Đồng bào dân tộc thiểu số làm đối ngoại nhân dân

Đồng Nai là địa phương tập trung đông người nước ngoài đến làm việc, học tập tại các khu công nghiệp, trường đại học; nhiều gia đình có người thân ở nước ngoài. Thông qua vai trò chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS), những cá nhân được cộng đồng tín nhiệm này đã trở thành cầu nối trong thực hiện công tác đối ngoại nhân dân.

Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Hoa, Tày, Nùng tại tỉnh Đồng Nai cùng trao đổi thông tin về các mối quan hệ trong và ngoài nước để nắm bắt thông tin của cộng đồng. Ảnh: S.Thao

Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Hoa, Tày, Nùng tại tỉnh Đồng Nai cùng trao đổi thông tin về các mối quan hệ trong và ngoài nước để nắm bắt thông tin của cộng đồng. Ảnh: S.Thao

Nhờ vậy, hoạt động đối ngoại nhân dân tại Đồng Nai có thêm nét đặc sắc, huy động được nhiều cá nhân tham gia gắn kết bạn bè quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài.

Những cầu nối đối ngoại nhân dân đặc biệt

Giám đốc Sở Dân tộc và tôn giáo Nguyễn Văn Khang cho biết, thời gian qua, chức sắc tôn giáo là người có uy tín trong cộng đồng DTTS, những cá nhân trong đồng bào DTTS được cộng đồng tín nhiệm đã và đang tham gia rất tốt vai trò gắn kết cộng đồng. Đồng thời, những cá nhân này còn là kênh giới thiệu và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phản ánh sự đổi thay không ngừng trong đời sống của đồng bào với bạn bè trong và ngoài nước.

Những năm qua, thánh đường Hồi giáo của cộng đồng Hồi giáo tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) và xã Bình Sơn (huyện Long Thành) ngày càng được hoàn thiện khang trang về cơ sở vật chất, thuận tiện về đường giao thông.

Theo người có uy tín trong đồng bào DTTS Đô Hô Sên, Giáo cả thánh đường Hồi giáo tại xã Bình Sơn, điều này góp phần tạo thuận lợi cho đời sống cũng như sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng. Ngoài bà con ở địa phương, cả 2 thánh đường này đều đón cộng đồng người Hồi giáo là lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh đến sinh hoạt tôn giáo trong thời gian họ lưu trú tại đây. Trong quá trình này, chức sắc tôn giáo thông tin đến tín đồ người nước ngoài về đổi thay đời sống của bà con nơi đây, các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho cộng đồng để phát triển về kinh tế, đảm bảo đời sống ổn định, con em được học tập đến nơi đến chốn... Nhờ đó, họ hiểu hơn về cuộc sống của người Hồi giáo tại Đồng Nai cũng như Việt Nam.

Mỗi năm, tỉnh Đồng Nai đều tổ chức các hoạt động họp mặt kiều bào. Thông qua những người có uy tín trong đồng bào DTTS, những cá nhân được bà con tín nhiệm trong cộng đồng, chính quyền các cấp đã tiếp cận và mời kiều bào tham gia các hoạt động do chính quyền tổ chức.

Ngoài đón tiếp tín đồ nước ngoài đến sinh hoạt, những giáo cả Hồi giáo tại Đồng Nai là người có uy tín trong đồng bào DTTS còn thường xuyên thực hiện những chuyến xuất ngoại.

Người có uy tín trong đồng bào DTTS Ab Do Ha Mit, Giáo cả thánh đường Hồi giáo tại xã Xuân Hưng, chia sẻ: “Mỗi chuyến đi nước ngoài, trong quá trình trò chuyện, tôi hiểu được cuộc sống của tín đồ nước bạn và chia sẻ về câu chuyện của tín đồ Hồi giáo tại Việt Nam, góp phần giúp bạn bè nước ngoài hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam”.

Tương tự, mục sư Điểu Văn Trung là người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Xuân Lộc. Cơ sở tôn giáo do ông quản nhiệm không ít lần đón tín đồ nước ngoài đến sinh hoạt khi làm việc tại Đồng Nai. Khi tín đồ nước ngoài đến sinh hoạt, chứng kiến việc tín đồ tại địa phương được tự do sinh hoạt tôn giáo, bà con chấp hành quy định của pháp luật, cuộc sống nhân dân nhận được sự quan tâm của Nhà nước… khiến mỗi người hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng.

Kết nối kiều bào

Người có uy tín trong đồng bào DTTS, người được cộng đồng tín nhiệm còn là những người kết nối kiều bào, bạn bè quốc tế hiệu quả.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bình Lộc (thành phố Long Khánh) Vòng Nhì Sập cho hay, nhiều năm qua, ông cùng các thành viên khác trong cộng đồng người Hoa đã mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí cho thanh thiếu niên ở địa phương. Ngoài những học sinh dân tộc Hoa, nhiều thanh niên thuộc những dân tộc khác trong cộng đồng cũng tìm đến học để trang bị thêm về ngoại ngữ để tìm việc làm, du học. Điều này góp phần trang bị ngoại ngữ cho thanh niên ở một địa phương có nhiều dự án đầu tư nước ngoài.

Ông Vòng Nhì Sập thường xuyên có những chuyến đi nước ngoài để giao tiếp với bạn bè quốc tế. Thông qua những chuyến đi, ông giới thiệu về sự đổi thay từng ngày của địa phương, đất nước, kết nối cộng đồng người Hoa các nơi quan tâm hỗ trợ cho đồng hương là người Việt đang theo học tại các nước.

Ông Lý Nàm Sáng vừa thôi đảm nhận vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở thành phố Biên Hòa song ông vẫn là cầu nối của cộng đồng người Hoa ở địa phương và được bà con tín nhiệm. Trong số này, ông thường xuyên kết nối 2 người con đều là tiến sĩ đang làm việc ở nước ngoài cùng người thân, họ hàng tham gia giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn với mỗi năm từ 3-4 đợt trao quà và mỗi lần từ 200-300 phần quà. Ngoài ra, khi bà con kiều bào về nước vào các dịp lễ, Tết, ông kết nối mọi người cùng chung tay tham gia vào các hoạt động được tỉnh tổ chức.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/dong-bao-dan-toc-thieu-so-lam-doi-ngoai-nhan-dan-fb93203/