Đồng bào Chăm đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế
Những năm qua, đời sống đồng bào Chăm tại huyện An Biên (Kiên Giang) thay đổi tích cực. Người dân phát huy tinh thần đoàn kết và hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình. Đồng bào Chăm đã nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện đời sống, giảm nghèo và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện An Biên chiếm trên 11% dân số toàn huyện, trong đó đồng bào Chăm có 30 hộ, với 102 nhân khẩu tập trung hầu hết ở xã Tây Yên A.
Những năm qua, UBND huyện An Biên ưu tiên nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, chính sách. Nhờ đó, đời sống đồng bào Chăm cơ bản ổn định, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, xây dựng nhà khang trang. Tính đến nay đồng bào Chăm ở huyện An Biên không còn hộ nghèo, cận nghèo.
Dịp Tết Roya Haji và tháng ăn chay Ramadan của đồng bào Chăm theo Hồi giáo (Islam), lãnh đạo các cấp, ngành tổ chức đoàn cán bộ đến thăm hỏi người có uy tín trong đồng bào Chăm tại huyện An Biên, nhất là đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí 20 triệu đồng.
Thời gian qua, các ngành chức năng của huyện An Biên phối hợp tổ chức một lớp dạy chữ Chăm cho 30 con em đồng bào Chăm tại ấp Rọc Lá, xã Tây Yên A, góp phần bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bào Chăm. Hiện nay, trên 95% hộ đồng bào Chăm có phương tiện nghe nhìn, 70% hộ có nhà kiên cố, 97% hộ được xem truyền hình.
Trong đời sống và sản xuất, đồng bào Chăm phát huy tinh thần đoàn kết và hỗ trợ cùng nhau phát triển. Trước đây gia đình chị Sa Rôn, ngụ ấp Rọc Lá có hoàn cảnh khó khăn. Hàng ngày, vợ chồng chị làm thuê và buôn bán nhỏ để mưu sinh. Mặc dù tích cóp nhiều năm liền nhưng gia đình vẫn không đủ kinh phí sửa chữa căn nhà đã xuống cấp. Thấy hoàn cảnh gia đình chị Sa Rôn khó khăn, những hộ đồng bào Chăm cùng sống ở ấp Rọc Lá gom góp và hỗ trợ tiền cho chị mua máy may và vải để chị có thể mở tiệm may tại nhà.
Chị Sa Rôn nói: “Từ khi nhận được sự hỗ trợ của người dân xung quanh, tôi có việc làm ổn định và thời gian để chăm sóc các con, gia đình. Kinh tế gia đình tôi dần ổn định hơn trước. Giờ khi thấy gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn, tôi sẵn lòng giúp đỡ để họ có điều kiện thoát nghèo như gia đình tôi”, chị Sa Rôn nói.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, đồng bào Chăm ở huyện An Biên chú trọng phát triển các ngành, nghề truyền thống như may mặc. Các sản phẩm của đồng bào Chăm không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn có giá trị kinh tế cao, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Sự phát triển của các ngành, nghề truyền thống không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm.
Ông Sa Lay Mang - Trưởng điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung theo Hồi giáo (Islam) của đồng bào Chăm tại ấp Rọc Lá, xã Tây Yên A cho biết: “Những năm qua cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội của đồng bào Chăm có nhiều tiến bộ”.
Theo ông Nguyễn Quốc Xinh - Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, thời gian tới từ các nguồn hỗ trợ, huyện sẽ thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay vốn, hỗ trợ việc làm, đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào Chăm.
“Huyện sẽ chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào Chăm; nâng cao chất lượng việc dạy chữ Chăm trong dịp hè và tạo điều kiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm”, ông Nguyễn Quốc Xinh cho biết.