Đồng bào Khmer ở Kiên Giang nỗ lực phát triển toàn diện

Kiên Giang là một trong ba tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào Khmer sinh sống. Với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của từng hộ dân, đời sống của đồng bào Khmer đã đổi thay mạnh mẽ, ngày càng nâng cao.

Từng bước nâng cao đời sống vật chất, thoát nghèo

Tỉnh Kiên Giang có hơn 13% dân số là người Khmer (đứng thứ ba trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh) với trên 56.000 hộ, khoảng 237.000 nhân khẩu. Đồng bào Khmer tập trung sinh sống nhiều ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Giang Thành, TP. Hà Tiên…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang được Trung ương phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển trên 66,4 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 57,7 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương đối ứng trên 8,6 tỷ đồng.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh, tỉnh Kiên Giang đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020 (gần 100 triệu đồng/người/năm); hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1,5 - 2%; phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp…

Theo Ban Dân tộc Kiên Giang, đến nay, tỉnh có 101/116 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 33 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc Khmer; 100% xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông nông thôn; hộ gia đình đồng bào Khmer sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89,3%.

Toàn tỉnh đã triển khai 77 dự án, hỗ trợ 254 hộ đồng bào Khmer với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng…; khuyến khích, hỗ trợ nhiều mô hình, cách làm hay đang giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn các xã, thị trấn thoát nghèo, giúp cho nhiều hộ Khmer có nguồn thu nhập ổn định, làm giàu chính đáng.

Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương đã từng bước mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

“Nhiều hộ dân đã tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp trở lại cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer”, ông Danh Phúc cho biết.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bên cạnh chăm lo, đầu tư hạ tầng, sinh kế…, Kiên Giang luôn chú trọng là giữ gìn, phát huy, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer trong đa dạng giá trị văn hóa chung của dân tộc.

Triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh về hỗ trợ công tác bảo tồn, khôi phục bản sắc văn hóa, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ 15/76 ngôi chùa Khmer được trang bị phương tiện âm thanh, nhạc cụ để hoạt động văn nghệ. Tỉnh có đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động hiệu quả.

Lễ hội đua thuyền của đồng bào Khmer tại Kiên Giang

Lễ hội đua thuyền của đồng bào Khmer tại Kiên Giang

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Ðề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đề án, tỉnh đã tiến hành lập hồ sơ khoa học về 4 loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang, gồm: nghệ thuật múa truyền thống Khmer, Lễ hội Ok-Om-Bok, nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc ngũ âm Khmer, văn học dân gian Khmer…, để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, đặc biệt tạo ý nghĩa và hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Khmer, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu cho biết, các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Nghệ thuật truyền thống Khmer góp phần củng cố tình đoàn kết cộng đồng, là hạt nhân xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Chăm lo phát triển giáo dục

Với nhiều chính sách đầu tư chăm lo phát triển giáo dục dân tộc, chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kiên Giang ngày càng ổn định và nâng cao. Đặc biệt, hệ thống các trường PTDTNT, PTDT bán trú từng bước được đầu tư phát triển, khẳng định vị trí quan trọng trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, năm học 2024 - 2025, tỉnh đầu tư trên 158,2 tỷ đồng xây dựng bổ sung phòng học lý thuyết, phòng học bộ môn, nhà đa năng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sửa chữa phòng học, ký túc xá, đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy… tại 7 trường học trực thuộc Sở. Tỉnh cũng tranh thủ các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học tại vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.

Tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025, tổ chức giảng dạy tiếng Khmer trong chương trình môn học tiếng dân tộc thiểu số đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ở bậc tiểu học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; đảm bảo đủ giáo viên dạy tiếng Khmer, trong đó 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo, 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực; đảm bảo đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng Khmer bậc tiểu học.

Bên cạnh đó, việc dạy và học chữ Khmer được các cấp, các ngành và đồng bào Khmer quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 43 điểm trường dạy song ngữ với 223 lớp, gần 5.900 học sinh dân tộc Khmer theo học; 31 chùa dạy chữ Khmer vào dịp hè với 297 lớp và hơn 7.000 học sinh dân tộc Khmer theo học mỗi năm. Hằng năm, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ ngân sách để mua sách Khmer ngữ và tổ chức dạy chữ Khmer trong dịp hè.

Linh Chi

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dong-bao-khmer-o-kien-giang-no-luc-phat-trien-toan-dien-2355766.html