Đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững

5 năm qua (2019-2024), có thể khẳng định rằng, việc thực hiện chương trình hành động và Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III đã mang lại những kết quả rất lớn. Việc huy động nguồn lực hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS-MN) góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và phát huy; đồng bào ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền.

Kết cấu hạ tầng vùng ĐBDTTS được đầu tư tương đối đồng bộ (điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt tập trung...), tạo nên một diện mạo mới, tạo điều kiện quan trọng cho vùng DTTS phát triển. Đến nay, 100% số xã vùng ĐBDTTS có đường ô tô về trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% xã có điện lưới quốc gia (tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 90%); 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS; 100% xã có trạm y tế; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Các địa phương đã triển khai giao gần 30.000ha đất rừng sản xuất, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty TNHH MTV LCN: Long Đại, Bắc Quảng Bình đã giao khoán bảo vệ rừng hơn 130.000ha rừng cho các hộ ĐBDTTS, giúp cho nhiều hộ gia đình có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS-MN cùng với nguồn từ Mặt trận các cấp đã hỗ trợ làm mới 965 nhà ở cho ĐBDTTS. Giai đoạn 2020-2023 có 3.667 người được đào tạo nghề, trong đó có 1.943 người DTTS, có 122 lao động người DTTS đi xuất khẩu lao động.

Từ nguồn vốn chương trình MTQG cùng với nguồn vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất đã tạo việc làm và thu nhập ổn định, nhiều hộ ĐBDTTS làm ăn khá, giỏi với thu nhập bình quân của các hộ trên 100 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBDTTS-MN bình quân hàng năm giảm 6% (mục tiêu từ 4,5%-5%); thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm.

Giáo dục-đào tạo có bước phát triển, hệ thống các cấp học hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến THPT; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều nơi đạt chuẩn phổ cập THCS. Đến năm 2023, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến trường là 100%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học 99,9%, học THCS 97,7%, học THPT 65,2%... Số em học đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ngày càng tăng. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ thực hiện hiệu quả.

Các đồng chí: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng gặp gỡ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình.

Các đồng chí: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng gặp gỡ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình.

Trong lĩnh vực y tế, đến nay, 100% trạm y tế các xã vùng DTTS-MN có bác sĩ phục vụ (trong đó có 5 bác sĩ, 12 y tá và 4 hộ sinh là người DTTS), 100% thôn, bản có nhân viên y tế; trạm y tế các xã MN nhất là các xã đặc biệt khó khăn cũng được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh thiết yếu; hàng năm, 100% đồng bào được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của ĐBDTTS gắn với phát triển du lịch được chú trọng; có 3 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 100% thôn, bản có nhà văn hóa để ĐBDTTS sinh hoạt văn hóa; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được duy trì và phát triển, các hủ tục lạc hậu trong vùng ĐBDTTS cơ bản được xóa bỏ. Đến nay, có 5/15 xã đã đạt tiêu chí của ngành Văn hóa-Thể thao theo quy định về xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, gần 65% hộ gia đình DTTS đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Các cấp, ngành tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương về xây dựng hệ thống chính trị vùng DTTS, nhờ đó, hệ thống chính trị cơ sở nơi đây ngày càng được củng cố và phát triển. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng được chú trọng. Về đội ngũ cán bộ người DTTS, đến nay, cấp huyện có 10 công chức và 54 viên chức, cấp xã có 113 người.

An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng ĐBDTTS được bảo đảm. Lực lượng Công an, Quân đội mà đặc biệt là Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động ĐBDTTS tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai công tác xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết đạt được, vùng ĐBDTTS tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức, đó là: Kinh tế hàng hóa chậm phát triển, mặt bằng dân trí thấp, một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào có nguy cơ bị mai một. Cơ sở hạ tầng ở các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, nước sạch, trường học đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Hệ thống chính trị cơ sở ở một số địa bàn vùng ĐBDTTS còn yếu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, lực lượng lao động phần lớn chưa được đào tạo; hệ thống y tế còn nhiều bất cập; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn cao; đời sống của đồng bào vẫn còn rất khó khăn, sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các tộc người còn lớn... Tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS còn cao so với bình quân chung của tỉnh, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, số hộ có nguy cơ tái nghèo còn cao.

5 năm qua, toàn tỉnh huy động nguồn lực hơn 1.800 tỷ đầu tư cho vùng ĐBDTTS-MN (Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS-MN hơn 1.111 tỷ đồng, các chính sách khác hơn 87 tỷ đồng, các dự án ODA và dự án phi chính phủ hơn 556 tỷ đồng, mô hình dân vận khéo vùng ĐBDTTS hơn 45 tỷ đồng...).

Thực hiện chương trình hành động và Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, cần tập trung một số nhiệm vụ giải pháp sau:

Bám sát hơn nữa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tế và nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ở địa phương để tổ chức triển khai hiệu quả hơn các chương trình, chính sách phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS trong thời gian tới. Đặc biệt, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhất là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS-MN giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng ĐBDTTS, biên giới và MN tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường trong và ngoài tỉnh. Phát huy khai thác được tiềm năng, lợi thế của từng vùng trong sản xuất. Phát triển đa dạng hóa các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khôi phục và phát triển sản xuất hàng hóa từ các ngành nghề truyền thống đưa ra thị trường và gắn với khai thác du lịch trên địa bàn, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tập trung phát triển giáo dục, y tế, văn hóa. Củng cố vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo. Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên vùng ĐBDTTS, trong đó chú trọng tăng dần số lượng giáo viên là người DTTS; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên người DTTS. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, phối hợp thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào. Đào tạo giáo viên, cán bộ y tế người DTTS. Thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; chú trọng đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng ĐBDTTS và các tầng lớp nhân dân; tăng cường vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Kết hợp tốt việc phát triển KT-XH với bảo đảm quốc phòng-an ninh các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa; đề cao cảnh giác và ngăn chặn, xử lý những vấn đề đã và đang gây mất an toàn xã hội, như: Tệ nạn cờ bạc, ma túy… Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả triển khai chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở vùng ĐBDTTS. Có cơ chế khuyến khích nhân dân, các tổ chức quần chúng tham gia vào kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng ĐBDTTS.

Với tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, dũng cảm, bất khuất trong đấu tranh, cần cù trong lao động, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quan tâm giúp đỡ của toàn xã hội, thời gian tới, đồng bào các DTTS trong tỉnh không ngừng nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Quảng Bình giàu đẹp.

Phan Công Khánh

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202408/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-quang-binh-lan-thu-iv-nam-2024-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-doan-ket-doi-moi-sang-tao-hoi-nhap-va-phat-trien-ben-vung-2220436/