Đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Văn đổi đời nhờ đổi mới tư duy sản xuất

Sẵn kiến thức nghề dệt lanh truyền thống, chị Vàng Thị Cầu, thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã và đang tổ chức các lớp đào tạo nghề nông thôn cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc Mông tại địa phương, đồng thời sáng lập ra HTX Lanh Trắng.

Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay, HTX Lanh Trắng hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hơn 100 thành viên là những phụ nữ dân tộc Mông từng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nay vươn lên thoát nghèo, làm giàu băng chính nghề truyền thống tại địa phương.

Nâng cao vai trò HTX

Những năm qua, hoạt động hiệu quả của các HTX điển hình như HTX Lanh Trắng chính là một trong những điểm tựa giúp huyện Đồng Văn nâng cao giá trị sản xuất, gia tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

Chị Vàng Thị Cầu cho biết, từ nhỏ, chị đã được mẹ truyền dạy cách làm ra những chiếc váy, áo của người Mông bằng sợi lanh. Chị thành thạo tới gần 40 công đoạn như trồng, chăm sóc cây lanh, tước vỏ, se lanh, kéo sợi, dệt vải, hấp, nhuộm, vẽ hoa văn, thêu thùa...

Những kiến thức này đã được chị truyền lại cho các thành viên trong HTX thông qua các lớp dạy nghề. Sau khi được học nghề dệt lanh, đến nay đã có hàng chục hộ gia đình ở xã Sà Phìn thoát nghèo, có cuộc sống ổn định với khoản thu nhập 4 - 10 triệu đồng/tháng.

Nghề truyền thống đang trở thành điểm tựa giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số ở Đồng Văn.

Nghề truyền thống đang trở thành điểm tựa giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số ở Đồng Văn.

Cùng với HTX Lanh Trắng, HTX Dịch vụ tổng hợp thị trấn Phố Bảng cũng đang có được thành công ấn tượng với mô hình sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, ẩm thực an toàn theo chuẩn VietGAP.

Hiện, trung bình mỗi vụ, HTX thu khoảng 60 tấn rau, xấp xỉ 10 tấn hoa quả các loại. Toàn bộ số rau, quả được HTX liên hệ, tìm đầu ra cung ứng cho công ty rau quả Hà Nội và một số đại lý ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Mai Tự Truyền cho biết, HTX được thành lập từ năm 2016, hiện có trên 40 thành viên, đa phần là người dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Nùng, La Chí…

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy được thế mạnh của từng thành viên, HTX đã chia thành 4 Tổ hợp tác, gồm Tổ trồng cây ăn quả, Tổ sản xuất rau chất lượng cao, Tổ sản xuất hoa hồng và Tổ hợp tác chế biến ẩm thực. Các tổ hợp tác đều hoạt động khoa học, hiệu quả.

Liên tục cải thiện thu nhập

Tương tự, HTX Chăn nuôi thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, cũng đang là đơn vị điển hình thành công nhờ đổi mới phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật mới, nhanh nhạy thích ứng với biến động thị trường.

Anh Vừ Dúng Pó, người dân tộc Mông, thành viên HTX Chăn nuôi thôn Đoàn Kết, cho biết trước kia khi mới nuôi bò, gia đình anh chủ yếu thả rông. Nay, anh xây dựng gia trại chăn nuôi khoa học, phân bò được gia đình ủ hoai mục với men vi sinh, dùng làm phân bón cho cây trồng rất hiệu quả.

Nhờ sự hỗ trợ của HTX, gia trại của anh Pó luôn duy trì tổng đàn bò hơn 15 con, trong đó có 5 bò giống chất lượng cao. Bình quân mỗi năm xuất bán 5 – 7 con bò thịt, trừ chi phí, thu về trên 100 triệu đồng. Từ nuôi bò, gia đình anh thoát nghèo, có của ăn của để.

Năm 2023, huyện Đồng Văn đặt mục tiêu giảm 6% hộ nghèo theo chuẩn mới, và hoạt động của các HTX, tổ hợp tác chính là một trong những chìa khóa quan trọng để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Thống kê cho thấy toàn huyện Đồng Văn hiện có trên 70 HTX và tổ hợp tác, thu hút hàng nghìn lao động, trong đó đa số là người dân tộc thiểu số tham gia. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác đã dần được củng cố, kiện toàn, quy mô và phạm vi đầu tư sản xuất, kinh doanh từng bước phát triển.

Theo UBND huyện Đồng Văn, toàn địa bàn đang có 17 xã và 2 thị trấn với 216 thôn bản, 17 dân tộc anh em cùng sinh sống với gần 17 nghìn hộ. Trong đó, hộ nghèo chiếm trên 10 nghìn hộ, chiếm 61,12%; hộ cận nghèo là 2.338 hộ, chiếm 18,83%.

Đồng Văn đang chủ động nâng tầm HTX, giúp người dân giảm nghèo, làm giàu bền vững.

Đồng Văn đang chủ động nâng tầm HTX, giúp người dân giảm nghèo, làm giàu bền vững.

Bên cạnh thúc đẩy vai trò của HTX, những năm gần đây, từ các chủ trương, chính sách, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững.

Kết quả, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, kiên cố hơn, người dân từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Số hộ thoát nghèo năm 2022 của huyện là 1.036 hộ, đạt 6,2% và đặc biệt là không có hộ nào tái nghèo.

Thúc đẩy giảm nghèo thực chất

Những năm qua, để xóa đói, giảm nghèo một cách thực chất, tạo đà để người dân làm giàu bền vững, huyện Đồng Văn đã đẩy mạnh lồng ghép linh hoạt, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Huyện cũng tổ chức thực hiện việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo để đưa ra những giải pháp cụ thể tới từng hộ gia đình. Cùng với đó, xây dựng, ban hành các kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Điển hình, trong sản xuất nông nghiệp, huyện Đồng Văn xác định rõ những nội dung cần tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển gắn với giải pháp, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện cụ thể, qua đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên sâu.

Cụ thể, để thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, huyện thành lập các tổ kỹ thuật với thành viên là những cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, có nhiệm vụ thường xuyên xuống cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cán bộ nông nghiệp của xã, thị trấn kiểm tra tiến độ, hướng dẫn nhân dân thực hiện các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng “cầm tay chỉ việc”; tổ chức tập huấn cho người dân tham gia thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 30a, Chương trình 135; chuyển giao, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm ưu tiên, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tham gia phát triển các mô hình phát triển kinh tế, lựa chọn các cây, con phù hợp tại địa phương, nhằm nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, huyện tập trung hỗ trợ về sinh kế cho các hộ nghèo; chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số. Đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ và đúng quy định. Không ngừng cải thiện các dịch vụ xã hội chăm lo về sức khỏe, giáo dục cho người nghèo...

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-dong-van-doi-doi-nho-doi-moi-tu-duy-san-xuat-1092146.html