Đồng bào dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai thoát nghèo nhờ có HTX

Diện mạo kinh tế xã hội tại Si Ma Cai – huyện xa xôi nhất của tỉnh Lào Cai, những năm qua có chuyển biến tích cực nhờ những chính sách giảm nghèo hiệu quả, trong đó có những đóng góp tích cực của các HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, Si Ma Cai là vùng biên viễn với "đặc sản" là núi đá, vực sâu, điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt. Huyện hiện có quy mô dân số hơn 6.500 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Nùng, La Chí, Cờ Lao, Phù Lá…

HTX là "bệ đỡ" thoát nghèo

Những năm qua, để giúp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, huyện đã chủ động hình thành, nhân rộng các loại cây trồng thế mạnh. Đồng thời, thúc đẩy các HTX trở thành “bệ đỡ” cho các hộ sản xuất.

HTX Nông nghiệp Bản Mế, xã Bản Mế, đang là một trong những điểm sáng gây ấn tượng mạnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên vùng núi đá Si Ma Cai, với mô hình trồng rừng và sản xuất cây giống.

Anh Hoàng Seo Chẩn, dân tộc Mông, người sáng lập, Giám đốc HTX Bản Mế, cho biết HTX được thành lập từ năm 2017, đến nay đã cung ứng cho người dân hơn 40 vạn cây quế giống, hàng chục vạn cây giống chất lượng cao khác như cây trẩu (một loại cây dược liệu), sưa đỏ…

Các HTX có vai trò quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo ở Si Ma Cai (Ảnh: TL).

Các HTX có vai trò quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo ở Si Ma Cai (Ảnh: TL).

Nhờ hoạt động tốt, HTX Bản Mế liên tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, vững vàng. Hiện, HTX đang thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động chính thức, mức thu nhập bình quân 7 – 10 triệu đồng/người/tháng, hơn 40 lao động thời vụ, đa số là thanh niên và phụ nữ người dân tộc thiểu số trong vùng, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ có HTX Bản Mế, ở Si Ma Cai còn có HTX Nông nghiệp và dịch vụ Si Ma Cai, xã Cán Cấu. Mô hình sản xuất của HTX đã liên kết được 4 nhà, tạo thành chuỗi giá trị sản xuất cây dược liệu.

Hiện, sản phẩm chủ lực của HTX là cây bạc hà đã được doanh nghiệp Nhật Bản kí kết hợp đồng thu mua để phục vụ chế biến tinh dầu và trà. Nhờ trồng bạc hà, nhiều hộ gia đình tại xã Cán Cấu đã có thu nhập ổn định. Nhiều người dân không phải tha hương để mưu sinh hay phát triển kinh tế.

Trước đây, cây bạc hà đã có tại xã Cán Cấu, nhưng diện tích còn nhỏ hẹp vì chủ yếu phát triển tự nhiên. Mô hình liên kết phát triển vùng nguyên liệu bạc hà do HTX Si Ma Cai đóng vai trò cầu nối đã giúp mở rộng diện tích cây bạc hà, tạo nguồn hàng hóa có giá trị lớn.

Giúp người dân làm giàu bền vững

Bên cạnh thúc đẩy các HTX, Si Ma Cai cũng đang chủ động khơi dậy tính tự giác, tích cực tham gia của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trong các chương trình giảm nghèo. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tập thể để phong trào giảm nghèo phát triển sâu rộng, thực chất.

Nàn Sín từng được mệnh danh là xã “đa nhất” ở Si Ma Cai, gồm xa nhất, cao nhất, nghèo nhất, khó khăn nhất… nhưng nay đã thay đổi đáng kể. Thôn Phìn Chư 3 là điển hình cho sự thay đổi ấy.

Từ một thôn không có đường, không có điện, đến nay Phìn Chư 3 hiện đã có đường bê tông và điện lưới quốc gia. Đặc biệt, hơn 130 hộ người Mông trong thôn giờ chỉ còn hơn 20 hộ nghèo.

Phìn Chư 3 có khí hậu ấm áp vì cạnh sông Chảy, bà con chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc. Đến nay, trung bình mỗi hộ có 2 - 3 con trâu, bò. Bà con còn trồng 70ha quế, mở ra triển vọng làm giàu trong tương lai.

Diện mạo kinh tế xã hội tại Si Ma Cai đang thay đổi từng ngày (Ảnh: TL).

Diện mạo kinh tế xã hội tại Si Ma Cai đang thay đổi từng ngày (Ảnh: TL).

Không chỉ riêng Nàn Sín, những năm qua, huyện Si Ma Cai đã chọn hai loại gia súc chủ lực là trâu và bò để xây dựng vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hàng hóa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường trong huyện. Đồng thời cung cấp thực phẩm sạch cho khu du lịch Sa Pa, TP. Lào Cai, các tỉnh miền xuôi và xuất khẩu.

Nhờ các chính sách hỗ trợ thiết thực của địa phương về vốn vay, kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, cùng sự chủ động của các hộ sản xuất, mô hình chăn nuôi đại gia súc nhanh chóng cho thấy hiệu quả vượt trội, mở lối thoát nghèo, làm giàu bền vững cho người dân.

Với nhiều cách làm sáng tạo, diện mạo nông nghiệp, nông thôn vùng cao Si Ma Cai đang có sự đổi thay rõ rệt. Người nông dân đã bước đầu mạnh dạn hơn trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhiều hộ đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng, chủ động nghiên cứu, tìm tòi để có thêm kiến thức bổ ích cho sản xuất, nuôi trồng của gia đình, tích cực tham gia các mô hình khuyến nông, khuyến lâm để có thêm kinh nghiệm ứng dụng vào phát triển kinh tế tại gia đình.

Kết quả, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện hiện đạt trên 28 triệu đồng/người/năm. 100% đường liên xã, đường giao thông liên thôn đã được đầu tư cứng hóa, 75% đường nội đồng đã được cứng hóa, 68% đường nội thôn đã được cứng hóa. 100% xã, thị trấn có điện, 100% thôn được sử dụng điện lưới Quốc gia...

Trong năm 2022, huyện đã có thêm 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, lũy kế toàn huyện có 4 sản phẩm, duy trì 6 nhãn hiệu tập thể như lê, mận Tả van Si Ma Cai, thịt hun khói, trứng vịt Sín Chéng, rượu Mù Tráng Phìn, rượu Sảng Mản Thẩn.

Năm 2023, huyện Si Ma Cai xác định giảm nghèo, nâng cao thu nhập, trình độ dân trí, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp sang các lĩnh vực khác là nhiệm vụ đột phá. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đảm bảo trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ then chốt.

Để hoàn thành mục tiêu, huyện chú trọng phát triển kinh tế, xã hội gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện tiến bộ và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-si-ma-cai-thoat-ngheo-nho-co-htx-1091372.html