Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp cho lần tiếp theo

Nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề nghị xem xét quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (trên 12 năm) của người lao động được bảo lưu, để tính hưởng trợ cấp cho lần tiếp theo...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại dự thảo Luật Việc làm mới nhất, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng, là một trong những trường hợp sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

XEM XÉT THỜI GIAN ĐÓNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP DƯ TRÊN 12 NĂM ĐƯỢC BẢO LƯU

Trước đó, khi đưa ra lấy ý kiến, nội dung này đã nhận được nhiều phản hồi từ các cơ quan, đơn vị, người lao động. Phần lớn đều kiến nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ, đồng thời xem xét thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tới.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh Ninh Thuận, Long An, AmCham Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đều đề nghị đánh giá tác động đối với quy định trên, thậm chí bỏ hẳn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng nếu người lao động đóng đủ 144 tháng bảo hiểm thất nghiệp (12 năm), mà không được hưởng trợ cấp thất nghiệp với những tháng đóng nhiều hơn, sẽ khiến họ làm đủ 12 năm rồi nghỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đồng thời, việc này cũng sẽ tạo ra nguy cơ rút bảo hiểm xã hội một lần, gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội nói chung. Doanh nghiệp sẽ mất đi những người lao động làm việc lâu năm, hoặc người lao động sẽ phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách trợ cấp thất nghiệp.

Tổ chức Công đoàn cũng đề nghị bỏ quy định này, cho phép người lao động được đóng và hưởng trợ cấp thất nghiệp, đối với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.

Thực tế, có những người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đủ để hưởng lương hưu, nhưng chưa đủ tuổi, hoặc do đặc thù ngành nghề, hoặc nguyện vọng làm việc, họ phải nghỉ việc chờ hưởng lương hưu.

Trong thời gian đó, việc người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian đóng là hợp lý, đảm bảo thu nhập khi không có việc làm trong thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, khi phản hồi kiến nghị trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu quan điểm tiếp tục giữ nguyên như quy định hiện hành. Bộ này lý giải, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, tính chia sẻ rủi ro cao.

Việc không bảo lưu đối với thời gian đóng trên 144 tháng kế thừa quy định hiện hành, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời, đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

“Mặt khác, trợ cấp thất nghiệp chỉ là phần hỗ trợ thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm việc, không thể thay thế cho toàn bộ thu nhập của người lao động trong khoảng thời gian dài”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thừa nhận trong quá trình lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo nhận được nhiều thắc mắc về nội dung này, song đây là vấn đề luật hiện hành đã quy định, được tính toán rất kỹ.

"Còn nếu kéo dài thời gian hưởng như đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì sẽ không đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp”, ông Bình nói.

QUY ĐỊNH MỨC TRẦN HƯỞNG ĐỂ ĐẢM BẢO CÂN ĐỐI QUỸ

Theo lãnh đạo Cục Việc làm, mức đóng - hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng cần tính toán đến khả năng rủi ro của quỹ. Bởi nếu không khống chế mức trần, sẽ xảy ra hiện tượng người lao động chỉ nhận chế độ trợ cấp thất nghiệp, mà không tích cực đi tìm việc làm và tham gia thị trường lao động. "Đây là điểm yếu có thể sẽ làm chính sách bảo hiểm thất nghiệp đi chệch mục tiêu", ông Vũ Trọng Bình nhận định.

Lao động hưởng bảo hiểm thât nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Lao động hưởng bảo hiểm thât nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Bên cạnh đó, nếu kéo dài chế độ hưởng, đồng nghĩa người lao động và doanh nghiệp tiếp tục phải đóng thêm, trong bối cảnh khó khăn thì đây cũng là vấn đề cần tính toán.

Cũng liên quan đến chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhiều cơ quan đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng; sửa mức trần đóng chế độ này.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.

Riêng đối với những người đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng đến khi nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào, thì được hưởng 50% số tiền đã đóng vào quỹ này.

Còn theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, dự thảo Luật quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng.

Trong khi mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng. Như vậy, những người lương cao sẽ đóng cao hưởng ít, chưa đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng của chính sách.

Công ty Toyota Việt Nam cũng đề nghị sửa mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa thành 8,3 lần mức lương tối thiểu vùng, hoặc sửa mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa thành 12 lần mức lương tối thiểu vùng.

Về kiến nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên mức 60% mức bình quân tiền lương như hiện nay. Đây là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Việc quy định mức trần hưởng trợ cấp thất nghiệp phù hợp với nguyên tắc bù đắp môt phần thu nhập khi người lao động bị mất việc làm, và đảm bảo khả năng cân đối thu chi của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Ban soạn thảo cho biết tiếp tục tiếp thu các góp ý, lắng nghe để hoàn thiện trong quá trình xây dựng luật.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dong-bao-hiem-that-nghiep-tren-144-thang-se-khong-duoc-bao-luu-de-tinh-huong-tro-cap-cho-lan-tiep-theo.htm