Đồng bào công giáo Nga Liên đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Xã Nga Liên (Nga Sơn) có 2.280 hộ với 9.692 nhân khẩu, trong đó đồng bào công giáo chiếm khoảng 93%. Những năm qua, đồng bào công giáo ở đây luôn đoàn kết, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế trong đồng bào công giáo xã Nga Liên mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, đồng bào công giáo xã Nga Liên luôn năng động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả, tập trung phát triển kinh tế với dịch vụ thương mại chiếm 51,6%.

Ông Vũ Văn Bảo ở thôn 7, xã Nga Liên là một trong những hộ gia đình phát triển kinh tế có hiệu quả ở địa phương. Từ diện tích cây cói kém hiệu quả ở địa phương, năm 2017 gia đình ông đã mạnh dạn mua thêm đất của một số hộ gia đình ở thôn 4 và mở rộng diện tích để trồng rau, củ, quả sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn nuôi dúi ở xã Nga Liên.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông Vũ Văn Bảo cho biết: Hiện nay, mô hình rau, củ, quả sạch của gia đình có tổng diện tích 1,2 ha. Rau sạch được trồng trong nhà màng, nhà lưới và được công nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap. Rau, củ, quả sạch được cung cấp cho chuỗi nhà hàng gỏi nhệch do gia đình làm chủ. Cùng với trồng rau, gia đình ông cũng nuôi thêm con dúi, thỏ, chim bồ câu… để phục vụ thêm các món ăn cho du khách. Từ mô hình này đã tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có cả lao động khuyết tật với thu nhập ổn định.

Các hộ công giáo trên địa bàn xã luôn đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái, tích cực động viên, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay trên địa bàn xã có nhiều hộ gia đình làm mô hình nhà lưới, nhà kính sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, mô hình trang trại chăn nuôi gà, bò, cá và làm dịch vụ vận tải, vật liệu xây dựng, mộc, cơ khí.

Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của hộ ông Vũ Văn Bảo ở thôn 7, xã Nga Liên.

Năm 2021 tổng giá trị dịch vụ - thương mại trên địa bàn xã đạt 225,1 tỷ đồng; tổng giá trị tiểu thủ công nghiệp đạt 96,5 tỷ đồng; thu nhập từ vườn tạp, ao hồ với tổng giá trị đạt 8,9 tỷ đồng (trong đó thu nhập từ diện tích ao, vườn chuyển đổi là 5,2 tỷ đồng). Xã cũng chỉ đạo tích tụ, tập trung đất đai được 2 ha; khuyến khích xây dựng 3.000 m2 nhà lưới, nhà kính sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao…

Cùng với phát triển kinh tế, bà con giáo dân cũng luôn tích cực trong việc xây dựng gia đình có cuộc sống thuận hòa, vun đắp tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt. Đồng thời nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ. Các hoạt động văn hóa - thể thao tại các làng văn hóa, cơ quan văn hóa được duy trì hoạt động, đảm bảo công tác phòng, chống dịch…

Mô hình nuôi thỏ cho thu nhập cao.

Để góp phần xây dựng nông thôn mới, bà con giáo dân nói riêng và Nhân dân trên địa bàn xã nói chung đã chung tay, góp sức ủng hộ tiền, hiến đất, ngày công lao động, cây cối, tự nguyện tháo dỡ tường rào… làm đường giao thông.

Phó Chủ tịch UBND xã Nga Liên Trần Văn Vinh cho biết: “Bà con lương giáo trên địa bàn xã Nga Liên luôn đoàn kết, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chính vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, với thu nhập bình quân đầu người là 50,1 triệu đồng/người/năm, phấn đấu năm 2022 xã đạt nông thôn mới nâng cao”.

TRUNG LÊ - THU THỦY

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dong-bao-cong-giao-nga-lien-day-manh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/22816.htm