà Lan và tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường và thiên nhiên hỗ trợ cho bà con phát triển loại hình du lịch cộng đồng và tự nguyện chăm sóc, bảo vệ rừng. Kết quả, đến nay rừng ở Nam đèo Sa Mù đã trở thành một trong những cánh rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức FSC quốc tế công nhận đạt chứng chỉ về quản lý rừng bền vững.
Cũng như động và thác Tà Puồng, đến với điểm du lịch Chênh Vênh, không chỉ là dịp để du khách khám phá và hòa mình cùng vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn có thể lưu trú, nghỉ ngơi qua đêm, thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của người Bru – Vân Kiều. Ngoài ra, du khách cũng có thể tìm hiểu, tham dự những lễ hội truyền thống của đồng bào, như lễ hội mừng lúa mới kết hợp với trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ rất đặc sắc giữa một không gian rộng lớn của núi rừng hùng vĩ mà rất ấm cúng.
Rời Chênh Vênh, trên đường về lại miền xuôi, du khách có thể ghé tham quan, thưởng thức, nghỉ dưỡng tại điểm du lịch suối Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông. Nơi đây gắn liền với tên tuổi của chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Long, huyện Đakrông. Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện này cho biết, chị Thương là người đầu tiên xây dựng và phát triển nên mô hình du lịch cộng đồng ở miền Tây Quảng Trị. Năm 2019, sau khi giành được giải Nhất với chủ đề “Tour du lịch 199k” trong cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị, chị Thương cùng một số chị em ở Tà Long bắt đầu kiên trì thuyết phục người dân cùng tham gia để đánh thức tiềm năng du lịch của dòng suối Tà Lao. Đặc biệt, chị không chỉ biết cách khai thác cảnh đẹp núi rừng trở thành điểm tham quan, du lịch độc đáo, hấp dẫn với du khách gần xa, mà còn mạnh dạn tạo nhịp cầu để kết nối nông sản, hàng hóa từ chính đôi bàn tay của những người phụ nữ Bru - Vân Kiều nơi đây làm ra với thị trường, từ đó góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ giữa đại ngàn.
“Trước đây, cuộc sống của mình và gia đình quanh năm chỉ biết gắn với nương rẫy. Nhưng nhờ được chị Thương động viên, tạo điều kiện cho tham gia làm du lịch cộng đồng ở suối Tà Lao, đến nay cuộc sống của gia đình mình đã có nhiều thay đổi đi lên. Bà con mình ở đây còn rất vui cái bụng vì nhờ làm du lịch, thường xuyên vào ra rừng, nên có điều kiện để giữ được cây rừng và không cho kẻ xấu bẫy bắt, săn bắn, giết chóc động vật hoang dã ở đây”, chị Hồ Thị Dơi, một phụ nữ Bru - Vân Kiều ở xã Tà Long tâm sự.